.

Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Cập nhật: 20:32, 14/12/2024 (GMT+7)

Ở cơ quan, đơn vị hay trong đời sống, chúng ta có thể bắt gặp những người chuyên chắp nối các sự việc, hiện tượng riêng lẻ mà họ nắm bắt được để từ đó suy diễn, hình thành nên câu chuyện mang màu sắc của “thuyết âm mưu”. Suy diễn như vậy luôn tạo ra sự ngờ vực, mất đoàn kết, mất niềm tin, là mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhận diện suy diễn chủ quan

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Suy diễn là suy ra điều này, điều nọ một cách chủ quan”. Nghĩa là trước một vấn đề, một sự kiện nào đó nổi cộm hoặc liên quan đến quyền lợi của một người, họ sẽ nhìn nhận, suy đoán, phán xét, hướng lái vấn đề theo quan điểm cá nhân. Như vậy, các vấn đề, sự kiện, nội dung suy diễn sẽ bị chi phối bởi lợi ích và trình độ nhận thức của người suy diễn.              

Tiếp cận theo góc độ đó thì suy diễn là hoạt động tâm lý âm thầm diễn ra trong tư tưởng của một con người. Sau một quá trình suy diễn, họ thường có xu hướng tìm những người đồng cảm, nhóm đồng cảm, nhóm chung để chia sẻ, cùng bình luận về vấn đề đang được bản thân họ “mổ xẻ”. Như vậy, suy diễn có thể diễn ra trong suy nghĩ, nhận thức, tư tưởng của một cá nhân; cũng có thể diễn ra trong nhóm chung, trong nhóm người cùng sở thích, trong câu lạc bộ với nhau để thể hiện ý kiến, thái độ, bình luận, chia sẻ của mình đối với những vấn đề mà cá nhân và nhóm đang quan tâm.

Những vấn đề mà con người có thể suy diễn rất đa dạng, phong phú. Ảnh minh họa: truyenthongtre.vn
Những vấn đề mà con người có thể suy diễn rất đa dạng, phong phú. Ảnh minh họa: truyenthongtre.vn

Mỗi ngày, con người thường chịu tác động của nhiều thông tin trong công việc, cuộc sống, vì vậy có hàng nghìn suy nghĩ về nhiều vấn đề. Do đó, những vấn đề mà con người có thể suy diễn cũng rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, thường con người hay suy diễn tập trung vào những vấn đề mang tính nổi cộm trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quyền lợi của bản thân.

Những vụ việc “nổi cộm”, “chấn động” thường thu hút sự chú ý và suy diễn, như vấn đề cán bộ giữ các trọng trách ở Trung ương, địa phương bị kỷ luật, bị xử lý hình sự vì tham nhũng, tiêu cực, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; chính sách A, quy định B đang dự thảo để ban hành; doanh nghiệp A, doanh nghiệp B phát triển “khủng”; tình hình chính trị - xã hội, vấn đề an ninh, an toàn; vấn đề nhân sự cán bộ trong bộ máy hệ thống chính trị, nhất là trước kỳ đại hội đảng... Hẹp hơn có thể là vấn đề liên quan đến nhân sự cán bộ trực tiếp ở cơ quan, đơn vị; vấn đề khen thưởng; kỷ luật nội bộ; chế độ, chính sách; mối quan hệ đoàn kết nội bộ...

Nếu như các lực lượng thù địch suy diễn rồi đơm đặt các vấn đề dẫn tới nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn, tạo hỏa mù chỉ là sự tác động từ bên ngoài đến đối tượng người nghe, người xem, người tiếp nhận thông tin thì suy diễn lại chịu tác động kép, nó vừa diễn ra ngay trong chính bản thân của một người, vừa chịu tác động của những thông tin nhiều chiều từ bên ngoài xoay quanh vấn đề đó. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn và nguy hiểm hơn là khi bản thân họ tin, hành động theo suy diễn của chính mình và được cộng hưởng bởi những thông tin nhiễu loạn khác.

Trước một sự kiện, một nhiệm vụ, một vấn đề, một vụ việc nổi cộm nào đó, nếu con người có bản lĩnh, biết cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực sẽ rất tốt. Ngược lại, sẽ rất nguy hiểm nếu trong tư tưởng của họ diễn ra quá trình suy diễn theo chiều hướng tiêu cực. Vì đó chính là khi người suy diễn tự đưa bản thân vào vòng xoáy của vấn đề tiêu cực, dẫn tới luẩn quẩn, hoài nghi, hoang mang, lung lay niềm tin, chính mình tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu không kịp thời tỉnh ngộ. Kế tiếp, nguy hiểm hơn là sự lan tỏa những suy nghĩ tiêu cực, những bình luận, những đánh giá vấn đề thiếu căn cứ, thiếu lập luận, thiếu kiểm chứng ấy cho nhiều người khác, gây ra “hiệu ứng” dây chuyền, mức độ ảnh hưởng rộng hay hẹp tùy thuộc vào vị thế xã hội của người suy diễn.

Hậu quả nguy hại

Bắt đầu từ sự hoài nghi hoặc tò mò về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, vấn đề nội bộ, do thiếu định hướng và bị chi phối bởi quan điểm cá nhân nên người suy diễn chủ quan sẽ đi càng ngày càng xa bản chất của vấn đề. Càng suy diễn càng tò mò, càng mông lung, rơi vào vòng luẩn quẩn không biết đâu là điểm dừng. Điều đó dễ dẫn tới sự ngụy biện, quy kết, thậm chí phát ngôn mang tính áp đặt, định kiến, thiếu ý thức xây dựng. Chẳng hạn từ vấn đề phòng, chống tham nhũng, vấn đề vi phạm kỷ luật, pháp luật của một số cán bộ các cấp, người suy diễn có thể sẽ “mổ xẻ” thêm những vấn đề như hiệu quả quy hoạch, sử dụng, phát hiện đội ngũ cán bộ; truy trách nhiệm công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ thuộc về ai, tổ chức, cá nhân nào; thậm chí cố tình quy chụp vấn đề đó là mất đoàn kết, đấu đá phe cánh, thanh trừng nội bộ...

Suy diễn này rất nguy hiểm, bởi đó là lối suy nghĩ vấn đề theo hướng tiêu cực, áp đặt cá nhân, thiếu định hướng. Khi những vấn đề, những suy nghĩ mang tính áp đặt cá nhân đó được chia sẻ sẽ nhanh chóng lan ra và tác động đến nhận thức, tư tưởng của những người khác trong nhóm, rồi từ nhóm này lan sang nhóm khác. Chớp cơ hội này, các thế lực thù địch sẽ cóp nhặt, thêu dệt, khoét sâu thậm chí tìm cách tương tác, bình luận theo hướng “thêm dầu vào lửa”, kích động nếu đó là những vấn đề nhạy cảm, nhất là vấn đề chính trị.

Như vậy, từ sự suy diễn trong tư tưởng một người vô tình tiếp tay, “nối giáo cho giặc”, tạo cho chúng thêm cơ hội để lợi dụng chống phá chế độ. Sự tác động ngược trở lại của những người trong nhóm và lực lượng thù địch, chống phá khiến người suy diễn tiếp tục suy diễn vấn đề theo hướng tiêu cực hơn, khi đến giới hạn nào đó sẽ dẫn tới phát ngôn, hành động để thể hiện hoặc bảo vệ quan điểm của mình. Lúc này, người suy diễn bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, đó là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Cần làm gì để phòng, chống suy diễn chủ quan, phiến diện

Để ngăn ngừa hiện tượng suy diễn chủ quan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Theo đó, cần làm tốt công tác giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, trong tổ chức đối với sự nghiệp cách mạng. Đây là vấn đề căn cốt để từng con người trong xã hội, trong tổ chức nhìn nhận khách quan, đúng định hướng các vấn đề.

Trên cơ sở được tuyên truyền, giáo dục, định hướng, mỗi người phải tự mình nâng cao nhận thức, bản lĩnh, trách nhiệm chính trị, chủ động suy nghĩ có trách nhiệm với các vấn đề nảy sinh, từ đó tạo ra “bộ lọc” ngay trong chính mỗi người. Còn việc tạo “bộ lọc” trong môi trường xã hội, môi trường công tác là trách nhiệm thuộc về cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Trọng tâm là làm tốt công tác theo dõi, tổng hợp, sàng lọc thông tin, phát hiện sớm những vấn đề nổi cộm của dư luận, những âm mưu, thủ đoạn chống phá, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, từ đó kịp thời định hướng nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân... Đồng thời thông qua nhiều kênh để cung cấp thêm thông tin, những minh chứng xác đáng, minh bạch về các vấn đề mà dư luận quan tâm, các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đối với tổ chức, cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện những tư tưởng, nhận thức lệch lạc trong mỗi cá nhân, trong từng nhóm để có giải pháp định hướng, khắc phục phù hợp, ngăn chặn sự suy diễn trước khi nó chuyển sang giai đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.