Má Năm có cách đánh giặc riêng
Một lần đến thăm, vào một đêm trăng sáng, má Năm Lê Thị Xiêm (1917 - 2006) - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, quê xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo đòi nhắc chiếc ghế xếp đem ra sân cho má. Nằm ngửa mặt nhìn bầu trời đầy sao, rồi má kể về đời mình, có đoạn như là lời tự sự: “…
Hồi đó gia đình nghèo lắm, đông con, anh chị em đứa nào lao động được là như con chim đủ lông đủ cánh đi ở đợ tứ phương. Má mới có 6 - 7 tuổi đầu mà ông bà ngoại mất hết, nhờ người chị thứ tư từ tỉnh Bến Tre dẫn theo qua chợ Mỹ Tho giúp việc.
Đến khi chị Tư có chồng về Bình Cách - Nhựt Tiên, nghe nói nơi đó là căn cứ của nghĩa quân Thủ Khoa Huân hồi trước, chị Tư dẫn theo, được gia đình bên chồng chị Tư thương, nhà có cái gì thì ăn cái nấy. Lớn một chút má cũng đi làm thuê, cấy mướn. Trong xóm có bà Năm Dưỡng thường dạy má chuyện làm ăn. Mỗi lần bà Năm về thăm cha mẹ ruột ở dưới làng Tân Thuận Bình là bà hay dẫn theo chơi”.
Con gái nhà quê siêng năng lao động nên sớm trổ mã. Năm 16 tuổi bà Năm làm mối, chị Tư đứng gả cho một người, cũng đi ở đợ tại đây - ông Hà Văn Quận. Năm 17 tuổi má sinh con đặt tên là Hà Văn Hai và Hà Văn Văn.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cướp chính quyền ở làng Tân Thuận Bình thành công, chồng má vô du kích, má làm giao liên. Vì không biết chữ nên mỗi lần lấy thư, mấy anh cán bộ nói thư này của ai, thư kia của ai má phải xé lá chuối, ngắt lá bình bát, lá trâm bầu làm dấu…
Ngày 18-2-1948, thằng giặc phục kích bắt chồng má, bị đánh chí tử vẫn không khai. Nó bắn chết, để tới ngày hôm sau mới cho lấy xác về chôn. Từ đó một mình má làm lụng nuôi con và tham gia kháng chiến.
Cuối năm 1949, cách mạng cấp cho 8 sào ruộng - hơn nửa đời người mới có được miếng ruộng gọi là của mình. Mừng quá, má xin mấy anh cán bộ dạy cho má biết mặt chữ để làm giao liên tốt hơn.
… Đồng khởi năm 1959 - 1960 nổ ra, 2 con của má đều đi theo cách mạng. Vợ anh Hai thì đi… theo người khác, để lại hai đứa con cho má nuôi, lúc đứa nhỏ mới 9 tháng. Hai đứa nhỏ cứ bệnh ngặt nghèo, má chạy lo quên ăn quên ngủ, nhà bán không còn một thứ gì, vậy mà hai đứa cũng chết hết. Má như người mất hồn.
Nhớ con, nhớ cháu nhưng mỗi lần ra ruộng cấy lúa, nhổ cỏ là má lại nhớ tới Đảng, tới cách mạng. Năm 1961, má qua làm Hội trưởng đoàn thể Phụ nữ xã; anh Hai, anh Văn làm du kích. Tháng 6-1963, anh Văn chiến đấu hy sinh.
Anh Hai buồn, xin lên địa phương quân huyện tham gia chiến đấu, có được 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và cũng đã hy sinh năm 1966. Từ đó má vào Hội Mẹ chiến sĩ, coi bộ đội đứa nào cũng là con.
… Là một đảng viên hợp pháp, má có cách đánh giặc riêng của má. Giặc càn, nghe đầu trên hay xóm dưới nơi nào bị giặc cướp bóc, đấu tranh bị giặc đàn áp là có má xuất hiện. Má “lý lẽ” với nó cho tới khi nào nó nhượng bộ mới thôi, riết rồi lính biết mặt, cứ thấy má tới thì nó chịu thua.
Có một lần lính trong chợ Ông Văn kéo ra không hay, gần tới đầu nhà mới biết. Anh Trọng, anh Thuận dân y xã tung ra cửa sau chạy. Sợ nó phát hiện, má bật chạy ra cửa trước la làng, rượt theo “ăn trộm ban ngày”. Lính rượt theo má. Đến khi nó biết bị mắc lừa thì hai dân y chạy mất. Nó bắt đánh má. Má cãi trôi.
Lần khác lính tới, anh Năm Thất ở thông tin xã chỉ kịp xách cây súng chạy, bỏ lại nào đạn, băng, cờ, truyền đơn. Má gom hết, ôm ra lội mương, nhét vô cái hang sâu dưới gốc dừa, rồi chụp cái thùng xách nước lên. Lính tới thấy, má bảo xách nước bị trật cầu thang té. Nhìn vào lu nước lóng phèn còn trong veo, nó sinh nghi, bắt lính lội xuống mương, giậm lên hết sình mà cũng không thấy gì, nó thua nữa.
Tối 29-4-1975, Đội An ninh vũ trang huyện đi điều nghiên đánh trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ bãi pháo Chợ Gạo, chiến đấu với địch, anh Huỳnh - Trung đội phó hy sinh. Nó kéo xác vô ngã tư Đình chợ Ông Văn.
Sáng ra má với bà con vô xin xác. Mới đầu còn nói nhỏ nhẹ: “Dù gì người ta cũng chết rồi, ai cũng máu đỏ da vàng hết mà, để cho bà con đưa xác người ta về chôn cất. Mấy chú cứ để phơi nắng người ta như vầy, thiên hạ đi qua đi lại chạnh lòng rồi kêu rêu mấy chú ác đức…”.
Thằng trưởng cuộc cảnh sát, thằng xã trưởng nhất định không cho. Giằng co cho đến gần 10 giờ ngày 30-4-1975, Đội An ninh vũ trang đánh bót Cầu Sập gần đó, súng nổ rân trời. Má lớn tiếng: “Tới bây giờ mà mấy chú không nghe gì hay sao mà còn làm dữ vậy?”.
Hai thằng trưởng cuộc, xã trưởng cũng chưa cho. Nổi xung thiên, má la lên: “Không cho hả? Tao về dẫn bộ đội ra đập cho chết bà tụi bây luôn…”. Không biết có phải vì nghe má hù mà lính làng bắt đầu xìu xuống rồi lặng lẽ bỏ trốn. Má cùng với bà con ra võng xác Huỳnh đưa về gia đình trên xã Phú Kiết. Ấy cũng là lúc huyện Chợ Gạo hoàn toàn giải phóng.
NGUYỄN HỮU CHÍ