.

Về quy trình giải quyết tranh chấp đất đai

Cập nhật: 10:39, 06/08/2012 (GMT+7)

Thực tế đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng, đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai của cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, sự vận dụng pháp luật từng lúc, từng nơi chưa được nhất quán do có rất nhiều văn bản quy phạm, các văn bản lại thường xuyên thay đổi, bổ sung. Do đó để việc nắm bắt và vận dụng văn bản pháp luật đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, nắm bắt kịp thời nhằm tránh sự lạc hậu, hết hiệu lực thi hành của văn bản.

Thực trạng cho thấy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa Tòa án nhân dân (TAND) và Ủy ban nhân dân (UBND) đôi lúc còn lúng túng, chưa thoát ly khỏi điểm nút ở ranh giới xác định thẩm quyền thụ lý để giải quyết.

Tòa án thì cho rằng vụ việc cần giải quyết là thuộc thẩm quyền của UBND, còn UBND nhận định ngược lại. Từ đó, làm cho việc đùn đẩy trách nhiệm là không thể tránh khỏi mà hậu quả là làm cho người có yêu cầu giải quyết hoang mang, thiếu sự tin tưởng vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm trên?

Tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà đương sự có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.

2. Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Khoản 2, Điều 136 của Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tranh chấp về QSDĐ mà đương sự không có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:

a) Trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự  không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

b) Trường hợp chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ TN-MT hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính".

Mặt khác, TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Cục Địa chính (nay là Tổng Cục Quản lý đất đai) đã ban hành Thông tư 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 3-1-2002 hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến QSDĐ.

Từ các quy phạm trên cho thấy luật đã quy định rất chi tiết vụ tranh chấp nào sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, vụ tranh chấp nào sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND. Vấn đề phát sinh nguồn là xuất phát từ cấp cơ sở, địa phương nơi phát sinh vụ việc tranh chấp về đất đai.

Từ thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng vai trò của việc hòa giải tranh chấp đất đai, chưa xác định đúng bản chất của việc tranh chấp, không xác định cụ thể hồ sơ địa chính và các giấy tờ liên quan đến phần đất tranh chấp, từ đó không thể khẳng định được phần đất đang tranh chấp đã được nguyên đơn hay bị đơn kê khai đăng ký cấp giấy theo các quy định tại Khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, từ đó sẽ làm cho cơ quan cấp trên, cụ thể là TAND và UBND sẽ gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết vì không đầy đủ thông tin cần thiết tối thiểu.

Để khắc phục tình trạng trên, địa phương và các ngành có liên quan cần quan tâm lưu ý một số vấn đề sau để góp phần làm cho công tác giải quyết tranh chấp đất đai được hiệu quả: Khi tiến hành hòa giải một vụ tranh chấp đất đai cần thẩm tra, xác minh và tiến hành đo đạc xác định diện tích đất tranh chấp.

Đối chiếu hồ sơ địa chính và các giấy tờ liên quan mà các đương sự cung cấp để xác định thẩm quyền giải quyết tiếp theo nếu kết quả hòa giải không thành; tiến hành hòa giải theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003; trường hợp hòa giải không thành thì cần xác định cụ thể căn cứ pháp lý  của phần đất tranh chấp để chuyển đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp theo…

 NGUYỄN THANH BÌNH
(Sở Tài nguyên - Môi trường)

.
.
.