Bài 1: Uy tín giả - "mảnh đất dụng võ" của kẻ thù
Bài 1: Uy tín giả - "mảnh đất dụng võ" của kẻ thù
Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Uy tín giả bao giờ cũng là “giặc nội xâm”. Nó còn là mảnh đất màu mỡ mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá đội ngũ cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì thế, xây dựng, bảo vệ uy tín đích thực, chống uy tín giả ở cán bộ, đảng viên cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách hiện nay.
Uy tín - phẩm chất không thể thiếu ở người lãnh đạo
Theo nghĩa tiếng Việt, uy tín là sự tín nhiệm, mến phục được mọi người thừa nhận. Nói cách khác, uy tín là sự phản ánh những phẩm chất cần có trong nhân cách của người này thông qua sự nhìn nhận, đánh giá của người khác và tập thể. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, uy tín có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình. Ảnh minh họa: vneconomy.vn |
Uy tín đích thực sẽ tạo được sự tin tưởng, phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của tập thể đối với người đứng đầu, người phụ trách. Từ đó, mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện triệt để, hiệu quả. Khi đó, tinh thần dân chủ được phát huy; năng lực, sở trường của từng cá nhân được thể hiện và mang lại những giá trị thiết thực cho tập thể. Không chỉ vậy, uy tín của cán bộ, đảng viên còn là cơ sở tạo nên uy tín của Đảng. Khi có đủ uy tín trước nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những con sóng lớn của thời đại và vươn khơi, cập bến vinh quang. Vì nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.
Trái lại, nếu cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, người quản lý không có uy tín, hoặc uy tín thấp, thậm chí uy tín giả thì không thể nêu gương mực thước và thuyết phục, lãnh đạo được quần chúng. Khi đó, mọi chỉ thị, mệnh lệnh khó có thể được quán triệt, thực hiện một cách tự giác, hiệu quả. Cho nên cán bộ, đảng viên không có uy tín hoặc uy tín giả sẽ làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. V.I.Lenin cho rằng: "Người lãnh đạo phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ"(1).
Một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công trong quản lý, lãnh đạo là uy tín đích thực theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là sự hội tụ đầy đủ của các phẩm chất cần thiết trong nhân cách người quản lý, lãnh đạo. Các phẩm chất ấy là: “Tâm, tầm và tài”; là đạo đức cách mạng. Trong bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản cách đây tròn 40 năm, với bút danh “Trọng Nghĩa”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (sau này là Tổng Bí thư) đã chỉ rõ: “Uy tín theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín”. Với ý nghĩa đó, uy tín của cán bộ, đảng viên phải là những phẩm chất nội tại, đích thực ở từng chủ thể. Khi có đủ uy tín, người lãnh đạo sẽ thúc đẩy được tinh thần và nhịp điệu học tập, lao động, chiến đấu tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể, xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo dư luận tích cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hệ lụy “giậu đổ bìm leo”
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nếu người cán bộ, đảng viên xây dựng uy tín cho mình thay vì dựa trên ý chí, nghị lực với động cơ phấn đấu méo mó, lệch lạc thì tất yếu sẽ tạo ra uy tín giả. Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Vì vậy, uy tín của người lãnh đạo, người cán bộ, đảng viên nếu không được tạo ra bằng chính năng lực và đức độ thực sự thì tác hại sẽ rất khôn lường.
Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình để đấu tranh, ngăn chặn các thói hư, tật xấu nhằm xây dựng tổ chức và cán bộ. Khi đó, dân chủ trong tập thể chỉ còn là hình thức. Sự thống nhất trong cơ quan, đơn vị, địa phương thực chất chỉ là dĩ hòa vi quý. Cho nên uy tín của người lãnh đạo, người đứng đầu không đơn thuần chỉ là uy tín của bản thân họ mà còn là uy tín, là tương lai của cơ quan, đơn vị, địa phương. Uy tín giả không chỉ làm phương hại đến bầu không khí dân chủ, dư luận tích cực và tinh thần "tương thân tương ái" trong tập thể mà nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân-thứ “giặc nội xâm” nguy hại. Đồng thời, uy tín giả cũng chính là "mảnh đất dụng võ", là cái cớ để các thế lực thù địch tập trung công kích, chống phá.
Trước thềm đại hội đảng các cấp, cũng như mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch càng ráo riết, tinh vi hơn. Chúng sử dụng nhiều phương tiện để đánh vào nhiều phương diện, nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó, uy tín của cán bộ, đảng viên được xem là một trong những tử huyệt mà chúng nhắm tới.
Công cụ tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp dư luận để nói xấu Đảng hữu hiệu, phổ biến hiện nay của chúng là các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Nhất là việc tận dụng, phát huy tối đa công năng của các ứng dụng: Facebook, Instagram, TikTok, YouTube cũng như một số kênh, hãng truyền thông nước ngoài vốn dĩ đã không có thiện chí với Việt Nam. Tại các diễn đàn, họ không ngần ngại suy diễn vô căn cứ hòng hạ uy tín của Đảng. Từ một vài hiện tượng cán bộ, đảng viên sa ngã được họ nhào nặn và quy chụp thành bản chất của Đảng, của chế độ. Từ đó phủ nhận hệ thống lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dày công vun đắp.
Như vậy, uy tín là yếu tố rất quan trọng ở người cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức. Song, uy tín đó phải là chân thực, chính hiệu. Cho nên, xây dựng và giữ gìn uy tín chân thực; nhận diện, đẩy lùi uy tín giả trong cán bộ, đảng viên sẽ góp phần ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
(Theo qdnd.vn)
(1) V.I.Lenin: Toàn tập (bản tiếng Nga, t.45, tr.363)-theo sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.6, tr.16