Thứ Hai, 22/09/2014, 09:46 (GMT+7)
.

GS. Hoàng Chí Bảo: Di chúc thể hiện tư tưởng của Bác về CNXH

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là một văn kiện lịch sử vô giá. Ở đó, Người nói ít nhất về chủ nghĩa xã hội (CNXH) xét về mặt câu chữ, nhưng dường như lại thể hiện được nhiều nhất những tư tưởng, triết lý của Người về CNXH.

GS. Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH là có hệ thống và nhất quán. Dù không để lại những tác phẩm chuyên bàn về CNXH nhưng toàn bộ các trước tác, văn phẩm của Người đều thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp tư tưởng về CNXH, gắn liền cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc với CNXH.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo CNXH khoa học do các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác vạch ra, mà Người còn phát triển, làm phong phú thêm lý luận và phương pháp của CNXH khoa học từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trước hết, Người đã làm phong phú thêm cách tiếp cận CNXH. Người đã đưa vào quan niệm CNXH cách tiếp cận đạo đức học. Đó thực sự là bổ sung quan trọng, mới mẻ của Hồ Chí Minh.

Đạo đức học về CNXH ở Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng. Người cho rằng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Lý luận CNXH của Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện đạo đức học là lý luận chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng. Người khẳng định, thắng lợi của CNXH đòi hỏi phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, đánh bại chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rất rõ ràng chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là vùi dập cá nhân. Cái gì thuộc về lợi ích, nhu cầu chính đáng của cá nhân mà không trái với xã hội, không làm phương hại tới lợi ích chung của xã hội thì không xấu.

Càng thực sự quan tâm tới con người, cá nhân và nhân cách thì càng phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân bởi nó là kẻ thù nguy hiểm đẻ ra trăm nghìn thói hư, tật xấu, làm hư hỏng, thoái hóa cán bộ, suy yếu tổ chức, đặt CNXH trước nguy cơ thất bại.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH phải có cách làm đúng, lại phải có bước đi thích hợp, phù hợp với hoàn cảnh xã hội và trình độ của dân chúng. Người cho rằng, phải tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH nhưng phải tiến vững chắc, không được làm bừa, làm ẩu; phải dựa vào sức mình là chính, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nhưng phải chú trọng học hỏi kinh nghiệm các nước, vận dụng cái hay, cái tốt ở bên ngoài, vận dụng phải sáng tạo không máy móc, rập khuôn; tôn trọng quy luật chung kết hợp với đặc thù riêng của nước mình.

Theo Hồ Chủ tịch, sức mạnh của tinh thần đoàn kết góp phần quyết định thắng lợi con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Người nhấn mạnh trong Di chúc: “ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

“Cách làm tốt nhất để xây dựng CNXH ở nước ta mà Người chỉ ra là dựa vào dân, đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Sức mạnh của cách mạng, sự bền vững của chế độ là ở dân chúng. Không có dân thì Đảng không có lực lượng, cách mạng không có sức mạnh” - GS Hoàng Chí Bảo nói.

GS. Hoàng Chí Bảo phân tích, trước đây, trong cuộc vận động đấu tranh giải phóng để giành lại độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Kháng chiến kiến quốc cũng theo phương châm ấy, cách làm ấy. Xây dựng CNXH, một sự nghiệp vĩ đại, mới mẻ chưa từng thấy cũng phải khai thác động lực, nội lực từ dân chúng.

Nhân tố con người là mục tiêu cao nhất của CNXH, của sự phát triển của lịch sử. Đó cũng chính là điểm khác nhau cơ bản nhất thuộc về bản chất giữa quan điểm tư sản và quan điểm của giai cấp công nhân, giữa chủ nghĩa tư bản và CNXH.

Vì vậy, trong Di chúc, Người chỉ rõ nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng CNXH: “ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đồng thời, Đảng phải chăm lo chu đáo tới cuộc sống của nhân dân, bởi dân chính là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, lời chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” có một giá trị bền vững. Nếu thực tế làm được như chỉ dẫn của Người thì xã hội sẽ ngày càng phát triển văn minh và tiến bộ.

Xây dựng CNXH trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam càng phải đặc biệt chú trọng tới nhân tố con người, tới nhân dân và đội ngũ cán bộ làm nòng cốt trong dân chúng. “Mấu chốt của mọi thắng lợi là do dân chúng tạo ra, dân chúng làm nên. Phải làm sao cho dân giác ngộ, dân tin cậy, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ”, GS. Hoàng Chí Bảo nói.

GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh lo lắng nhất là sự không công bằng và lòng dân không yên. Bởi thế nên Người đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

CNXH của Hồ Chí Minh là một xã hội không ngừng vươn tới và đạt đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, đem đến cho con người một cuộc sống thực sự “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như trong những dòng đầu tiên của Di chúc Người đã viết mà vì nó, Người đã phấn đấu, dâng hiến trọn đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
 
Tất cả những cái đó chính là chân giá trị của CNXH.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.