.
HỌC BÁC ĐỂ LÀM TỐT TRỌNG TRÁCH CỦA NGƯỜI LÀM BÁO

BÀI CUỐI: Phải thay đổi để thích ứng trong thời đại số

Cập nhật: 09:33, 04/10/2024 (GMT+7)

Bài 1: Phát huy vai trò của báo chí

Bài 2: Góp phần lan tỏa những điển hình học tập và làm theo Bác

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã thay đổi hoàn toàn cách mà thông tin được tạo ra, truyền tải và tiếp cận. Trong bối cảnh này, đòi hỏi người làm báo không chỉ thay đổi, thích ứng để tồn tại, mà còn cần phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng của người làm báo.

“NÓNG” CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ

Câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) báo chí và chiến lược CĐS báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi báo chí truyền thống. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, vấn đề của báo chí số hay báo chí đa phương tiện không chỉ nằm ở công nghệ, mà cốt lõi nằm ở con người.

Quang cảnh Hội nghị Báo chí với công tác Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ CĐS.                 Ảnh: LÊ MINH
Quang cảnh Hội nghị Báo chí với công tác Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ CĐS. Ảnh: LÊ MINH

Chia sẻ ở nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trong lĩnh vực báo chí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, CĐS là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Theo đồng chí Lê Quốc Minh, đối với những cơ quan báo chí, muốn CĐS là phải hướng tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi đến từ cấp cao nhất và cần hiểu biết rõ về dữ liệu. 2 yếu tố cốt lõi liên quan đến vấn đề con người trong CĐS nằm ở nhu cầu của công chúng và năng lực của nhà báo.

Trong tình hình mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi trong thời gian tới các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí trong tỉnh, đội ngũ phóng viên cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trên mặt trận quan trọng này.

Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải luôn phát huy vai trò nêu gương, gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác tạo sức lan tỏa trong xã hội. Trong đó, tập trung “phủ xanh” thông tin tích cực, “pha loãng”, giảm ảnh hưởng của thông tin xấu độc để kịp thời giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay từ cơ sở, cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện, vấn đề quan trọng của địa phương”.

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết: “ Việc thực hiện CĐS trong lĩnh vực báo chí nói chung và báo chí trên địa bàn Tiền Giang nói riêng đối diện với một số khó khăn; bởi CĐS đòi hỏi sự thay đổi văn hóa và thái độ trong hoạt động sản xuất sản phẩm báo chí.

Theo đó, người làm báo cần được đào tạo để sử dụng các công nghệ và công cụ số hóa mới, học áp dụng các quy trình sản xuất mới. Điều này có thể thách thức đối với trình độ, kiến thức tiếp cận công nghệ của nguồn nhân lực hiện có (nhất là nguồn nhân lực lớn tuổi); việc tác nghiệp của phóng viên, nhà báo đòi hỏi phải biết sử dụng công nghệ theo hướng truyền thông đa phương tiện, kể cả sử dụng công nghệ AI hỗ trợ cung cấp nội dung”.

Bên cạnh đó, để thực hiện CĐS, cần có hạ tầng công nghệ phù hợp, bao gồm các hệ thống thông tin, đặc biệt là các phần mềm chuyên dụng và các ứng dụng phục vụ việc xuất bản và phân phối nội dung. Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và duy trì nó hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cung ứng 24/7 cho công chúng là một thách thức lớn về tài chính lẫn trình độ nguồn nhân lực.

 Đội ngũ người làm báo trong và ngoài tỉnh tham dự lớp Báo chí về ứng dụng Al, Chat GPT trong tác nghiệp báo chí.
Đội ngũ người làm báo trong và ngoài tỉnh Tiền Giang tham dự lớp Báo chí về ứng dụng Al, Chat GPT trong tác nghiệp báo chí.

Không những thế, sự phát triển của mạng xã hội còn là “diễn đàn” để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động, tương tác trên các trang mạng như Facebook, Tiktok, Zalo... Bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tạo các video clip câu like, view (lượt xem), thành lập nhóm chat..., những đối tượng này cập nhật liên tục, suy diễn, bình luận theo kiểu làm “sáng tỏ vấn đề”, phát tán luồng dư luận trái chiều về các vấn đề gây xôn xao dư luận xã hội, thổi phồng các điểm nóng ở từng địa phương, tuyên truyền quan điểm, thông tin sai trái với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với nhân dân.

Do đó, đòi hỏi cơ quan báo chí không những phải tạo ra sản phẩm có nội dung hấp dẫn, dễ tiếp cận, mà còn đòi hỏi người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm góp phần định hướng dư luận. Đây cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ người làm báo.

CHUYỂN ĐỔI SỐ: BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Thực hiện Quyết định 348 phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-4-2023, thời gian qua, các cơ quan báo chí tại Tiền Giang nỗ lực vượt khó tập trung thực hiện CĐS báo chí.

Đồng chí Trần Văn Dũng cho rằng, để CĐS thành công, có 3 yếu tố cơ bản quyết định thành bại của CĐS là con người, thể chế và công nghệ số; các cơ quan báo chí tỉnh cần chú trọng 3 yếu tố trên để có giải pháp cụ thể trong quá trình tổ chức và thực hiện CĐS. Theo phân tích của đồng chí, trước tiên, CĐS là việc chuyển đổi của con người nên đây là yếu tố quan trọng nhất. Hai vấn đề chính của con người trong CĐS là nhận thức và năng lực.

Trong đó, nhận thức của lãnh đạo là quan trọng hàng đầu, để có quyết tâm và lãnh đạo CĐS đúng, rồi đến nhận thức của mọi thành viên trong tổ chức. Năng lực liên quan đến đào tạo, cả đào tạo lực lượng nòng cốt cho CĐS và toàn bộ lực lượng tham gia sản xuất. Về công nghệ, cần xây dựng một tòa soạn  đa phương tiện/ tòa soạn hội tụ phục vụ quản lý, tác nghiệp từ nội bộ cơ quan báo chí đến phục vụ độc giả và tương tác độc giả qua môi trường số.

 Phóng viên Báo Ấp Bắc tham dự lớp Bồi dưỡng về nghiệp vụ làm báo do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Phóng viên Báo Ấp Bắc tham dự lớp Bồi dưỡng về nghiệp vụ làm báo do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Trong đó, chú trọng tối ưu hóa các thiết bị di động. Phát triển ứng dụng di động/liên kết các nền tảng có sẵn nhằm sử dụng ứng dụng di động cho phép độc giả tiếp cận nội dung báo chí Tiền Giang trên điện thoại di động. Cải thiện trải nghiệm đọc online thông qua việc tạo ra một giao diện đọc trực tuyến dễ dùng, trực quan và hấp dẫn cho người dùng; tạo nội dung đa phương tiện thông qua việc đầu tư vào sản xuất nội dung đa dạng như video, podcast, infographic và hình ảnh; cung cấp dịch vụ đăng ký trực tuyến.

Về thể chế, các cơ quan báo chí cần bám sát các chủ trương, chính sách đã ban hành của Trung ương và của tỉnh; cụ thể là Nghị quyết 08 ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy về CĐS của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 348 ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Liên quan công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ cho đội ngũ người làm báo, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tiền Giang Văn Công Hùng cho biết, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao cho đội ngũ người làm báo trong và ngoài tỉnh nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo để thích ứng với nền báo chí hiện đại.

Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ thường xuyên phối hợp các sở, ngành liên quan, cơ quan báo, đài tổ chức hội thảo, tập huấn, đi thực tế sáng tác tác phẩm báo chí; phối hợp chặt chẽ với các chi hội, liên chi hội tổ chức tọa đàm, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày về một số thể tài báo chí như: Kỹ năng viết về người tốt việc tốt, viết về hội nhập kinh tế, viết về đề tài học tập và làm theo Bác, kỹ năng làm báo thời công nghệ số… Đặc biệt, Hội sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức các giải báo chí do Trung ương và tỉnh phát động nhằm khuyến khích đội ngũ người làm báo tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng.

Còn theo Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Minh Tân, để thích ứng với CĐS, thời gian tới, đội ngũ người làm báo của Báo Ấp Bắc sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp các phần mềm, công cụ kỹ thuật số mới như: Sử dụng phần mềm biên tập, phần mềm thiết kế đồ họa và các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận độc giả và tạo ra nội dung hấp dẫn. Ban Biên tập Báo Ấp Bắc xác định, báo chí phải là nơi đi đầu biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tích cực đấu tranh, phản biện trước những vấn đề, những hiện tượng tiêu cực, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mở nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền đối với mảng đề tài học tập và làm theo Bác, nhằm thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Đặc biệt, Báo Ấp Bắc đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển Báo Ấp Bắc giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ sở để Báo Ấp Bắc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu CĐS và xây dựng tòa soạn hội tụ. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, góp phần cùng với Đảng bộ tỉnh Tiền Giang thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

HOÀI THU - LÊ NGUYÊN

 

.
.
.