.

Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Cập nhật: 16:47, 22/10/2024 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện Kế hoạch 355 ngày 9-10-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (viết gọn là Cuộc thi), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân và những thành tựu to lớn trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh; góp phần củng cố niềm tin, phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của tuổi trẻ và Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

Tổ chức Cuộc thi chặt chẽ, nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của các đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ; tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CUỘC THI

1. Chủ đề: “80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

2. Đối tượng dự thi

- Cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên trong lực lượng vũ trang tỉnh (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn; cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Thể lệ Cuộc thi: (Có Phụ lục 1 kèm theo).

4. Hình thức, nội dung, thời gian

a) Hình thức, nội dung

Tổ chức thi viết, chia thành 2 nhóm đối tượng như sau:

* Nhóm A: Dành cho tất cả các đối tượng.

- Bài dự thi phải trả lời đầy đủ 10 câu hỏi do Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra.

- Bài dự thi bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy; khuyến khích bài thi đầu tư công phu, sâu sắc về nội dung, sáng tạo về hình thức, trình bày khoa học, sử dụng hình ảnh, tư liệu minh họa hợp lý, liên hệ, vận dụng sát với cương vị, chức trách bản thân và thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương.

* Nhóm B: Dành cho thanh thiếu nhi (từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi).

- Thể loại: Bài dự thi phản ánh, ghi chép, bút ký.

- Bài dự thi bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy; khuyến khích bài thi đầu tư công phu, sâu sắc về nội dung, sáng tạo về hình thức, trình bày khoa học, sử dụng hình ảnh, tư liệu minh họa hợp lý, gồm 02 phần:

+ Phần 1: Cảm nhận của cá nhân về các chủ đề: Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân (có thể lựa chọn một hoặc nhiều chủ đề).

+ Phần 2: Liên hệ trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc phát huy truyền thống cha anh đi trước, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Thời gian

- Thời gian tiếp nhận bài dự thi: Từ ngày 1-11-2024 đến ngày 30-11-2024, tại Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang (Số 1, đường Hùng Vương, Phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Tổ chức chấm thi: Từ ngày 1-12-2024 đến ngày 10-12-2024.

- Tổng kết, trao giải: Có thông báo riêng.

5. Cơ cấu giải thưởng: Giấy khen + Tiền thưởng của Ban Tổ chức Hội thi.

* Nhóm A: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 20 giải Khuyến khích.

* Nhóm B: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích.

THỂ LỆ

Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân việt nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”

1. Chủ đề: Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân việt nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân".

2. Đối tượng dự thi

- Cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên trong lực lượng vũ trang tỉnh (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).

- Hội viên các tổ chức Hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Nội dung thi

- Quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

- Lịch sử, truyền thống, văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; lịch sử, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân; các phong trào hành động cách mạng xung kích bảo vệ Tổ quốc của Đoàn, Hội, Đội.

- Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cảm nhận của cá nhân về lịch sử, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước; trách nhiệm tiếp nối, phát huy truyền thống trong học tập, lao động, công tác, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Hình thức: Thi viết

- Nhóm A: Tất cả các đối tượng dự thi đều có thể tham gia.

- Nhóm B: Dành cho thanh thiếu nhi (từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi).

5. Cách thức dự thi viết

a) Quy định về bài dự thi

- Nhóm A (tất cả các đối tượng dự thi):

+ Bài dự thi trả lời đầy đủ, đúng thứ tự 10 câu hỏi do Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra.

+ Mỗi tác giả (nhóm tác giả) chỉ dự thi 1 tác phẩm. Đối với nhóm tác giả không quá 5 người.

+ Bài thi sử dụng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy; khuyến khích bài thi đầu tư công phu, sâu sắc về nội dung, sáng tạo về hình thức, trình bày khoa học, sử dụng công nghệ số, hình ảnh, tư liệu minh họa hợp lý, liên hệ, vận dụng sát với cương vị, chức trách cá nhân và thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Nhóm B (dành cho thanh thiếu nhi):

+ Thể loại: Bài phản ánh, ghi chép, bút ký.

+ Bài dự thi gồm 2 phần:

Phần 1: Cảm nhận của cá nhân về các chủ đề: Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân (có thể lựa chọn một hoặc nhiều chủ đề).

Phần 2: Liên hệ thế hệ trẻ ngày nay phát huy truyền thống cha anh đi trước, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

+ Bài dự thi là của cá nhân (không phải nhóm tác giả). Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài thi.

+ Bài dự thi không quá 5.000 từ; sử dụng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy; không hạn chế số lượng hình ảnh minh họa.

+ Bài dự thi chưa được công bố trên các báo, tạp chí và phương tiện thông tin đại chúng; tỷ lệ trùng lặp với các bài viết, tác phẩm đã được công bố không quá 20%.

- Quy định chung với bài thi viết

+ Bài thi không được sao chép của người khác dưới mọi hình thức; nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu minh họa phải chú thích rõ ràng. Sáng kiến, mô hình, điển hình tiêu biểu là người thật, việc thật, có địa chỉ cụ thể, không hư cấu.

+ Ngoài bìa bài thi ghi rõ: “Bài dự thi tìm hiểu truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội nhân dân việt nam, 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân”; thông tin tác giả (nhóm tác giả), gồm: Nhóm thi (Nhóm A hoặc Nhóm B); họ và tên; tuổi, giới tính, dân tộc; cấp bậc (nếu là quân nhân); chức vụ (chính quyền, đoàn thể); tên cơ quan, đơn vị, địa phương; số điện thoại liên hệ.

- Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp cho Ban Tổ chức. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm pháp lý nếu phát sinh bất cứ vấn đề nào liên quan đến bản quyền của các yếu tố được sử dụng trong bài dự thi. Bài dự thi vi phạm bản quyền sẽ bị loại khỏi Cuộc thi hoặc bị thu hồi giải thưởng (nếu phát hiện sau khi đã trao giải).

Ban Tổ chức có toàn quyền sử dụng bài dự thi phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục không lợi nhuận.

b) Bài dự thi gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi theo 2 hình thức: Nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường Bưu điện về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang (qua Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị). Địa chỉ: Số 1, đường Hùng Vương, Phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

* Lưu ý: Bài thi phải để vào phong bì phẳng (không được cuộn tròn hoặc gấp nhỏ bài dự thi); nếu nộp qua đường Bưu điện, thời gian nộp được tính theo dấu bưu cục.

6. Cơ cấu giải thưởng (theo Kế hoạch)

7. Các quy định khác cho tất cả các hình thức thi

Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký Cuộc thi không được tham gia thi.

Trong quá trình tổ chức Cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ quyết định, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

P.V

.
.
.