Thứ Tư, 22/04/2015, 07:31 (GMT+7)
.

Liệt sĩ Phạm Văn Huỳnh: Ngã xuống trước giờ chiến thắng

Khát khao chiến thắng để nhìn thấy dân tộc mừng đón hòa bình và tự do.  Vậy mà, người cán bộ Trung đội phó Đội An ninh vũ trang huyện Chợ Gạo Phạm Văn Huỳnh mới 21 tuổi đời đã chiến đấu quyết liệt trong trận đánh cuối cùng và đã ngã xuống. Đồng đội và người thân đưa thi hài anh về quê hương xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo trong giờ khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30-4-1975.

NGƯỜI CHIẾN SĨ AN NINH VŨ TRANG

Sinh ra trong một gia đình có 12 anh em, anh Huỳnh thứ 9 trong nhà. Đồng khởi năm 1959 - 1960, 4 người anh của anh lên đường tòng quân chiến đấu. Trong 3 năm 1967 - 1969, 3 người anh của anh đã hy sinh. Năm 1969, chị Tám - người chị duy nhất vào làm an ninh mật của xã. Biết thuộc gia đình cách mạng, vậy mà giữa năm 1972 giặc cũng bắt anh vào lực lượng phòng vệ dân sự.

Thông qua chị Tám, anh làm cơ sở nội tuyến. Tối 23 tháng Chạp năm 1972, thằng phó ấp ác ôn đưa cho anh chiếc đồng hồ Orient 3 cốt, bảo anh coi giờ xếp gác.

Đêm hôm ấy anh hợp đồng với lực lượng bên ngoài đánh diệt được thằng phó ấp, thu 6 súng carbine, phát lệnh giải tán phòng vệ dân sự. Do bị lộ, sau khi đánh xong, cấp trên điều anh thoát ly.

Thằng Vĩnh, trưởng cuộc cảnh sát bắt gia đình anh phải bồi thường mỗi khẩu súng trị giá 21.500 đồng, trong đó có 1 khẩu carbine liên thanh 30.000 đồng và cái đồng hồ trị giá 18.000 đồng, tổng cộng là 155.500 đồng.

Nhà nghèo, chỉ có mỗi 1 con bò đực để cày, bán không đủ bồi thường, chị Tám phải chạy về bên ngoại mượn gần 2 thiên lúa bán đền cho nó, nếu không đền nó hành khiếp lắm.

Sau trận đánh đám phòng vệ dân sự, còn loay hoay ở xã thì anh Huỳnh đạp phải lựu đạn, bị thương mất đi con mắt trái. Về quân y điều trị xong vết thương, anh trở lại chiến đấu ở Đội An ninh vũ trang huyện. Từ ấy, con người ít nói, hay làm ấy hết lau chùi súng đạn thì đi kiểm tra gia cố, đào mới công sự chiến đấu, đào hầm chông, gài lựu đạn… để bảo vệ căn cứ; xuống mương rạch tát cá mò tôm, giỏi như con rái.

Sống với anh em trong đơn vị, không lúc nào nghe anh có một tiếng càu nhàu, mà thấy anh cứ lặng lẽ xách nước, quơ củi, nấu cơm lo cho tập thể như là chị bếp. Đi công tác thì không bao giờ để anh em đi trước, nhất là từ giữa năm 1973 khi nghe được tin người anh còn lại của mình trong bộ đội cũng tiếp tục hy sinh, anh càng sợ đồng đội không cẩn thận, xử lý tình huống không nhanh nhạy sẽ gặp nhiều hiểm nguy, nên việc dễ - khó gì anh cũng gánh.

Cô y tá đơn vị là Linh Chi (nhỏ hơn anh 1 tuổi) thương anh cái tính hiền, việc gì cũng lo hết cho anh em đồng đội, nên có cái gì ngon, tốt là Chi dành cho anh. Rồi lúc nào không hay, bóng hình cô y tá cứ vấn vương bên anh, đi câu cá, tát mương anh cũng gọi Chi. Đi học ở trên về, bạn bè tặng cho chiếc nón tai bèo anh cũng cất kỹ để dành tặng Chi. Hai người hứa hẹn đến hòa bình!

ANH NGÃ XUỐNG, ĐỂ LẠI PHÍA SAU…

Trong tổng thể kế hoạch giải phóng huyện Chợ Gạo, đơn vị An ninh vũ trang huyện được giao nhiệm vụ tiếp cận điều nghiên, lập kế hoạch tổ chức đánh trung đội cảnh sát dã chiến án ngữ vòng ngoài bãi pháo 105 ly. Chiều 29-4-1975, Đội An ninh vũ trang xuất phát từ địa hình ấp Tân Hưng, xã Tân Thuận Bình. Vừa ra khỏi tiền viên hướng lộ Bốn Ngàn (tỉnh lộ 879B) thì đụng ngay lực lượng sư đoàn 9 ngụy từ hướng Bến Tranh kéo xuống.

Nổ súng với địch một chập, ta rút trở lại địa hình, còn đám lính sư 9 kéo ra lộ 24 (Quốc lộ 50 bây giờ). Hơn 5 giờ chiều, thấy tình hình ổn, Đội An ninh vũ trang huyện tiếp tục hành quân thực hiện điều nghiên, chia làm 2 cánh song song, cánh anh Huỳnh chỉ huy đi cặp sát lộ Bốn Ngàn, cho rằng đám lính đồn chưa dám bung ra, ta đi sát đồn sẽ ổn hơn.

Chạng vạng tối, khi phát hiện lính tua số 2 bung ra phục kích thì ta - địch chỉ còn cách nhau 5 - 6 mét. Nổ súng. Anh là người dẫn mũi, hy sinh. Cánh còn lại bắn áp đảo chi viện, nhưng khi chiếm được trận địa thì lính dân vệ tua số 2 đã kéo xác anh về đồn.

8 giờ sáng ngày 30-4-1975 chúng cho khiêng xác anh vào khu phố Ông Văn, để nằm phơi nắng ở chỗ ngã tư Đình. Được sự chỉ đạo của chỉ huy Mặt trận tiền phương, cấp ủy xã Tân Thuận Bình tổ chức đưa gia đình binh sĩ, gia đình nòng cốt cách mạng lên Ông Văn lấy xác anh. Bà con vác võng ra trụ sở tề năn nỉ, không xong.

Nhiều người lên tiếng tố cáo, rồi dọa - trở thành cuộc đấu tranh khá gay gắt. Thằng thiếu úy Đợi, trưởng cuộc cảnh sát; thằng Mao, xã trưởng Đăng Hưng Phước một mực bảo: “Bây giờ đem vô trỏng đặng tụi nó làm truy điệu rần rần hả. Để đó”.

Đang lúc ấy, đơn vị An ninh vũ trang tổ chức đánh đồn Cầu Sập, cách Ông Văn chưa tới 2 cây số đường chim bay, tiếng súng đạn, thủ pháo nổ vang trời. 11 giờ chi khu cảnh sát, trụ sở tề xã Tân Thuận Bình, cầu Chợ Gạo bị đánh chiếm. 11 giờ 30 phút chi khu Chợ Gạo được giải phóng. Cuộc cảnh sát, tề xã Đăng Hưng Phước lặng lẽ trốn biệt từ hồi nào không ai hay. Bà con ra ngã tư Đình võng xác anh đưa về quê nhà.

***

Buổi chiều xuất quân đi điều nghiên, Đội trưởng An ninh vũ trang phân công y tá Linh Chi “ở nhà” giữ cứ. Trước khi đi, anh Huỳnh còn dặn… nhớ chờ!

Anh ngã xuống, Chi như mê sảng, cứ đòi đi tìm xác anh về trong đêm. Đội trưởng phải nói: Tất cả con đường đều đã gài đặt lựu đạn, mìn…

Anh vĩnh biệt Chi, vĩnh biệt đồng chí, đồng đội, đồng bào trong giờ khắc quê hương vừa được giải phóng.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.