Đồng Tháp tiễn 6 người có công tiêu biểu dự Họp mặt đại biểu người có công với cách mạng, nhân chứng lịch sử toàn quốc
(ABO) Sáng ngày 23-7, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ tiễn người có công đi dự Họp mặt đại biểu người có công với cách mạng, nhân chứng lịch sử toàn quốc diễn ra vào ngày 24-7 tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức. Dự họp mặt lần này, đoàn người có công tỉnh Đồng Tháp có 6 thành viên, đó là những thương binh, bệnh binh, người tham gia cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học. Đó là 6 cá nhân trong những người đã góp công sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và góp phần vào công cuộc kiến thiết quê hương.
Tại lễ tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp (bìa phải) đã chúc các thành viên trong Đoàn nhiều sức khỏe và có chuyến đi họp mặt và thăm thủ đô Hà Nội thật thú vị. Ngoài việc đảm bảo toàn bộ chi phí của chuyến đi, dịp này UBND tỉnh Đồng Tháp đã tặng mỗi người có công tham gia Đoàn phần quà 1 triệu đồng. |
Ông Huỳnh Văn Nga, 71 tuổi, hiện đang cư trú tại ấp Thanh Bình, phường Thanh Hòa. Từ năm 1971 đến tháng 10-1975, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Cai Lậy Nam. Từ tháng 10-1975 đến khi nghỉ hưu vào tháng 4-2011, ông công tác và được giao giữ nhiều vị trí quan trọng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông Nga đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Lao động hạng Nhì.
Bản thân ông Nga luôn nỗ lực cống hiến và các con của ông cũng noi gương cha tích cực học tập, rèn luyện. Tại địa phương, ông tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, vận động con cháu, hàng xóm chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ông tích cực tham gia xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tại địa phương, hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và vận động kinh phí, góp ngày công xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội.
Ông Phan Thanh Tùng, 80 tuổi, hiện đang cư trú tại nhà ở đường Võ Việt Tân, phường Cai Lậy. Ông Tùng tham gia cách mạng từ năm 1961 tại chiến trường tỉnh Mỹ Tho. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiện cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Ba, hạng Nhất và đã được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2005, ông là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Ông Tùng có 3 người con và tất cả đều được học hành thành đạt. Gia đình ông Tùng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, xây dựng sân cầu lông, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Ông còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự; vận động con cháu, hàng xóm chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Gia đình ông Tùng được tuyên dương là "Gia đình văn hóa tiêu biểu" nhiều năm liền. Ông tham gia xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tại địa phương, hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và vận động kinh phí, góp ngày công xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 71 tuổi, hiện đang cư trú tại ấp Nghĩa Chí, xã Tân Hòa. Năm 2011 đến nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Nghĩa Chí. Với vai trò chi hội trưởng cựu chiến binh, nhiều năm liền, ông đưa Chi hội Cựu chiến binh ấp Nghĩa Chí đạt danh hiệu xuất sắc vững mạnh và bản thân ông 5 năm liền đạt danh hiệu "Cựu hiến binh gương mẫu". Ông Hùng là cựu chiến binh vượt khó vươn lên với mô hình nuôi lươn, ếch, bò, dê, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ông là người tích cực tham gia phong trào ở địa phương, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, vận động con cháu, hàng xóm chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Tỏ, 66 tuổi, nhà ở khóm 5, phường Mỹ Ngãi. Ông Tỏ tham tham gia cách mạng từ tháng 5-1975 với vai trò cán bộ thống kê xã Thới Thạch, huyện Ô Môn, TP. Cần Thơ. Tháng 7-1977, ông tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự, đơn vị phòng tham mưu Sư đoàn 4 - Quân khu 9, đóng quân tại Chi Lăng, tỉnh An Giang, sau đó về công tác tại Trung đoàn 29 Thông tin Quân khu 9. Đến tháng 7-1987, ông bị bệnh tim mạch, viêm phế quản, mất sức lao động 61%. Hiện nay, ông đang sinh sống tại phường Mỹ Ngãi, bản thân ông luôn tích cực gương mẫu tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm được tỉnh, thành phố, UBND phường tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Tất cả 3 người con của ông đều học xong đại học và có việc làm ổn định, kinh tế gia đình phát triển.
Ông Trương Văn Chinh (Trương Quốc Hùng), 73 tuổi, nhà ở tổ 1, khóm Thuận Trung, phường Cao Lãnh. Ông Chinh tham gia cách mạng vào tháng 2-1968 với chức vụ quản lý công trường Kiến Phong. Đến tháng 4-1974, ông bị thương lúc tham gia chiến đấu. Sau bị thương, ông được cử đi học lớp quản lý nhân viên và nhận tiền phát lương đến tháng 12-1976 thì được phục viên trở về địa phương cho đến nay. Về hoàn cảnh kinh tế, thì ngoài hưởng chế độ thương binh và lương hưu hằng tháng, ông còn có 4.000 m2 đất trồng xoài, hiện nay đã cho thu hoạch trái. Bản thân và gia đình ông luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ở địa phương, ông và gia đình nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Bùi Văn Trắng, 70 tuổi, nhà ở đường Thống Linh, ấp Mỹ Phú Đất Liền, xã Mỹ Thọ. Ông tham gia cách mạng vào tháng 3-1970. Trong quá trình công tác, ông từng được giao nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại xã Mỹ Thọ và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trước đây. Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành và gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước, tham gia công tác tại nơi cư trú, góp phần xây dựng quê hương, được biểu dương thành tích 10 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
MAI HÀ