.
Đảng bộ tỉnh Tiền Giang:

Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp

Cập nhật: 10:41, 20/01/2025 (GMT+7)

Ngày 1-3-1976, 3 đơn vị tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang. Ngay từ khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng ở địa phương với phong trào cách mạng cả nước. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Đảng bộ Tiền Giang đã lãnh đạo đưa tỉnh nhà tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.

THÀNH TỰU TO LỚN TRÊN CÁC LĨNH VỰC

Vượt qua nỗi đau chiến tranh tàn phá và nỗ lực không ngơi nghỉ để vươn lên, Tiền Giang hôm nay tự hào là một trong những tỉnh có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh đã gặt hái nhiều thành tựu to lớn.

Đô thị phát triển theo hướng văn minh và hiện đại (trong ảnh: Một góc TP. Mỹ Tho).                                                                                                                                               Ảnh: MINH THÀNH
Đô thị phát triển theo hướng văn minh và hiện đại (trong ảnh một góc TP. Mỹ Tho). Ảnh: MINH THÀNH

Trong đó, lĩnh vực giáo dục, Tiền Giang đã nhanh chóng xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục và hiện nay 100% địa phương đã đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 với chất lượng giáo dục đào  tạo ngày cao.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt với hệ thống y tế phát triển rộng khắp; nhiều kỹ thuật chuyên sâu hiện đại trong chẩn đoán và điều trị đã được thực hiện thành thục tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, sẵn sàng phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh.

Trong nông nghiệp, nhờ những chính sách hợp lý của Đảng bộ, chính quyền nên năm 1990, lần đầu tiên, Tiền Giang đạt hơn 1 triệu tấn lương thực (tăng 24% so với năm 1986). Chương trình “Ngọt hóa Gò Công” đã mang lại hiệu quả to lớn, công tác khai hoang Đồng Tháp Mười đạt kết quả tốt, các ngành chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng theo hướng thay đổi công nghệ mới, lợi thế sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, Tiền Giang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh nhà vì thế không ngừng cải thiện.

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Trong đó, theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 12-2009, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2009, đạt 988 USD; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của tỉnh đạt 46,9 triệu đồng, tương đương 2.037 USD và con số này vào cuối năm 2024 là trên 72 triệu đồng, khoảng 3.000 USD.

Thu nhập tăng, đời sống vật chất của người dân tỉnh nhà cải thiện đáng kể. Hiện nay, 100% hộ dân toàn tỉnh có điện chiếu sáng và trên 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; mạng lưới giao thông phát triển mạnh mẽ, đường nhựa và đường bê tông đến tận khu dân cư.

Đặc biệt, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, khang trang, sạch đẹp. Từ xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp nhưng có rất nhiều hộ dân sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc thì nhiều năm nay Tiền Giang không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh liên tục giảm theo từng năm.

Tỷ lệ hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều của tỉnh năm 2016 là 5,87%, đến năm 2018 giảm còn 3,41% và kết quả rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2024 ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo của Tiền Giang đã giảm xuống dưới mức 0,79% tổng số hộ dân toàn tỉnh, như vậy Tiền Giang đã về đích sớm 3 năm đối với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về giảm nghèo.

Điều đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được tăng cường với chủ trương hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, có căn cơ. Từ đó, chất lượng giảm nghèo của Tiền Giang đạt cao và tỷ lệ hộ nghèo tái nghèo rất thấp.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa thông qua kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đến tháng 9-2025 Tiền Giang cơ bản không còn hộ dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát.

NỖ LỰC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Những thành quả mà Tiền Giang đạt được hôm nay là kết quả sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ các cấp trong tỉnh là vô cùng quan trọng. Để lãnh đạo tốt thì Đảng phải thật sự vững mạnh.

Nông thôn Tiền Giang hôm nay mang một diện mạo mới, khang trang và tươi đẹp hơn.       Ảnh: QUẾ NGÂN
Nông thôn Tiền Giang hôm nay mang một diện mạo mới, khang trang và tươi đẹp hơn. Ảnh: QUẾ NGÂN

Do đó, trong suốt 11 nhiệm kỳ Đảng bộ của tỉnh, công tác xây dựng Đảng luôn được xem là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, cấp ủy các cấp quan tâm công tác phát triển đảng viên, chỉ riêng năm 2024, toàn tỉnh đã kết nạp 1.635 đảng viên (đạt 109% so với nghị quyết của Tỉnh ủy), trong đó, có 763 nữ, 16 đảng viên thuộc các tôn giáo. Hiện toàn tỉnh có gần 53.500 đảng viên đang sinh hoạt tại 763 tổ chức cơ sở đảng.

Đi đôi với việc phát triển đảng viên là công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Tiền Giang đã thực hiện nghiêm công tác này với phương châm “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”. Số liệu từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong năm 2024, các cấp ủy kiểm tra 544 tổ chức Đảng, 760 đảng viên và giám sát 548 tổ chức đảng, 817 đảng viên.

Kết quả, có 8 đảng viên, 3 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt nội dung kiểm tra; trong đó, có 1 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và 2 tổ chức đảng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 16 đảng viên, kết quả, có 16 đảng viên có vi phạm, trong đó, có 9 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật.

Thi hành kỷ luật 76 đảng viên gồm: Khiển trách: 49, cảnh cáo: 14, cách chức: 5, khai trừ: 8 và khiển trách 1 tổ chức đảng; trong số đảng viên bị kỷ luật có 7 trường hợp bị phạt tù, 8 trường hợp bị xử lý hành chính. Ngoài ra, xóa tên 158 đảng viên, cho ra khỏi Đảng 86 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã kiểm tra 570 tổ chức đảng và giám sát 594 tổ chức đảng, 910 đảng viên. Kết quả, có 31 tổ chức đảng chưa thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, 35 đảng viên, 3 tổ chức đảng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 27 tổ chức đảng, 146 đảng viên, kết quả 27 tổ chức đảng, 146 đảng viên có vi phạm, trong đó, có 38 đảng viên, 1 tổ chức đảng vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật 31 đảng viên.

Thi hành kỷ luật 147 đảng viên gồm: Khiển trách: 93, cảnh cáo: 27, cách chức: 5, khai trừ: 22; trong số đảng viên bị kỷ luật có 11 trường hợp bị phạt tù, 9 trường hợp bị xử lý hành chính. Kiểm tra tài chính đảng 610 tổ chức đảng, kết quả 12 tổ chức đảng chưa thực hiện tốt nội dung được kiểm tra.

Công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Đi liền với công tác cán bộ, công tác tổ chức xây dựng Đảng có vị trí đặc biệt quan trọng. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy; cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, nêu gương trước, làm trước và phải thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực và uy tín.

Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng việc rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự đại hội đảng bộ 3 cấp của tỉnh.

Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, của tổ chức đảng; tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân, dựa vào nhân dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên theo hướng xác định cụ thể sản phẩm công việc, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.

Trong đánh giá cần quan tâm đến những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành và những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc. Mặt khác, tiêu chí đánh giá cũng cần có sự thống nhất, cụ thể cho từng loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị để bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có chất lượng, hiệu quả.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng gắn với phát triển mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”.

THỦY HÀ

 

.
.
.