.

Dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Mỹ Tho

Cập nhật: 10:21, 06/01/2025 (GMT+7)

Cụ Nguyễn Sinh Sắc/Nguyễn Sinh Huy (1862 - 1929), người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1894, ông tham dự kỳ thi Hương khoa năm Giáp Ngọ và đậu cử nhân. Năm 1901, ông dự thi Hội, đậu Phó bảng, cùng khoa với Phan Châu Trinh.

Tháng 6-1909, khi đang giữ chức Thừa Biện bộ Lễ, ông được bổ nhiệm chức Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định. Tháng 1-1910, do trừng trị một tên cường hào cậy quyền, ỷ thế ức hiếp dân nghèo, ông bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế. Sau đó, khoảng đầu năm 1911, ông vào Nam bộ làm thầy thuốc, cứu giúp dân nghèo và vận động cách mạng.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có thời gian ở nhà của cụ Hương trưởng Hoài (Trần Văn Hoài) nhà yêu nước, cơ sở kiên trung của cách mạng ở làng  Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (trong ảnh là cụ Trần Văn Hoài).
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có thời gian ở nhà của cụ Hương trưởng Hoài (Trần Văn Hoài) nhà yêu nước, cơ sở kiên trung của cách mạng ở làng Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (trong ảnh là cụ Trần Văn Hoài).

Đất Mỹ Tho vinh dự được đón tiếp ông đến cư trú và hoạt động. Theo quyển Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc do Nguyễn Đắc Hiền chủ biên, sau khi đến Long An, qua sự giới thiệu của nhân sĩ Đỗ Tường Ninh (là nhạc phụ của cố Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân  - Anh hùng lao động Trần Văn Giàu), cụ Nguyễn Sinh Sắc đến làng Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) gặp Hương trưởng Hoài (Trần Văn Hoài), Hương hào Ngươn và Võ Văn Ký, vốn là những trí thức yêu nước ở địa phương để luận bàn việc nước.

Tại những cuộc gặp đó, ông cho rằng, mọi hoạt động yêu nước đều cần thiết, tất cả góp phần làm cho thực dân Pháp phải bận rộn đối phó từ nhiều phía, trong nước có, ngoài nước có, tại nước Pháp cũng có. Do phải đương đầu từ nhiều phía như thế, chính quyền thuộc địa từng bước sẽ bị suy yếu, đến khi có thời cơ thuận lợi là ta hợp lực lại, đứng lên lật đổ họ và giành quyền độc lập.

Theo ông, hiện tại, lực lượng cách mạng ở trong nước và ngoài nước, kể cả ở bên Pháp đều có nhưng chưa mạnh. Ở trong nước, cần duy trì thường xuyên các phong trào yêu nước, phải tìm cách giáo dục, động viên, cổ vũ lớp trẻ đứng lên kế thừa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đội ngũ cha anh; nên chọn những thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài, nhất là các nước phương Tây để tìm hiểu, thấy tận mặt kẻ thù, tìm ra phương cách đánh đuổi kẻ thù, cứu nước, cứu dân.

Nhờ tác động của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Hương trưởng Hoài cho người con trai thứ năm của mình là Trần Văn Hiển sang Pháp du học. Sau này, ông Trần Văn Hiển trở về nước hoạt động. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho và hy sinh vào tháng 10-1945, khi thực dân Pháp đổ quân tái chiếm thị xã Mỹ Tho.

Sau mấy tháng ở nhà Hương trưởng Hoài, cụ Nguyễn Sinh Sắc đi tìm gặp Phan Văn Viễn, cháu gọi Phan Đình Phùng, người  lãnh đạo cuộc khởi Hương Khê (Hà Tĩnh) bằng bác ruột. Phan Văn Viễn bị thực dân Pháp đày vào Nam, cư ngụ ở Châu Đốc, Trà Vinh rồi cầu Vỹ - làng Mỹ Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho). Tại cầu Vỹ, Phan Văn Viễn lấy biệt hiệu là Tòng Am, mở lớp dạy chữ Nho, thu hút rất đông học trò.

Do bị mật thám theo dõi nên Phan Văn Viễn giới thiệu cụ Nguyễn Sinh Sắc đến cư trú tại nhà Nguyễn Tử Dân. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc được Nguyễn Tử Dân tiếp đãi rất trọng thị và thân tình. Được biết, nhà của Nguyễn Tử Dân từng là nơi ở của cụ Phan Châu Trinh và cũng là nơi những nhà nho yêu nước thuờng xuyên đến bình thơ văn và luận bàn thế sự.

Biết sự hiện diện của cụ Nguyễn Sinh Sắc tại nhà của Nguyễn Tử Dân, viên Chủ tỉnh Mỹ Tho cử chánh tổng Đoàn Hữu Đức đến theo dõi, như đã từng theo dõi cụ Phan Châu Trinh. Lấy danh nghĩa là em vợ của Nguyễn Tử Dân, Đoàn Hữu Đức đã nhiều lần đến nhà anh rể để dò xét hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Ngoài ra, viên Thống đốc Nam kỳ còn điều một mật thám từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho để theo dõi cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nhưng người mật thám này đã từng chịu ơn Nguyễn Tử Dân nên mọi việc đều diễn ra bình thường.

Nguyễn Tử Dân có người anh em bạn rể là Trần Năng Liễu, còn gọi là Bái Liễu (là ông ngoại của bà Đoàn Thị Giàu, phu nhân của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng), quê ở làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành). Qua Nguyễn Tử Dân, Trần Năng Liễu có dịp gặp gỡ, bàn luận thơ văn và công cuộc cứu nước với cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Sau đó, ông đã mời cụ Nguyễn Sinh Sắc về thăm Vĩnh Kim, một làng quê miệt vườn trù phú, có truyền thống cách mạng, nổi tiếng hiếu học, giỏi thơ văn và âm nhạc. Lúc bấy giờ, làng Vĩnh Kim có 6 vị trí thức yêu nước, được nhân dân yêu mến, kính trọng, gọi là “lục hiền” gồm: Trần Quang Diệm, Trần Năng Liễu, Trần Thượng Xuyên, Dương Văn Tùng, Nguyễn Chi Dao, Huỳnh Văn Túc.

Tại Vĩnh Kim, cụ Nguyễn Sinh Sắc được 6 vị “lục hiền” đón tiếp rất trọng thị, thể hiện tấm lòng quý trọng của giới trí thức đất phương Nam đối với vị đại khoa đất Bắc vì yêu nước, thương dân, chống Pháp mà phải ly hương, xa gia đình.

Trong bữa tiệc tối thân mật chiêu đãi cụ Nguyễn Sinh Sắc, ông Trần Quang Diệm đề nghị mọi người sáng tác câu đối với đề tài là ngọn đèn đang treo trong nhà. Do là khách từ phương xa đến, lại nổi tiếng là bậc túc nho nên cụ Nguyễn Sinh Sắc được mời ra câu đối trước và cụ đã ứng khẩu ngay:

Tỏa khắp mọi nơi, lòng chưa tỏ,
Soi cùng trong chốn, nguyệt chưa soi.

Tất cả mọi người tham dự buổi tiệc đều vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng câu đối xuất thần, đầy ý nghĩa sâu xa của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó, ông Trần Quang Diệm lại mời các vị “lục hiền” ra tiếp câu đối; nhưng ai ai cũng đều từ chối vì không thể ra câu đối để đối với hai câu tuyệt bút của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Trong thời gian ở Vĩnh Kim, cụ Nguyễn Sinh Sắc còn gặp gỡ và đàm đạo với Mai Văn Ngọc, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng của Nam bộ. Đồng thời, với kiến thức uyên bác về y học cổ truyền, ông còn xem mạch, ra toa cho bà con Vĩnh Kim và những vùng lân cận tìm đến nhờ ông chữa bệnh.

Các ngôi chùa cũng in dấu chân của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Vốn tinh thông Phật học và chữ Nho, ông đã tận tình giúp các chùa dịch kinh kệ, chú giải những vấn đề cao siêu trong Phật pháp, đàm đạo với các vị cao tăng về đạo pháp và dân tộc. Tại chùa Linh Tuyền (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây), ông động viên nhà sư trẻ Thiện Chiếu cố gắng học tập, trao dồi đạo pháp, rèn luyện ý chí.

Sau đó, sư Thiện Chiếu đã dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành một nhà hoạt động tôn giáo và cách mạng nổi tiếng. Đặc biệt, khoảng tháng 3-1911, ở tại cầu Vỹ - Mỹ Tho, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đến thăm người bạn thân cùng đậu Phó bảng năm 1901 là nhà yêu nước Phan Châu Trinh khi cụ Phan bị thực dân Pháp giam lỏng ở tại đây. 

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước, tiến bộ, có nhân cách sống cao đẹp, một tấm gương sáng trọn đời vì nước, vì dân. Mặc dù thời gian đến Mỹ Tho không lâu, nhưng cụ đã lưu lại mảnh đất này nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.