.

Khẳng định vai trò đầu tàu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý

Cập nhật: 07:31, 20/11/2024 (GMT+7)

Chiều 19-11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1942 – 20-11-2024). Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội.

a
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những thành tích và những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo cho ngành giáo dục và sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho Đảng và Nhà nước.

Sau khi khái quát một số kết quả công tác nổi bật của Học viện trong năm học 2024-2025, đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã thông qua Chiến lược phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đồng chí cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức cần có kế hoạch rất cụ thể để thực hiện trong tất cả các lĩnh vực công tác và trong toàn hệ thống của Học viện; tích hợp những nội dung của Chiến lược nói trên vào trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ Học viện khóa 15.

a
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, tinh thần chung của cả nước, cả hệ thống chính trị hiện nay là rất khẩn trương trong các công việc, những gì làm được cần làm luôn, không chờ đợi. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần lĩnh hội tinh thần này.

Quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư về những định hướng, đột phá phát triển có tính cách mạng, hết sức quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đồng chí chuẩn bị, nỗ lực tiến hành, cụ thể hóa vào điều kiện của Học viện.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, có ba vấn đề rất hệ trọng, có thể được gọi là 3 cuộc cách mạng. Một là cuộc cách mạng về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tinh thần là triển khai ở Trung ương trước, địa phương sau.

Đối với hệ thống Học viện, sẽ triển khai ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trước, các học viện chính trị khu vực sau. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đang chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo đề án đổi mới, tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Học viện có thể sẽ phải tiếp nhận thêm một số đơn vị, đồng thời cũng sẽ phải sắp xếp và kiện toàn lại hệ thống của Học viện từ trên xuống dưới đáp ứng yêu cầu mới. Học viện đã có kinh nghiệm làm tốt việc này. Trong đó, kinh nghiệm qua sắp xếp lại bộ máy thời gian qua của Học viện cho thấy, công tác tư tưởng là hết sức quan trọng.

a
Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao thưởng cho cán bộ, giảng viên tại buổi lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hai là cuộc cách mạng về chuyển đổi số. Chúng ta đang xây dựng Học viện thông minh. Cần tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai dự án này (về xây dựng cơ sở dữ liệu, học liệu, bố trí cán bộ, kết nối với các trường chính trị, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác).

Ba là cuộc cách mạng về chống lãng phí. Trường Đảng cần quán triệt sâu sắc tinh thần này trong mọi công việc (công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; bố trí giảng viên, sắp xếp lớp học, học viên sao cho khoa học, tiết kiệm; triển khai và khai thác có hiệu quả các dự án, cơ sở vật chất...).

Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới, các đồng chí cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Học viện cần tiếp tục nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy vai trò tự quản của học viên và tinh thần trách nhiệm của giảng viên với phương châm: “người học là trung tâm-nhà trường là nền tảng-giảng viên là động lực”. Tạo bước đột phá trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đồng bộ, cập nhật, hiện đại, hội nhập, hiệu quả gắn với đổi mới công tác quản lý.

Tiếp tục triển khai hiệu quả, chất lượng các chương trình, đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học. Các đề tài nghiên cứu khoa học, các báo cáo kiến nghị cần tích cực, chủ động tham gia đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, chú trọng bổ sung lý luận về đường lối đổi mới vào nền tảng lý luận của Đảng; suy nghĩ đến việc đề xuất Chương trình nghiên cứu khoa học cho giai đoạn 2025-2030 về tiếp tục nghiên cứu và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín với việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ có trình độ cao về chuyên môn. Quan tâm hơn nữa đến chế độ cho giảng viên, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ yên tâm công tác.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ, với các thế hệ nhà giáo lão thành, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn trân trọng và tri ân những đóng góp của các đồng chí, luôn mong muốn các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp, tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng, phát triển Học viện.

Với các giảng viên trẻ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị phải phấn đấu nhiều hơn trong công tác, rèn luyện cả về trình độ lý luận chính trị, năng lực tổng kết thực tiễn và phẩm chất đạo đức để đóng góp thực chất vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu của Học viện trong hoạt động đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng và hệ thống chính trị.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.