Chuyện về chiếc nhẫn đồng
Trong bức tâm thư gửi Bảo tàng Tiền Giang của chú Ngô Văn Thức (ngụ 9/1, tổ 1, ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho) có đoạn viết: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là ngày Đảng bộ Lưu Chí Hiếu tại chuồng cọp Côn Đảo lãnh đạo chúng tôi tự giải phóng mình và đi giải phóng các trại giam khác thoát khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo đêm 30-4-1975. Nay tôi kính tặng Bảo tàng Tiền Giang chiếc nhẫn đồng là dụng cụ đánh mooc của tôi liên lạc với đồng đội cùng bị biệt giam, cấm cố.
Chú Ngô Văn Thức tái hiện lại cách đánh mooc. |
Lần theo địa chỉ, chúng tôi lập tức tổ chức đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến trong bức tâm thư. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ngăn nắp, thoáng mát, kể nhiều chuyện về thời gian chú bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo và tặng cho đoàn sưu tầm chúng tôi 1 chiếc nhẫn bằng đồng nhưng có nhiều công dụng trong sự thiếu thốn, hà khắc của nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Theo lời kể: Chú sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy. Mới 9 tuổi chú đã tham gia hoạt động cách mạng, vừa học tập vừa tham gia trong Đoàn trẻ Hoa Lư xã Mỹ Hạnh Đông (Đoàn Văn nghệ thiếu niên), sau đó được chuyển lên Đoàn Núi Lam của huyện Cai Lậy. Khi 20 tuổi (năm 1957) được phân công làm Bí thư Chi đoàn Thanh lao (Đoàn Thanh niên Lao động), Tổ trưởng Tổ Đảng xã Mỹ Hạnh Đông. Để hợp pháp, chú tham gia giảng dạy tại Trường Tiểu học tư thục Trí Lập của xã.
Sau một thời gian bị theo dõi, ngày 3-11-1959 khi đang giảng bài tại trường thì địch cho người ập vào bắt giải về khám đường Mỹ Tho để điều tra. 6 tháng sau chúng chuyển chú giam cầm qua các trại giam Chí Hòa, Phú Lợi, nhà lao Thanh Tân Ồ Ồ (Huế), nhà lao Quảng Trị và sau cùng chúng đày đi Nhà tù Côn Đảo (năm 1964) cho tới sau ngày miền Nam và Côn Đảo giải phóng thì được đón về tỉnh nhà tiếp tục công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhấp một ngụm nước, chú cầm chiếc nhẫn gõ gõ vào tường, rồi hỏi chúng tôi có biết gì không? Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác không hiểu, chú tủm tỉm cười và kể tiếp: Trong những ngày bị lưu đày, cấm cố tại chuồng cọp Côn Đảo, tuy ăn uống vô cùng thiếu thốn, thường xuyên bị tra tấn dã man, nhưng những người tù chính trị trại I “Trại Cộng sản” - “trại cứng đầu” luôn kiên trung bất khuất, ngày đêm đấu tranh quyết liệt chống lại sự đàn áp, tra tấn đẫm máu của kẻ thù.
Để tổ chức đấu tranh và có được thông tin phổ biến giữa các phòng giam, trại tù, các tù nhân thường dùng cách đánh mooc (Morse) để liên lạc. Sau khi được thế hệ tù chính trị “đàn anh” chỉ cách đánh mooc, chú và các tù chính trị khác đã dùng bất kỳ loại vật cứng gì để gõ mooc như đá sỏi, san hô, nút áo… nhưng đều bị địch phát hiện, tịch thu.
Nhân một chuyến được ra ngoài trại giam lao động khổ sai, chú lượm được một khúc ruột dây điện bằng đồng và tỉ mỉ làm thành chiếc nhẫn đeo tay, khi địch phát hiện thì khôn khéo trả lời: Đây là kỷ vật tôi làm để nhớ về ngày kết hôn của vợ chồng tôi.
Chúng tin và đâu có ngờ rằng chiếc nhẫn tuy thô sơ nhưng rất giá trị bởi có nhiều công dụng: Lúc làm kim khâu, làm móc tai, có khi làm chốt chiếc quạt giấy, đặc biệt là dùng gõ mooc liên lạc trong suốt 11 năm bị cấm cố tại chuồng cọp Côn Đảo.
Khi liên lạc, các phòng đánh và nhận mật mã bằng cách gõ vào tường theo những nhịp ngắn - dài của những chữ cái theo mã khóa hàng ngang, hàng dọc đã quy định. Nhiều khi bị phát hiện bởi những tên chiêu hồi phản bội, chúng kéo ra tra tấn dã man để điều tra, nhưng với sự trung kiên, bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản nên chúng đều bị thất bại.
NGUYỄN MẠNH THẮNG