Thứ Ba, 26/02/2013, 15:08 (GMT+7)
.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang:

Đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ, công chức đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Đồng chí Trương Văn Tuôi - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. 

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết đóng góp nhiều vấn đề quan trọng cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi Luật đất đai.

Về dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992, cán bộ công chức tập trung đóng góp các chương, điều có liên quan đến chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; vấn đề kinh tế, xã  hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường;…

Về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, các ý kiến đóng góp cho rằng dự thảo đã quy định rõ ràng và cụ thể về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tại Điều 121 dự thảo, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã xét duyệt.

Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế cũng được kéo dài đến 50 - 70 năm, gấp trên hai lần so với quy định hiện nay. Đây là một điểm mới, tiến bộ cần được ghi nhận. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần xoá bỏ hạn điền đối với đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho người dân yên tâm, tích cực đầu tư thâm canh, tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tại các Điều 192, 193, 194 dự thảo, có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm các tổ chức xã hội khác (hội, hiệp hội, ngành nghề khác) ngoài Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để những tổ chức này tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề về đất đai liên quan đến ngành nghề và phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức.   

                                                                                  THANH HIỀN

.
.
.