.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Cập nhật: 19:48, 11/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 11-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng với 2 nội dung.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và phạm vi nội dung chất vấn của kỳ họp này để đánh giá khách quan, xem xét kỹ những khó khăn, thách thức tình hình trong nước và bối cảnh khu vực và thế giới; phân tích, đánh giá đúng mức những mặt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ sát thực, khả thi, hiệu quả…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình, Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo 16 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị ĐBQH tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.

KẾT QUẢ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG TIẾP CẬN VỐN CỦA KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhận định về kết quả tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, nhất là các đơn vị kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; trách nhiệm và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Minh Tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quan tâm đề ra các giải pháp về tín dụng và thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo phối hợp với các bộ, ban, ngành và Liên minh Hợp tác xã rà soát những khó khăn, tồn tại để tham mưu, đề xuất.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 55 về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, tổng kết và sửa đổi Nghị định 55.

Đối với các hợp tác xã thuộc đối tượng cho vay theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 27 chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đây là những văn bản Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nếu hợp tác xã thuộc đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ được tiếp cận.

“Thời gian qua, chúng tôi tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ và đối với Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là đầu mối phối hợp với các cơ quan bộ, ngành để tham mưu Chính phủ và tham mưu Quốc hội bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho các chương trình này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ, THU HÚT NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHO ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Tham gia phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, dư nợ tín dụng đối với các dự án giao thông đang có xu hướng giảm. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân có phải do nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay? Trong thời gian tới, Thống đốc có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm liên quan đến tín dụng cho giao thông, BOT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đường cao tốc là lĩnh vực mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

“Và chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng km đường xây dựng so với thời gian trước đã tăng lên rất nhanh và nhiệm vụ cho giai đoạn tới, đến năm 2030 để có được 5 nghìn km đường cao tốc là mục tiêu rất lớn. Đường cao tốc cần nguồn vốn vay dài hạn, cho nên đòi hỏi phải đa dạng hóa các nguồn lực từ nhiều kênh”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với hệ thống ngân hàng, Ngân hang Nhà nước đã đánh giá, theo dõi và trước đây cũng có các dự án về đường cao tốc, các ngân hàng đã tham gia vay vốn, tổng dư nợ các khoản cho vay các dự án đường cao tốc này khoảng trên dưới 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận thấy, nợ xấu và nợ nhóm hai của các dự án này đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%. Và nguyên nhân khác còn do tiền trả nợ làm đường cao tốc thường đến từ nguồn thu phí. Vì vậy, nếu chính sách thu phí đường cao tốc thường xuyên thay đổi hay các phương án tài chính của các dự án xây dựng đường cao tốc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các dự án này. Do đó, các Tổ chức tín dụng khá thận trọng, còn khuôn khổ pháp lý hiện đã đầy đủ.

Bàn về giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với giải pháp về nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng phải tăng cường cho vay đồng thời tài trợ đối với những dự án lớn. “Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và liên quan đến chống biến đổi khí hậu, việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, đặc biệt đối với các dự án ODA trợ giúp phát triển chính thức như ngân hàng ADB, Ngân hàng Thế giới, quan trọng nhất là chúng ta cân đối vay bao nhiêu để đảm bảo cân đối của nền kinh tế cũng như đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận thiện. Và thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất đối với lĩnh vực ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp đã có 43 ĐBQH chất vấn, 1 đại biểu tranh luận và còn 11 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời theo quy định. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị tốt về nội dung, nắm chắc vấn đề, có sự bao quát các chính sách vĩ mô khác, trả lời thẳng vấn đề mà ĐBQH đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực ngân hàng còn không ít những khó khăn, thách thức lạm phát giảm nhưng chưa bền vững và còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát…Triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất, thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.