.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Ai thấy không đáp ứng được yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người khác

Cập nhật: 15:11, 16/04/2025 (GMT+7)

Sáng 16-4, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đây là những nội dung quan trọng, cấp bách, phải triển khai hết sức khẩn trương, tập trung vào 2 vấn đề: tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Các hướng dẫn sẽ được gửi đến bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Về cơ bản, trong tháng 4 này sẽ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tập trung thực hiện.

a
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị, sáng 16-4. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương đã rõ, phương hướng, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong việc triển khai nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ thời gian hoàn thành, để sau hội nghị quán triệt là có thể triển khai được ngay.

Tổng Bí thư yêu cầu triển khai với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng chắc chắn, bảo đảm các mốc thời gian quan trọng đã đề ra; phải có quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11; xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
 

a
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị, sáng 16-4. Ảnh: QUANG PHÚC

Hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn

Tổng Bí thư nhấn mạnh 4 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao. Tổng Bí thư cho rằng, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người Việt Nam đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi "chôn rau cắt rốn" của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức tư tưởng, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn: Đất nước là quê hương.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy địa giới hành chính, mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển; là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Tổng Bí thư, cần lưu ý khắc phục 2 khuynh hướng: một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một cấp huyện thu nhỏ, dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã; hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn, dẫn đến cồng kềnh kém hiệu quả. Tổng Bí thư đề nghị ban thường vụ các tỉnh bàn bạc, tính toán rất kỹ trên tinh thần tầm nhìn lâu dài vì nước, vì dân, để có phương án bố trí sắp xếp một cách hợp lý nhất.

Không có chỗ cho những cán bộ bon chen, trung bình chủ nghĩa

Tổng Bí thư cũng lưu ý về công tác cán bộ. Diện cán bộ thuộc phạm vi tác động ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất lớn. Chủ trương chung trước mắt cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện có để bảo đảm ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư đề nghị phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ, thực hiện đầy đủ các quy định hướng dẫn về công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền, cục bộ bè phái, tham nhũng lãng phí trong công tác bố trí sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính các cấp. Đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã.

Tổng Bí thư cho rằng, công tác nhân sự đã quan trọng càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Tiêu chí đầu tiên của nhân sự phải là yêu cầu về công việc sau đó mới đến yêu cầu khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV của Đảng phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác được trọng trách lịch sử của đất nước trong tình hình hiện nay; không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lưng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn; tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo cơ quan và địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất phải bảo đảm bố trí đúng người, đúng việc.

Tổng Bí thư nêu rõ, đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng diễn ra trong bối cảnh đặc thù, khi chúng ta cùng lúc phải thực hiện nhiều công việc lớn mang tính cách mạng: vừa sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy vừa sắp xếp lại đơn vị hành chính, tăng tốc bứt phá phát triển kinh tế, vừa phải tổ chức các đại hội tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Do đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đại hội đảm bảo chặt chẽ, bài bản, nhất là những địa phương mới sáp nhập, hợp nhất; cần coi trọng và tập trung nhiều hơn nữa trong công tác chuẩn bị văn kiện...

Tổng Bí thư cho biết, sắp tới Trung ương sẽ bàn nhiều về mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Thế giới họ đi rất nhanh về tăng trưởng, ví dụ như đã hình thành những nhà máy, kho hàng, nhà xưởng, cảng không đèn, tức là làm việc hoàn toàn tự động, không có ánh sáng vẫn làm được, làm tự động cả 3 ca, bán hàng 24/24 giờ, nên năng suất lao động của họ tăng gấp 3 lần, tạo ra nhiều của cải vật chất. Do đó, nếu chúng ta không đổi mới sẽ thua.

Theo Tổng Bí thư, tình hình hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, nhất là cuộc chiến thuế quan toàn cầu đặt ra nhiều thách thức mới, song cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định lại mình. Chúng ta đã và đang tổ chức thành công rất nhiều những hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, tiếp tục khẳng định vai trò vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Chính trị sẽ tiếp tục ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển giáo dục - đào tạo cũng như nghị quyết về tìm các biện pháp để tăng trưởng.
 

Tổng Bí thư yêu cầu không vì sắp xếp tổ chức mà lơ là bất kể một nhiệm vụ nào; phải khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng sắp xếp tổ chức mà hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc.

 

Theo sggp.org.vn
 

.
.
.