Thầm lặng một đời mẹ
Mẹ Võ Thị Liễu (1907 - 1987) sống trong một gia đình bần cố nông, không ruộng đất, bị địa chủ phong kiến đàn áp bóc lột đến tận xương tủy, đã sớm giác ngộ cách mạng, góp phần giữ cho bờ sông Bảo Định mãi hiền hòa, vun đắp truyền thống quê hương Thủ Khoa Huân mãi bất khuất.
Không biết mẹ Liễu chịu ảnh hưởng của cách mạng từ lúc nào mà khi đứa con thứ tư - anh Nguyễn Thành Long (sinh năm 1935) đang còn bú, mẹ đã bị lính đạo bắt nhốt, tra tấn dã man gần một tuần lễ, phải đút lót tiền bạc chúng mới thả về.
Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 nổ ra, trong đoàn người kéo đến đập phá nhà Hội đồng Bảy, chú Tư ở xã Phú Kiết cũng thấy mẹ. Đến khi nổi dậy giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, nhà mẹ Liễu trở thành điểm hội họp của Ủy ban Kháng chiến xã, điểm tập kết của cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt đầu sôi động từ phong trào Đồng khởi năm 1960 - giai đoạn mà bộ máy kềm kẹp của địch còn áp đặt đến tận mỗi gia đình, vậy mà ở nhà mẹ (người trong làng hay gọi là bà Chín Bi) cán bộ về đào hầm bí mật ở trong nhà, ngoài liếp. Để bảo toàn cho cán bộ, chiến sĩ, mẹ đã trở thành người cấp dưỡng, chị nuôi, trinh sát bảo vệ…
Nhà có 1,8 mẫu ruộng cách mạng cấp cho, mỗi năm làm ra được gần 2 thiên lúa, vậy mà không bán hột nào. Cứ hũ gạo hết thì gánh lúa đi xay, không chỉ nấu ăn, mẹ còn cho anh em mang đi dự phòng. Cái nhà - đúng hơn là cái chòi - bìm bìm leo vô tới vách. Mẹ bảo: Cứ để vậy cho lính khỏi dòm ngó…”.
Năm 1964, anh Long vào du kích, chỉ còn mẹ và cô con gái út - chị Năm Thêu ở nhà. 2 mẹ con cứ lầm lũi ra đồng, kêu trâu cày cấy, gặt đập, đem lúa về. Bồ lúa trong nhà cũng là cái hầm bí mật, ăn đến lúa nhót bồ thì dẹp hầm. Mẹ còn làm nhiều hầm ở trong củi bếp, ngoài vuông, ngoài liếp trâm bầu. Cán bộ về một tiểu đội, lính vô cũng có chỗ tránh.
Sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, địch đánh phản kích hết sức quyết liệt. Để bảo vệ vành đai phòng thủ hướng Đông TP. Mỹ Tho, lính càn quét đóng chốt dài ngày, đám lính làng biết nhà mẹ là cơ sở cách mạng nhưng không lấy được chứng cớ gì để bắt mẹ.
Một hôm, thằng Ba Bĩnh, trưởng cuộc cảnh sát đứng đối diện với mẹ, nó bảo: “Bà Chín, tui bắn bà”, rồi nó móc súng ra bắn một phát, chỉa lên nóc nhà, cười khà khà. Thấy tình thế căng, mẹ kêu chị Năm Thêu làm gà, mua rượu cho nó uống. Từ đó tới sau mẹ còn phải… “nuôi” lính làng để xoa dịu, bảo vệ anh em.
Tình hình ác liệt đến cuối năm 1969, cơ sở không còn bám trụ được, phải chuyển qua địa hình căn cứ ở xã Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc. Gần cuối năm 1970, khi lúa sắp trổ đòng đòng, anh em về bàn với mẹ nhổ lúa, đào hầm dưới ruộng, mẹ đưa bộ ván ra lót nấp hầm rồi cấy vá lúa lại, chờ đến khi cắt lúa, ruộng khô anh em về trụ lại địa bàn.
Hơn một năm trời, cứ sáng sớm mẹ ra đồng quan sát từng nhánh trâm bầu, xem từng ngọn cỏ xung quanh mấy cái hầm bí mật, coi anh em có để lại dấu vết gì không. Một lần ai đó làm rớt cái khăn choàng tắm trên đường ra hầm, sau đó mẹ “xạc” cho một trận ra hồn.
Lính đồn quanh nhà thắc mắc: “Bà Chín đi đâu tối ngày vậy?”. Mẹ cười xởi lởi: “Cũng nhờ cái nghề mua bán heo con, mua bên này đem qua bên kia bán, nên nghèo như tôi mới sống được”. Chiều mẹ về nhà nấu cơm, làm thức ăn xong, đợi trời chập choạng tối mới ra ruộng giở từng nấp hầm kêu các con lên ăn rồi đi công tác…
Rằm tháng Giêng năm 1972, anh Tư Long lúc đó là Xã đội phó, đi công tác, giáp mặt với địch và chiến đấu hy sinh. Thấy mẹ quá đau khổ, anh em trong chi bộ xã định chuyển nơi bám trụ để bớt gánh nặng cho mẹ. Khi bàn việc này, mẹ vừa khóc vừa nói: “Sao anh em tụi bây đứa nào cũng bỏ tao mà đi hết vậy, hả con?!”.
Cuối năm 1972 ta đã mở rộng vùng, giành quyền làm chủ, mẹ lại tiếp tục nuôi bộ đội ở trên về trợ lực đánh mở mảng chuyển vùng giải phóng quê hương.
Sau hòa bình, mấy anh em ở cơ sở tới lui thăm mẹ. Có lần cắc cớ mẹ hỏi: “Mấy cái hầm bí mật còn nguyên ngoài kia kìa, bây giờ có đứa nào muốn xuống ở nữa không?!”. Anh Mười Cứ, Bí thư xã trả lời:
“… Hầm tối là nơi sáng nhất, nơi… mẹ con ta làm ra sức mạnh diệu kỳ…” rồi mẹ - con cùng cười xòa.
NGUYỄN HỮU CHÍ