.
KỲ HỌP THỨ 15 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về nuôi chim yến và phát triển du lịch

Cập nhật: 09:42, 11/12/2024 (GMT+7)

Tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vào ngày 9-12, vấn đề phát triển du lịch và công tác quản lý nuôi chim yến, nhất là khu vực nội thành được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra thảo luận và đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh làm rõ, đề ra giải pháp cụ thể tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thời gian tới.

Tham dự Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN ĐỐI VỚI VÙNG NUÔI CHIM YẾN

Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho biết, thực hiện Nghị quyết 30, ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Nghị quyết 30) và Nghị quyết 07, ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Nghị quyết 07), các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của Nghị quyết, chậm nhất đến ngày 31-12-2024 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết tiến độ thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên đến nay như thế nào?

Quang cảnh Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.
Quang cảnh Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.

Được UBND tỉnh ủy quyền, giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, khi  Nghị quyết 30 và Nghị quyết 07 được ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai 2 Nghị quyết đến các địa phương để thực hiện; trong đó, giao Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương các cấp phổ biến, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các đối tượng chịu sự tác động của 2 Nghị quyết này qua nhiều hình thức.

Đến nay, kết quả thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên như sau: Đối với Nghị quyết 30: Không có cơ sở chăn nuôi mới phát sinh kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Tổng cơ sở chịu tác động theo Nghị quyết 30 là 1.728 cơ sở; trong đó, có 807 cơ sở ngừng hoạt động và 15 cơ sở di dời, còn lại 906 cơ sở đã giảm đàn và sẽ ngừng hoạt động khi đến ngày 31-12-2024 (theo báo cáo đánh giá của các đơn vị huyện).

Đối với Nghị quyết 07, có 15 cơ sở chăn nuôi di dời về địa điểm chăn nuôi phù hợp với quy định và được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07. Tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ là 1,124 tỷ đồng; trong đó: Đã hỗ trợ 8 cơ sở trên địa bàn huyện Chợ Gạo với số tiền 526,28 triệu đồng; đang hoàn tất thủ tục hỗ trợ 7 cơ sở ở các huyện Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công Tây và TP. Gò Công với tổng số tiền 597,797 triệu đồng.

Nhìn chung, các cơ sở chăn nuôi không thực hiện chính sách di dời chủ yếu là nông hộ, đa số các hộ này thuộc diện hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng diện tích còn để trống chăn nuôi nhằm tăng nguồn thu nhập, nên khi di dời không có quỹ đất, thiếu kinh phí để xây dựng lại chuồng trại. Nhiều lao động tại cơ sở, hộ chăn nuôi lớn tuổi, khó chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Mặt khác, nhiều địa phương chưa bố trí được quỹ đất quy hoạch chăn nuôi tập trung để đưa các cơ sở chăn nuôi vào khu quy hoạch.

Để tiếp tục thực thi các quy định tại Nghị quyết 30 trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền để các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ hiểu rõ hơn về quy định, chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, từ đó tự giác thực hiện.

Đồng thời, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hướng đến hữu cơ gắn với kiểm soát dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đảm bảo duy trì đạt các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tuyệt đối không để cơ sở chăn nuôi mới phát sinh trong khu vực không được phép chăn nuôi. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh, kiểm tra; đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm “chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi” được quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định 14/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương vận dụng, lồng ghép các chính sách hỗ trợ khác hiện có trên địa bàn như đào tạo nghề nông thôn, các khoản vay đối với người chăn nuôi thuộc các đối tượng là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... để hỗ trợ một phần cho người chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động theo quy định; phối hợp với các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hiệu quả theo Nghị định 106/2024 của Chính phủ.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Cũng tại Phiên giải trình, đại biểu tiếp tục đặt vấn đề, hiện nay, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều khách tham quan và lưu trú, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù riêng của tỉnh so với các tỉnh lân cận, điển hình vừa qua việc bình chọn điểm du lịch hấp dẫn của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thì Tiền Giang chỉ có 1/50 điểm. Ngoài ra, công tác quản lý đối với các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát cũng còn nhiều hạn chế như du lịch bãi biển Gò Công Đông.

Chủ tọa kỳ họp biểu quyết thông qua nghị quyết.
Chủ tọa kỳ họp biểu quyết thông qua nghị quyết.

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế này, cũng như giải pháp trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch tỉnh nhà theo Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 11).

Trả lời vấn đề này, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cho biết, hoạt động du lịch Tiền Giang thời gian qua tuy có bước phát triển, nhưng xét về hiệu quả thì chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, do Tiền Giang có vị trí khá gần với TP. Hồ Chí Minh, nhưng thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng về đêm, hấp dẫn khách du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động lệ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh, không chủ động trong việc chào bán các chương trình du lịch nên khó giữ chân du khách lưu trú.

Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm đặc thù, trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch biển; đổi mới cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước xã hội hóa trong công tác xúc tiến du lịch; đẩy nhanh chuyển đổi số ngành Du lịch; nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Tiền Giang, với các tour/tuyến du lịch khá đa dạng.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện có 341 cơ sở lưu trú đủ điều kiện phục vụ lưu trú du lịch; 69 đơn vị kinh doanh lữ hành; 49 khu/điểm tham quan du lịch; 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách đến tham quan trải nghiệm tại Tiền Giang trong thời gian qua.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng khách du lịch đến Tiền Giang ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tăng 17,9%; trong đó khách quốc tế là 550 ngàn lượt, tăng 17,9% so cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; khách lưu trú cũng không ngừng tăng lên.

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Việc bình chọn điểm du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động các cơ sở tham gia bình chọn, nhưng các điểm du lịch chưa quan tâm đến việc truyền thông để giới thiệu hình ảnh, điểm đến. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ các giải pháp đổi mới cho các điểm đến trong xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ số giới thiệu hình ảnh và các dịch vụ du lịch để lan tỏa trong cộng đồng.

Về công tác quản lý đối với các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát cũng còn nhiều hạn chế như du lịch bãi biển Gò Công Đông, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Gò Công Đông xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình phát triển du lịch địa phương. Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, huyện Gò Công Đông xây dựng phương án quản lý, sử dụng khu vực biển Tân Thành để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cuối tuần, các sự kiện và dịp lễ, tết.

Cùng với đó là chấn chỉnh công tác quản lý mặt đê biển, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm mặt đê, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang bảo vệ đê, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh liên quan nghiên cứu duy tu, sửa chữa đoạn mặt đê biển bị hư hỏng (đoạn từ K27+960 hướng về cống Tân Thành tại K30+460, được đầu tư vào năm 2015). Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông giải quyết các vấn đề liên quan về đất đai, mặt nước biển, môi trường sinh thái, định hướng phát triển du lịch...

Đồng chí Nguyễn Thành Diệu cũng đã nêu cụ thể các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch tỉnh theo Nghị quyết 11 trong thời gian tới; trong đó: Tập trung triển khai Kết luận 481 ngày 7-7-2023 của Tỉnh ủy Tiền Giang về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11.

Tập trung triển khai quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, có hợp phần về du lịch “Không gian hạ tầng ngành Du lịch và hình thành các sản phẩm đặc thù tỉnh Tiền Giang”.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, sự kiện, lễ hội và khai thác các thiết chế văn hóa, nghệ thuật liên quan đến di tích, các nhân vật nổi tiếng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Kết nối phát triển du lịch theo khu vực đặc trưng, tiềm năng của địa phương để thu hút khách du lịch và hình thành các khu, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế… 

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; nghiên cứu quy định của pháp luật để đề xuất ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để kêu gọi các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch.

Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

HOÀI THU - TUẤN LÂM

.
.
.