.

Không thể xuyên tạc vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít

Cập nhật: 10:43, 05/05/2025 (GMT+7)

Trong bối cảnh Liên bang Nga cùng với một số quốc gia đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, một số thế lực cơ hội chính trị lại đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt và anh dũng để đánh bại chủ nghĩa phát xít, thậm chí, họ đưa ra cáo buộc vô căn cứ rằng “Liên Xô hợp tác với Đức quốc xã để gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai”. Các luận điệu xuyên tạc đó đi ngược lại với sự thật lịch sử...

Đáng chú ý, có một số trang truyền thông, mạng xã hội đưa ra những nhận định không phản ánh đúng lịch sử, cho rằng từ năm 1922, nước Nga Xô viết đóng vai trò giúp Đức quốc xã phát triển tiềm lực quân sự.

Họ lập luận rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Đức bị cấm phát triển vũ khí hạng nặng. Vì thế, Berlin đã khéo léo lách luật này thông qua sự hợp tác bất hợp pháp với nước Nga Xô viết trên cơ sở Hiệp ước Rapallo được ký vào ngày 16-4-1922 để nhanh chóng củng cố tiềm lực quân sự nhằm chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong trại tập trung phát xít tại TP Vyazma, tỉnh Smolensk, Liên bang Nga. Ảnh minh họa: TTXVN
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong trại tập trung phát xít tại TP Vyazma, tỉnh Smolensk, Liên bang Nga. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin trên những trang truyền thông và mạng xã hội này đã xuyên tạc nội dung của Hiệp ước Rapallo giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga và Cộng hòa Weimar-tên gọi của nước Đức vào thời điểm đó. Hiệp ước này bao gồm 6 điều khoản với nội dung chỉ nhằm giải quyết hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất như xử lý vấn đề tù binh của hai nước sau chiến tranh, việc nước Đức phải bồi thường chiến tranh theo Hiệp ước hòa bình Versailles, thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh nước Nga Xô viết bị Mỹ và phương Tây cô lập sau cuộc Cách mạng Tháng Mười (ngày 7-11-1917), thiết lập quan hệ thương mại, tạo điều kiện sống bình thường cho công dân hai nước trên lãnh thổ của mỗi bên.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất  (1914-1918), Nga và Đức đứng trên hai chiến tuyến khác nhau. Trong cuộc chiến này, nước Đức bại trận và phải ký kết Hiệp ước hòa bình Versailles vào năm 1919. Theo đó, nước Đức phải bồi thường chiến tranh cho các quốc gia thắng cuộc như Mỹ, Anh, Pháp... Vì thế, chính quyền Đức coi Hiệp ước hòa bình Versailles là “nỗi quốc nhục” và phải “rửa hận”. Để “rửa hận”, Đức quốc xã sau khi lên cầm quyền từ năm 1933 đã ráo riết chuẩn bị mọi điều kiện để phát động cuộc đại chiến mới ở châu Âu.

Sau Cách mạng Tháng Mười, giới lãnh đạo nước Nga Xô viết cũng nhận thấy rất rõ Hiệp ước hòa bình Versailles chỉ là “khoảng lặng” giữa hai cuộc đại chiến. Do đó, sau khi được thành lập vào năm 1922, Liên Xô quyết định thực hiện chương trình công nghiệp hóa để chuẩn bị đối phó với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tất yếu sẽ bùng nổ ở châu Âu. Chương trình công nghiệp hóa của Liên Xô hoàn tất vào năm 1937, tạo điều kiện để Liên Xô tiến hành thành công cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1941-1945). Vì vậy, tuyệt nhiên không thể có chuyện nước Nga Xô viết tạo điều kiện cho nước Đức nhanh chóng xây dựng lại tiềm lực quân sự để chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, lãnh đạo một số nước châu Âu còn căn cứ vào Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức Quốc xã ký ngày 23-8-1939 để lập luận rằng chính hiệp ước này đã châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ hai!? Thậm chí, dựa vào hiệp ước này, có tổ chức còn coi Liên Xô và Đức quốc xã đều “có tội như nhau” là gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai!?...

Lập luận này đã xuyên tạc bản chất và nội dung của Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức quốc xã. Hiệp ước này xác định Liên Xô và Đức cam kết kiềm chế không tấn công lẫn nhau, giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào, đồng thời cam kết không tham gia các lực lượng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại phía bên kia. Giới lãnh đạo Liên Xô biết rõ rằng, ký hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Đức quốc xã không thể ngăn chặn được Chiến tranh thế giới thứ hai mà chỉ để làm chậm lại thời điểm Đức quốc xã tập trung lực lượng của toàn châu Âu để tấn công Liên Xô nhằm chuẩn bị đối phó.

Nhận định của giới lãnh đạo Liên Xô căn cứ vào một sự thật lịch sử khác. Đó là rất lâu trước khi Liên Xô ký với Đức hiệp ước không tấn công lẫn nhau, nhiều nước châu Âu cũng từng ký hiệp ước tương tự với Đức quốc xã...

Đúng như dự báo của giới lãnh đạo Liên Xô, sau khi phát động Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 1-9-1939, Đức quốc xã đã ký hiệp ước liên minh với nhiều nước châu Âu để chuẩn bị chiến dịch tấn công Liên Xô. Sau khi đã tập hợp được lực lượng của gần toàn bộ châu Âu, ngày 18-12-1940, Hitler phê chuẩn Kế hoạch Barbarossa để bất ngờ tấn công Liên Xô vào ngày 22-6-1941.

Chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai còn đi ngược lại sự thật lịch sử là Đức đã tập hợp lực lượng từ nhiều nước đầu hàng để tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô. Vì vậy, Liên Xô đóng vai trò chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai là đánh bại lực lượng liên quân của Đức quốc xã.

Trong cuộc đại chiến này, Liên Xô đã đánh bại 507 sư đoàn Đức quốc xã và 100 sư đoàn đồng minh của chúng; tiêu diệt của Đức quốc xã hơn 70.000 máy bay (chiếm khoảng 70% tổng số máy bay bị phá hủy), khoảng 50.000 xe tăng và vũ khí tấn công (75%), 167.000 khẩu pháo (74%), hơn 2.500 tàu chiến và tàu bảo đảm.

Sau khi đánh bại phát xít Đức ở châu Âu, Liên Xô tiến hành chiến dịch đánh bại đạo quân Quan Đông mạnh nhất của Nhật Bản, đóng vai trò quyết định, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Liên Xô đã phải nỗ lực phi thường để giành được chiến thắng vĩ đại này nhưng cũng phải chịu thiệt hại vô cùng to lớn. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, hơn 27 triệu công dân Xô viết đã thiệt mạng...

Sau 80 năm, dù bị nhiều luận điệu xuyên tạc, với âm mưu hòng làm thay đổi bản chất cuộc chiến nhưng chiến thắng vĩ đại của nhân dân Xô viết vẫn được loài người tiến bộ ghi nhận, tôn vinh. Theo ghi nhận, nguyên thủ hoặc đại diện của hơn 20 quốc gia đã nhận lời mời tham dự lễ kỷ niệm và cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng 9-5 năm nay. Ngoài ra, một số quốc gia còn cử lực lượng tham dự cuộc duyệt binh mừng chiến thắng này. Ở châu Âu, bất chấp nhiều áp lực, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ và một số cá nhân vẫn tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5...

Chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại không chỉ góp phần quyết định đánh bại chủ nghĩa phát xít và quân phiệt mà còn tạo điều kiện cho nhiều nước giành được quyền độc lập, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, loài người tiến bộ cần tiếp tục ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc vai trò có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít. Đây là hành động thiết thực bảo vệ các giá trị chân chính của lịch sử, của lương tri, đồng thời nhằm ngăn chặn sự phục hồi chủ nghĩa phát xít.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.