.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận 2 dự án luật

Cập nhật: 18:09, 23/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ cho ý kiến dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, gồm 8 chương, 73 điều được xây dựng với quan điểm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số. Tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển, hình thành quá trình xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại “phương thức sản xuất số” và mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội. Tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành phiên họp
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành phiên họp.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương, phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Góp ý kiến thêm cho dự án Luật này, các đại biểu băn khoăn về định nghĩa "tài sản số" và mối quan hệ với các quy định về tài sản trong Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành khác. Đồng thời, đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng sự tương thích, chồng chéo giữa dự thảo luật này với các luật hiện hành như Luật CNTT, Luật Dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử…

Quan tâm tới quy định về nguyên tắc quản lý tài sản số, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định như tại dự thảo Luật mới chỉ có tài sản số liên quan đến quyền sở hữu, chuyển nhượng mà chưa đề cập đến tài sản số liên quan đến quyền thừa kế. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào Điều 16; bởi vì, nếu đã có được quyền chuyển nhượng, xác định đó là tài sản thì cũng phải có quyền được thừa kế.

Ngoài ra, liên quan tới ưu đãi với khu công nghệ số, đại biểu cũng cho biết, tại khoản 1 quy định khu công nghệ số được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không quy định điểm này trong dự thảo Luật vì tính khả thi không cao.

“Theo quy định hiện hành, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt; về kinh tế thì thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng yếu, dân trí thấp, thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục. Trong khi đó, công nghệ số là lĩnh vực mới, quan trọng, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cần cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước sạch thuận lợi... Bởi vậy, nếu phát triển khu công nghệ số ở những vùng còn khó khăn thì sẽ khó thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn nhân lực” - đại biểu lý giải.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các ĐBQH còn cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm khác như: Phạm vi điều chỉnh, trí tuệ nhân tạo; thủ tục hành chính, điều khoản chuyển tiếp; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số; chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân và nguồn tài chính cho phát triển công nghệ số; việc đổi tên từ "Khu công nghiệp CNTT tập trung" sang "Khu công nghệ số"…

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương và 62 điều. Nội dung dự thảo Luật đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật. Việc xây dựng và ban hành Luật nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành tại Luật số 69/2014/QH13; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đối với dự án Luật này, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

 Cơ bản các đại biểu đều thống nhất về nhu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát huy hiệu quả nguồn lực vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, cũng đề xuất một số nội dung cần được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, khả thi và hiệu quả của các quy định.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên tắc cơ bản là doanh nghiệp nhà nước được tự do kinh doanh trong phạm vi ngành nghề đã được xác định, chỉ cần quy định những hạn chế, điều kiện cụ thể...

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.