Tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Sáng 17-4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến đến tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy.
Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 9 dự kiến sẽ khai mạc trong tháng 5-2025 với thời gian làm việc của Quốc hội dự kiến 35,5 ngày.
Kỳ họp này sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như: Xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật và 7 nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Tiếp đó, cử tri huyện Cai Lậy có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề quan tâm.
QUAN TÂM VIỆC SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Cai Lậy có ý kiến liên quan đến vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính xã, tỉnh; đồng thời, bày tỏ đây là cơ hội để đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh. Bên cạnh đó, cử tri cũng lo lắng việc kết thúc nhiệm vụ của đơn vị hành chính cấp huyện, nhập xã, nhập tỉnh sẽ nhiều khó khăn, thách thức.
![]() |
Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu. |
Bởi sau khi sáp nhập, phạm vị của một xã quá lớn, việc đi lại làm giấy tờ của người dân sẽ gặp khó khăn và khi nhập lại sẽ không còn tên xã cũ. Về nhân sự của đơn vị sau khi sáp nhập, cần xem xét để tránh tình trạng người của xã này làm lãnh đạo chỉ quan tâm đến người dân xã mình trước đây. Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ lo lắng, việc bỏ cấp huyện, nhập xã, những cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã còn trẻ, có năng lực, còn nguyện vọng công tác sẽ phải nghỉ việc do dôi dư, vì vậy kiến nghị Trung ương xem xét.
Trả lời vấn về này, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho biết, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy.
Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Mỹ Tho đã có lịch sử hình thành 346 năm, Tiền Giang cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất anh hùng; về điều kiện địa lý, văn hóa, lịch sử, quốc phòng - an ninh, Tiền Giang đủ điều kiện để được đặt Trung tâm hành chính tại Tiền Giang. Vì vậy, Trung ương thống nhất nhập Tiền Giang và Đồng Tháp và đặt Trung tâm hành chính tại tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí cũng đã thông tin về những thế mạnh của tỉnh sau khi sáp nhập với Đồng Tháp sẽ tạo ra sức mạnh lớn về nguồn lực, không gian lớn để phát triển kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị liền mạch, tạo nên sức mạnh phát triển của toàn vùng; đồng thời, liên kết hạ tầng giao thông, kết nối hiệu quả với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Quốc lộ 1 tạo sự phát triển vững mạnh...
Tuy nhiên, cũng có những thách thức phải đối mặt như: Nhiều công việc sẽ xáo trộn do điều chỉnh về địa giới hành chính; vấn đề tư tưởng của cán bộ, nhân viên; việc chăm lo cho gia đình; việc học tập của con em cán bộ, công chức, viên chức; việc duy trì hoạt động bộ máy cũng sẽ có khó khăn trong thời gian đầu thực hiện sáp nhập. Song, các vấn đề này, Trung ương và tỉnh cũng đã thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện.
Đồng chí nhấn mạnh: Trung ương đề nghị nhập xã lại để mở không gian rộng ra nhưng không quá lớn hoặc quá nhỏ, mà phải phù hợp, đảm bảo gần dân, sát dân, tạo điều kiện để phát triển. Sau khi nhập lại, 70% công việc của cấp huyện trước đây giao về cấp xã, còn 30% giao về cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, hạn chế việc gián đoạn các công việc, hoạt động của nhân dân…
QUAN TÂM VẤN ĐỀ KHAI THÁC ĐẤT, CÁT
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Cai Lậy còn ý kiến liên quan đến việc khai thác đất dưới lòng sông tại cù lao Tân phong. Cử tri cho biết, hiện nay, việc khai thác đất để gia cố đê bao phải xin phép chính quyền, nhưng thủ tục làm rất lâu, đến tháng 8, tháng 9 mới cho khai thác đất.
![]() |
Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu. |
Thời gian này, người dân rất khó để khai thác do nước lên cao. Đồng thời, cử tri cũng có ý kiến, năm 2009 một doanh nghiệp đã khai thác cát tại cù lao Tân Phong gây sạt lở rất nhiều ảnh hưởng đời sống người dân, nhưng mới đây nghe thông tin tỉnh chuẩn bị cho khai thác cát tại điểm đã khai thác trước đó. Cử tri rất lo lắng và đề nghị xem xét vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cai Lậy cho biết, việc khai thác đất dưới lòng sông phải xin phép theo quy định. Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn để người dân biết tuyến sông nào thuộc tỉnh hay huyện quản lý để làm thủ tục xin phép theo quy định.
Tuyến sông cử tri phản ánh thuộc phạm vị quản lý của Sở Giao thông Vận tải trước đây (nay là Sở Xây dựng) quản lý. Đồng thời, thủ tục xin phép yêu cầu phải nêu cụ thể vị trí, khối lượng, phương tiện khai thác, phải đánh giá tác động môi trường nên mất nhiều thời gian làm thủ tục dẫn đến chậm so với nhu cầu khai thác đất của cử tri, nhưng đây là quy định phải thực hiện đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề khai thác cát, đại diện lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy cho biết, việc khai thác cát được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho các đơn vị liên quan để giám sát thời gian, phương tiện, khối lượng khai thác... Nhiệm vụ của huyện là theo dõi đơn vị khai thác cát có đúng quy định nhằm chống khai thác cát lậu gây sạt lở ảnh hưởng đến người dân.
Mới đây, huyện cũng trang bị phương tiện cho lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát xử lý tình trạng khai thác cát lậu. Nếu cử tri có phát hiện tình trạng khai thác cát lậu thì phản ánh qua đường dây nóng của huyện.
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, các ý kiến của cử tri liên quan đến các vấn đề như: Bảo hiểm y tế, an ninh trật tự, giao thông nông thôn… cũng đã được lãnh đạo địa phương trả lời cụ thể.
Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cảm ơn các ý kiến tâm huyết, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cử tri đến tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Đại biểu cũng đã thông tin thêm một số chủ trương, chính sách của Trung ương liên quan đến lĩnh vực y tế; khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; vấn đề giáo dục đạo đức học sinh; bảo vệ sức khỏe tinh thần và thân thể cho học sinh; hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Liên quan đến vấn đề cử tri lo lắng khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ huyện, cán bộ không chuyên trách sẽ phải nghỉ việc, đồng chí rất chia sẻ với nỗi lo của cử tri và cho rằng mục đích cuối cùng của việc sáp nhập là vì sự ấm no, hạnh phúc của từng người dân, vì sự phát triển của đất nước, mong rằng cử tri ủng hộ chủ trương và chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước thực hiện. Đồng chí ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ có ý kiến về các bộ, ngành Trung ương, Quốc hội để có giải pháp trong thời gian tới.
THU HOÀI