Thứ Hai, 04/03/2013, 13:30 (GMT+7)
.

Một số góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là bước tiến lớn so với bản Hiếp pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp lần này quy định thêm một số điều: Điều 21 quy định mọi người có quyền sống; quyền được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 35); quyền được có nơi ở hợp pháp và Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở (Điều 36); công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 45); Điều 99: “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”...

Cùng với ghi nhận cơ bản nêu trên, tôi có một số ý kiến đóng góp vào một số nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:

Trong LỜI NÓI ĐẦU, Dự thảo nặng về giới thiệu truyền thống hào hùng của dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm nhưng chưa làm rõ mục đích của Hiến pháp và chủ thể quy định Hiến pháp. Do đó, tôi thấy cần nêu mục đích của Hiến pháp này là nhằm thực hiện việc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; tự do, hạnh phúc của nhân dân; các quyền tự do cơ bản của người dân; những nguyên tắc cơ bản của chế độ, hình thức tổ chức và cơ chế hoạt động của ba nhánh quyền lực Nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân nên Hiến pháp là của nhân dân. Trong Hiến pháp, nhân dân là chủ thể, là người quyết định; còn Nhà nước là đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp. Cho nên, trong LỜI NÓI ĐẦU, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa cho ngắn gọn, súc tích, khái quát được tinh thần của Hiến pháp.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 2, đề nghị thay câu: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trên nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội”. Bởi vì:

- Nếu xác định “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là nền tảng quyền lực nhà nước của nhân dân thì sẽ không đầy đủ, vì trong xã hội ta không chỉ có giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, mà còn có các lực lượng xã hội khác cũng rất to lớn cùng chung sống, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ: “Hiến pháp Việt Nam phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Chúng ta cần vận dụng quan điểm này vào Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Về Điều 4 cần bổ sung theo hướng làm rõ nội dung và nâng cao (a) vai trò Đảng lãnh đạo, (b) bản chất của Đảng và (c) trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, đối với nhân dân sao cho phù hợp với những đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới. Bởi vì:

- Cần có sự đánh giá một cách khách quan để thấy hoàn cảnh nước ta khác với nhiều nước khác ở chỗ nước ta từ chỗ bị nô lệ, nghèo nàn, lạc hậu đến vị trí một quốc gia độc lập, thống nhất, được thế giới tôn trọng và cuộc sống của nhân dân được cải thiện về mọi mặt như ngày nay là gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng.

- Dự thảo đã có bổ sung khoản 2 và 3 rất quan trọng mà Hiến pháp 1992 chưa thể hiện được, đó là:
“Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” và “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Toàn Đảng và mỗi đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 Hiếp pháp sửa đổi như nêu trên, chắc chắn sẽ tạo thêm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng. Vì vậy Điều 4 vô cùng hệ trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định trong Hiến pháp.

Về khoản 3 Điều 58 có ghi: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Khái niệm “vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” là không rõ nghĩa, thiếu cụ thể, dễ tạo nên nhận thức mơ hồ, tạo kẻ hở để lạm quyền trong việc thu hồi đất sai trái như một số trường hợp đã xảy ra trước đây, dẫn đến khiếu kiện ở nhiều cấp và kéo dài, gây bất ổn xã hội.

Về  Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung Điều 66 một khoản nói về: Triết lý giáo dục Việt Nam để định hướng phát triển thành một nền giáo dục hiện đại mang tính nhân bản, dân tộc và hội nhập quốc tế.

Về  Điều 99 (sửa đổi, bổ sung Điều 109) ghi: “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Hiến pháp 1992 đã quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Nhưng cơ quan nào là hành pháp, cơ quan nào là tư pháp thì Hiến pháp hiện hành vẫn chưa quy định. Điều 109 Hiến pháp hiện hành xác định Chính phủ là “Cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất”, chưa quy định Chính phủ là cơ quan hành pháp.

Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai quyền: hành pháp (executive) và hành chính (administration). Hành chính là chấp hành và điều hành chính sách, gắn với hoạt động tác nghiệp mang tính mệnh lệnh quyền uy của quản lý nhà nước.

Hành pháp là khởi xướng, hoạch định xây dựng chính sách mang tính chủ động gắn liền với hoạt động của các chính khách ở tầm quốc gia.

Vì thế hoạt động của Chính phủ là hoạt động vừa mang tính chất khởi xướng, xây dựng chính sách quốc gia (chức năng hành pháp) lại vừa phải chấp hành và điều hành chính sách quốc gia sau khi được thông qua (chức năng hành chính nhà nước).

Như vậy, Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội như Điều 99 trong Dự thảo sửa đổi là phù hợp.

Ngoài các góp ý nêu trên, tôi nhận thấy trong Dự thảo này còn có chỗ chưa bảo đảm hiến văn nên có nhiều mệnh đề chưa hoàn chỉnh, chưa rõ nghĩa, khó hiểu, dễ hiểu sai, dẫn đến thực hiện sai, chẳng hạn như:

- Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50)
 Ở khoản 2 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Tôi cho rằng, quyền con người là những quyền tự nhiên do tạo hóa ban cho con người, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Các quyền này là đương nhiên, không một Hiến pháp hay thể chế nào có thể xóa bỏ hay hạn chế được, chỉ có quyền công dân là bị hạn chế. Ví dụ: quyền tự do tín ngưỡng là quyền con người, quyền tự do ngôn luận là quyền công dân. Nên bỏ cụm từ “Quyền con người” ở đầu khoản 2 này.

- Quy định: “Mọi người có quyền sống” (Điều 21). Viết như thế này thì chưa đầy đủ và trọn nghĩa. Nếu Hiến pháp quy định như vậy thì khi bị tòa án tuyên án tử hình là vi hiến? Theo tôi, trong lúc chúng ta chưa xóa bỏ án tử hình thì có thể quy định rõ hình phạt tử hình để xét xử và xử phạt những tội nghiêm trọng.

- Điều 29 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)
Ở khoản 2: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Tôi đề nghị thay cụm từ: “Nhà nước tạo điều kiện” bằng cụm từ: “Nhà nước có cơ chế” để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Điều 67 (sửa đổi, bổ sung Điều 37, Điều 38)
Ở Khoản 3, cụm từ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi” cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ thay bằng cụm từ: “Nhà nước có cơ chế, chính sách” cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ. Bởi vì cụm từ “tao điều kiện” ở đây không rõ cả định tính và định lượng, hiểu sao cũng được, tạo điều kiện tới đâu hay tới đó, không có tính ràng buộc về pháp lý nên thiếu thống nhất để thực hiện.

Điều 45 (mới)
“Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”, nhưng thiếu quy định không dùng tiếng mẹ đẻ trong những trường hợp nào. Trong khi Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) ở Khoản 3 quy định “ Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”.

Ths. NGUYỄN BÌNH LUẬN

.
.
.