.
KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2025)

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Cập nhật: 16:10, 01/01/2025 (GMT+7)

Ngày 2-1-1963, Chiến thắng Ấp Bắc diễn ra tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), là trận đầu đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Đồng thời, còn là dấu hiệu làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

62 năm qua, tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú đã đoàn kết, nhất trí, vững vàng vượt qua vô vàn gian nan, thử thách; từng bước tiến lên và gặt hái những thành quả nổi bật, cùng viết tiếp trang sử vẻ vang trên quê hương Ấp Bắc anh hùng.

TRẬN ĐÁNH BÁO HIỆU SỰ PHÁ SẢN CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT”

Năm 1961, trước sự thất bại trong chiến lược chiến tranh đơn phương ở miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với mục đích nhằm dập tắt cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân miền Nam. Vì lẽ đó, đế quốc Mỹ đã vạch ra kế hoạch Staley - Taylor để bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

Diện mạo xã Tân Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.                                                                             Ảnh: VĂN THẢO
Diện mạo xã Tân Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ảnh: VĂN THẢO

Trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là dùng lực lượng quân ngụy mạnh do cố vấn Mỹ chỉ huy và áp dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” để nhanh chóng đập tan Lực lượng vũ trang cách mạng lúc còn nhỏ, yếu.

Xét trong thực tiễn lúc bấy giờ, quân địch sử dụng nhiều vũ khí hiện đại để tiến hành cuộc tiến công, tìm diệt và bình định, nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân ta; đồng thời, dựa trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã lãnh đạo, chỉ huy các Lực lượng vũ trang tiến hành phương thức đánh “tìm diệt địch” và “phá ấp chiến lược” của địch; tổ chức huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, xây dựng kế hoạch chiến đấu ở cấp xã, ấp - nơi đơn vị thường cơ động đến đóng quân, chuẩn bị sẵn sàng cho trận Ấp Bắc diễn ra.

Ngày 2-1-1963, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho, Lực lượng vũ trang của Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 261 của Quân khu 8, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 của tỉnh Mỹ Tho và lực lượng du kích, nhân dân địa phương kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu chống càn, đánh bại nhiều đợt tiến công dữ dội của địch.

Kết quả, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 450 binh lính địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay, bắn hư hỏng nhiều chiếc khác, phá hủy 3 xe bọc thép M.113, đánh chìm 1 tàu chiến của quân đội Mỹ, ngụy. Từ sau Chiến thắng Ấp Bắc, phong trào phá ấp chiến lược, “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” lan rộng ra toàn miền Nam Việt Nam.

TỰ HÀO VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG XÃ ANH HÙNG

Trải qua thời kỳ khói lửa của chiến tranh, Tân Phú hôm nay từng bước chuyển mình với nhiều điểm sáng. Năm 2018, xã Tân Phú được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2022, ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Thị ủy Cai Lậy, sự điều hành chủ động, quyết liệt và hiệu quả của UBND TX. Cai Lậy, mà quan trọng hơn hết là cả một quá trình dài vượt lên khó khăn, phấn đấu, nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú cùng chung sức, chung lòng “vẽ” nên bức tranh tươi mới, làm thay đổi diện mạo quê hương anh hùng.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Phương cho biết, để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy Cai Lậy, Đảng ủy xã đã tập trung chú trọng công tác xây dựng Đảng; triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề hằng năm, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, giá trị, ý nghĩa tầm quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đoàn viên, thanh niên xã Tân Phú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu mộ 3 chiến sĩ Gang Thép tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Ấp Bắc. (Nguồn: Đảng ủy xã Tân Phú cung cấp).
Đoàn viên, thanh niên xã Tân Phú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu mộ 3 chiến sĩ Gang Thép tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Ấp Bắc. (Nguồn: Đảng ủy xã Tân Phú cung cấp).

Từ đó, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vướng mắc tại địa phương…

Còn nhớ trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Phú đã phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy; phát huy tối đa vai trò của người dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã từng bước hoàn thành, tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới cho đến nay.

Có thể thấy, không chỉ hệ thống giao thông trong xã được láng nhựa, bê tông hóa; nhà cửa người dân ngày càng khang trang; các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn và văn minh; mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên…

Đồng thời, xã phát huy tối đa nội lực dựa trên tiềm năng để phát triển. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp dần ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Hiện toàn xã có 6 doanh nghiệp tư nhân, 1 hợp tác xã xây dựng, 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 3 điểm may túi xách, 5 cơ sở xay xát và nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác đang hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết hơn 880 lao động ở nông thôn.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phát triển tốt khi xã tiếp tục xen canh, mở rộng diện tích trồng màu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2024, người dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm 7 ha, nâng tổng số diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm toàn xã đến nay là 209,51 ha, chủ yếu là trồng dừa, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít; nâng tổng số sản lượng đạt 2.150 tấn, đạt 134,3% so với Nghị quyết đề ra.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội trên địa bàn xã tiếp tục được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được các ban, ngành, đoàn thể và các ấp chăm lo tốt, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn cho người nghèo và hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Đến nay, trên địa bàn xã còn 7 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo.

Theo đồng chí Nguyển Văn Phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú luôn phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú nỗ lực, quyết tâm hơn nữa cùng với nhân dân thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của từng lĩnh vực; tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những mô hình, cách làm mới, gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác… nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp thấm sâu vào đời sống nhân dân.

HẢI ĐĂNG

.
.
.