.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG:

Tiếp xúc cử tri các huyện Cai Lậy, Tân Phước và Gò Công Tây

Cập nhật: 23:25, 03/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Chiều 3-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang gồm các ĐBQH: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri kết quả nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề có liên quan tại địa phương.

a
ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri tại huyện Gò Công Tây.

CỬ TRI KIẾN NGHỊ GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (VAT)

Tại điểm tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Hựu, Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây), cử tri kiến nghị, phản ánh các vấn đề chủ yếu như: Giá sử dụng nước sản xuất, sinh hoạt; kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); vấn nạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội; đề nghị trợ giá cho sản xuất, chăn nuôi…

a
Cử tri huyện Gò Công Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Đối với vấn đề cử tri kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế được áp dụng trên giá trị gia tăng của một sản phẩm, dịch vụ từ quá trình sản xuất, lưu thông đến khi tới tay người tiêu dùng, được nộp vào ngân sách của Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ.

Vừa qua, Quốc hội đã xem xét, sửa đổi và thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), với mục đích hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ và khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm: Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) gồm 4 chương, 17 điều, quy định một số nội dung nổi bật như: Quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản để góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp; nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên mức 200 triệu đồng/năm.

Theo đó, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; bỏ quy định cho phép không nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra, nhưng lại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại để bảo đảm nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng là chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi đầu ra thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; cho phép hoàn thuế đối với cơ sở sản xuất, cung ứng cả dịch vụ chịu thuế 5% và 10%; sửa đổi quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; điều chỉnh thuế suất của một số hàng hóa, dịch vụ; bổ sung giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại…

Đối với những ý kiến ngoài thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang ghi nhận, tổng hợp đầy đủ, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Ngoài ra, các kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được đại diện lãnh đạo các phòng, ban, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu, ghi nhận và giải trình thoả đáng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương.

CỬ TRI KIẾN NGHỊ CÁC VẤN ĐỀ VỀ BẢO HIỂM Y TẾ

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Tân Phước, có nhiều ý kiến, kiến nghị vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT) như: Tình trạng thiếu thuốc trong danh mục BHYT ở các trung tâm y tế và bệnh viện, người dân phải mua ở bên ngoài; chế độ BHYT.

a
Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trả lời về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phước Mai Thanh Trung cho biết, thời gian qua, đặc biệt trong năm 2024, ngành Y tế chấn chỉnh rất nhiều về tình trạng thiếu thuốc, để đảm bảo có đủ thuốc trong điều trị bệnh, nhất là đối với các bệnh mãn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường.

Trong năm 2024, từ huyện cho đến xã luôn đảm bảo được vấn đề cung cấp thuốc, ngành Y tế luôn bám sát số lượng thuốc và điều chuyển từ các nơi về và điều chuyển từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh hoặc đôi lúc phải điều chuyển thuốc cùng trong một hệ thống thầu ở các tỉnh khác như Bình Dương và Tây Ninh, với số lượng lớn, để bệnh nhân có đủ thuốc điều trị kịp thời.

a
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời ý kiến cử tri.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết thêm, trước tình trạng thiếu thuốc, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2024, trong đó có vấn đề thanh toán trực tiếp khi bệnh nhân mua thuốc bên ngoài, khi cơ sở khám, chữa bệnh không đáp ứng được thuốc và các vấn đề liên quan trong việc khám, chữa bệnh. Thông tư này có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2025.

Mặt khác, quy định cho phép bệnh viện được điều chuyển thuốc như là được gửi các mẫu phẩm đến chỗ khác để xét nghiệm, sẽ được thi hành vào ngày 1-7-2025.

Liên quan đến Luật BHYT, có vài điểm mới: Bổ sung thêm đối tượng mới được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT (trong đó có đối tượng cán bộ không chuyên trách ở thôn, ấp; y tế thôn bản cũng sẽ được Nhà nước hỗ trợ); xoá bỏ địa giới hành chính khi đi khám, chữa bệnh; khi mắc các bệnh nặng nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành thì người bệnh được phép đến thẳng tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh và sẽ được hưởng 100% quyền lợi; mở rộng thêm một số quyền lợi được hưởng của bệnh nhân có thẻ BHYT khi tham gia một số tuyến đặc biệt là các tuyến ban đầu…

KIẾN NGHỊ HƯỞNG HỖ TRỢ KHI CHI HỘI TRƯỞNG NGHỈ CÔNG TÁC

Tại điểm tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy, cử tri bày tỏ tâm tư rằng, việc cán bộ Chi hội trưởng Cựu chiến binh tham gia công tác Hội qua nhiều nhiệm kỳ, vì sức khỏe, tuổi cao đã nghỉ công tác, không có hưởng chế độ của Nhà nước. Do đó, cử tri kiến nghị nên xem xét cho các Chi hội trưởng Cựu chiến binh được hưởng chế độ một năm công tác bằng một tháng phụ cấp hiện hành, để tạo nguồn cán bộ Chi hội trưởng Cựu chiến binh sau này có tinh thần tham gia công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

a
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Cai Lậy.

Trả lời về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về tình hình thực hiện kinh phí đối với cơ chế hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách, nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 33/2023 của Chính phủ, thì ngân sách phải chi ra khoảng 120,6 tỷ đồng/năm đối với tổng kinh phí phân bổ từ hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố. Ngoài nguồn chi theo Nghị định 33 của Chính phủ, tỉnh đã phải cân đối thêm nguồn của địa phương để hỗ trợ khoảng 60 tỷ đồng/năm, cho thấy sự cố gắng rất lớn của tỉnh trong việc cải thiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách so với trước đây.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến nhấn mạnh, với vai trò quản lý và tham mưu UBND tỉnh về quản lý tài chính ngân sách, Sở sẽ tiếp tục cố gắng cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.

Còn chức danh Chi hội trưởng mà cử tri đặt vấn đề thì thuộc về nhóm được hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố, mà đối tượng này không phải là cán bộ không chuyên trách. Do đó, đối tượng cử tri đặt vấn đề không thuộc đối tượng cán bộ không chuyên trách, cho nên không được hưởng hỗ trợ khi thôi làm chức danh.

L. NGUYÊN - S. AN - Q. MINH

.
.
.