Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang "trở về thời hoa lửa" năm 1975 tại TP. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 15:02, 21/04/2025 (GMT+7)
(ABO) Nhằm thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cán bộ, chiến sĩ và lực lượng đã trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, từ ngày 18 đến ngày 20-4, quận 8 tổ chức đón tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang đến tham quan tại TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động mời và đón tiếp này thể hiện lòng tri ân sâu sắc của TP. Hồ Chí Minh đối với những người đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, ôn kỷ niệm “một thời hoa lửa”. Đây cũng là dịp để ôn lại lịch sử và truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay.
Trong hành trình ý nghĩa này, Đoàn đã đến thăm nhiều địa danh lịch sử như: Dinh Độc Lập, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Đình Bình Đông…
![]() |
![]() |
Đoàn tỉnh Tiền Giang dâng hương tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi). |
Tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hương linh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang thành kính dâng nén nhang thơm, dành phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, nơi ghi danh 45.670 anh hùng, liệt sĩ và các liệt sĩ chưa tìm được tên đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong đó, có hơn 9.300 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành khác. Đây cũng là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng ngay giữa lòng “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng địa đạo Củ Chi.
![]() |
Thành viên đoàn tham quan căn hầm "Phòng họp Bộ Tư lệnh" trong Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. |
Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện với chiều dài khoảng 200 km gồm phòng ăn ở, nhà bếp, phòng hội họp, bệnh xá.
Công trình này được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948), hệ thống hầm tại đây được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh.
Nơi đây, các Lực lượng vũ trang và nhân dân Củ Chi sinh sống, trú ẩn, gắn bó với địa đạo bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
![]() |
Đoàn tỉnh Tiền Giang dâng hương tưởng niệm trước tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng. |
Đoàn đã đến tham quan Đình Bình Đông - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia nằm trên cù lao Bà Tàng (quận 8). Đình Bình Đông là công trình ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc, là địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920.
Đình Bình Đông còn là nơi hội họp, sinh hoạt của Công hội những năm 1920 - 1925 và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) những năm 1927 - 1929. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình Bình Đông là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chính quận 7 của chế độ cũ năm 1968.
![]() |
Đại biểu tỉnh Tiền Giang tham quan Nhà tưởng niệm Bác Tôn, tìm hiểu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. |
Tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm trong khuôn viên Đình Bình Đông, Đoàn đã dâng hương và tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
![]() |
Đại biểu nghe giới thiệu về Dinh Độc Lập. |
Đoàn đến tham quan Dinh Độc Lập, tại nơi này, ngày 30-4-1975, xe tăng của quân giải phóng đã theo đại lộ Thống Nhất (nay là đại lộ Lê Duẩn) hất tung cổng chính và tiến vào dinh. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ Dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị về cảnh quan, kiến trúc cũng như ý nghĩa to lớn về lịch sử, như một chứng nhân cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta.
![]() |
![]() |
Đại biểu tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. |
Đoàn đã đến tham quan Bảo tàng Di tích Chiến tranh, nơi lưu giữ hơn 20.000 tư liệu, phim ảnh và vật liệu với 8 chuyên đề thường xuyên được trưng bày khoảng hơn 1.500 hiện vật, tư liệu. Nhiều mô hình chiến tranh và hiện vật lịch sử được lưu giữ lại từ những cuộc chiến ác liệt.
Bảo tàng Chứng tích được thành lập nhằm lưu giữ chiến tích lịch sử anh hùng; ca ngợi lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tố cáo những tội ác chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và quân đội Mỹ trong quá khứ.
![]() |
![]() |
Đại biểu trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. |
![]() |
Đại biểu tham quan trung tâm TP. Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng. |
Điểm nhấn đáng nhớ trong hành trình là đại biểu được trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, một biểu tượng của sự phát triển hiện đại và đổi mới của TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm đất nước thống nhất; tham quan các tuyến đường trung tâm thành phố bằng xe buýt hai tầng, ngắm nhìn sự đổi thay, bình yên mà hòa bình mang lại và sự vươn mình của thành phố, nơi từng là chiến trường.
Đặc biệt là được chứng kiến, trải nghiệm một công trình giao thông hiện đại tiêu biểu, ghi dấu cho sự phát triển và đổi thay của TP. Hồ Chí Minh, các thành viên trong Đoàn vô cùng phấn khởi và xúc động.
HÀ NAM