.

Tiền Giang: Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng

Cập nhật: 08:29, 06/12/2024 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào…”. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, kháng chiến.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là sự kế tục và phát triển những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó chính là sự biết ơn những thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do; là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng lịch sử, quá khứ hào hùng của ông cha ta.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Hằng năm mà cụ thể là ngay từ đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh chủ trương xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn đưa người có công tham quan nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc; đưa người có công tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị Biểu dươgg người có công tiêu biểu toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Phối hợp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định hiện hành.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh,  Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm người có công với cách mạng.
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm người có công với cách mạng.

Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công theo Pháp lệnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời đến người có công và thân nhân người có công. Ngoài trợ cấp hằng tháng và 1 lần, còn có các chế độ cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo đối với người có công và con của họ cũng được quan tâm thực hiện tốt.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 28 ngày 8-12-2021 về việc quy định mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn thực hiện từ năm 2022 - 2025, số lượng 1.209 căn (xây mới 325 căn, sửa chữa 884 căn), tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 80%, ngân sách huyện 20%).

Kết quả thực hiện: 941/1.209 căn (xây mới 218/325 căn, sửa chữa 723/884 căn), đạt 71,8%, số căn  nhà còn lại loại ra khỏi danh sách do đối tượng đã chết, được mạnh thường quân hỗ trợ, gia đình đã đủ điều kiện tự xây nhà ở. Ngoài ra, bổ sung số lượng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 28 là 319 căn (xây mới 57 căn, sửa chữa 262 căn) thực hiện trong năm 2025.

Công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực người có công với cách mạng được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1984 ngày 19-7-2022 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực người có công và phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của ngành LĐTB&XH.

Tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công với cách mạng được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông và được niêm yết công khai, rộng rãi ở các xã, phường, thị trấn, trên Cổng thông tin điện tử của Sở LĐTB&XH và UBND tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người có công tìm hiểu và kê khai, lập hồ sơ hưởng chế độ.

QUAN TÂM, CHĂM LO NGƯỜI CÓ CÔNG

Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thị Kiều Loan cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐTB&XH thăm đối tượng chính sách dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐTB&XH thăm đối tượng chính sách dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đẩy mạnh chi trả trợ cấp ưu đãi người có công không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, phát huy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để góp phần cải thiện đời sống cho người có công.

Bảo đảm người có công và gia đình người có công không còn khó khăn về nhà ở, người có công và thân nhân người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tiền Giang hiện đang quản lý và giải quyết chế độ đối với người có công trên 130.000 hồ sơ các loại. Trong đó, có 969 người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; 515 người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; 35.550 liệt sĩ; 5.996 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 98 Mẹ); 11.662 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 2.442 bệnh binh; 2.077 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 2.420 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 4.779 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng; 23.612 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần; 11.731 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc...

Tổng đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 15.584 người (tính đến thời điểm ngày 30-9-2024), với kinh phí bình quân chi thường xuyên trên 400 tỷ đồng mỗi năm và trên 35 tỷ đồng chi một lần từ nguồn ngân sách Trung ương.

Ngoài ra, còn chi từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định cho một số đối tượng tham gia kháng chiến khác.

Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp ngành Công an hoàn thành công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thu thập thông tin liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ để giám định ADN lưu trữ vào Trung tâm Lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 10 tỷ đồng/năm, từ nguồn quỹ huy động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, hỗ trợ người có công còn khó khăn trong cuộc sống; tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ… đảm bảo người có công và thân nhân người có công không còn hộ khó khăn về nhà ở.

Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Loan cho hay, ngành LĐTB&XH tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân về những hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng.

Thông qua các hoạt động tưởng nhớ, tri ân, quan tâm đến những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm cá nhân với lịch sử. Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với những đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện, chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

TƯỜNG LAM - T.H

 

.
.
.