.

Đề xuất mô hình chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn

Cập nhật: 11:55, 13/01/2025 (GMT+7)

Bộ Nội vụ nhận định, mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa được thiết kế phù hợp với địa bàn đô thị dẫn tới Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội, TPHCM hay như TP Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long vừa ký tờ trình, hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gửi Chính phủ.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, đa số các đơn vị hành chính trên cả nước đều tổ chức cấp chính quyền đô thị gồm HĐND và UBND dẫn tới tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương các cấp còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa bảo đảm mục tiêu tinh gọn.

Dự thảo luật đề xuất quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo nhiều hướng. Theo đó, đối với chính quyền đô thị, tại thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn sẽ tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND.

a
Một góc TP Hải Phòng

Còn tại quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND. UBND tại nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.

Trong khi đó, đối với chính quyền nông thôn, theo dự thảo, tại tỉnh, huyện, xã, thị trấn (trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.

Đối với đơn vị hành chính ở hải đảo, Bộ Nội vụ đề xuất, các huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trừ trường hợp đối với các huyện đảo có quy mô lớn, có yếu tố đặc thù về quốc phòng an ninh thì việc tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

a
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Dự thảo cũng quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các ban của HĐND các cấp.

Đối với UBND, dự thảo phân biệt cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và hoạt động của UBND tại nơi có tổ chức HĐND và UBND tại nơi không tổ chức HĐND…

Bộ Nội vụ thông tin, qua rà soát sơ bộ, có 142 luật quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền (HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Trong đó, có những việc quy định cho cả 3 cấp hoặc 2 cấp cùng thực hiện, hoặc có sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Nội vụ đề xuất tại Điều 21 dự thảo luật giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đang quy định tại luật chuyên ngành chưa phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và quyền hạn của chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã đảm bảo các điều kiện thực hiện.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.