Thứ Sáu, 14/03/2014, 06:58 (GMT+7)
.

Quyền tham gia quản lý Nhà nước của công dân theo Hiến pháp 2013

Ngoài hình thức gián tiếp (đại diện) Hiến pháp 2013 còn quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước trực tiếp như thông qua hình thức trưng cầu ý dân.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Hải Minh
PGS.TS Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Hải Minh

Để làm rõ hơn nội hàm của Điều 28 về quyền của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, xung quanh vấn đề này.

Theo ông Thảo, Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Điều 6 Hiến pháp 1992 quy định nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Đây là hình thức dân chủ đại diện.

Hiến pháp 2013 bổ sung thêm hình thức dân chủ trực tiếp, bên cạnh việc khẳng định lại nội dung của Điều 2 Hiến pháp 1992.

Dân chủ trực tiếp có thể thực hiện thông qua hình thức trưng cầu ý dân, được quy định tại khoản 15, Điều 70.

Cụ thể hơn, theo khoản 8, Điều 74, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc chia tách, sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (vốn trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ). Thường vụ Quốc hội quyết định nhưng phải chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân.

Trong khi đó việc sáp nhập, chia tách địa giới hành chính cấp tỉnh do Quốc hội quyết định. Quốc hội cũng phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Trưng cầu ý dân còn được quy định trong trường hợp sửa đổi Hiến pháp, được quy định tại khoản 4, Điều 120.

Ở một số nước, Hiến pháp chỉ quy định trưng cầu ý dân đối với một số vấn đề lớn có tầm quốc gia nhưng ngược lại cũng có nước chỉ trưng cầu ý dân đối với các vấn đề của địa phương (nước Liên bang).

Trưng cầu ý dân là hình thức để công dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước và xã hội một cách trực tiếp.

Mở rộng hình thức dân chủ đại diện

Công dân có thể tham gia quản lý Nhà nước và xã hội theo nhiều hình thức khác nhau theo quy định của Hiến pháp 2013.

Trước hết, cũng giống như Hiến pháp 1992, công dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước thông qua đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Công dân thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để quản lý Nhà nước và xã hội.

Khi được bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người đại biểu phải liên hệ mật thiết với cử tri, qua đó để người dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước của mình.

Thứ hai, công dân có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan này có trách nhiệm trả lời trước dân vì những cơ quan này đều gián tiếp được nhân dân trao quyền.

Thứ ba, tại  điều Điều 4, ngoài quy định bản chất, vị trí, vai trò của Đảng tại khoản 1 thì khoản 2 quy định rõ trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì thế nhân dân có quyền giám sát Đảng.

Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên người dân muốn thực hiện quản lý Nhà nước và xã hội thì ngoài việc thông qua cơ quan Nhà nước, còn phải thông qua Đảng.

Thứ năm, Điều 8 quy định các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức phải tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân và liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Thông qua mối liên hệ đó, công dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước và xã hội.

Thứ sáu, Hiến pháp 2013 quy định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị-xã hội, cá nhân...; tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; giám sát, phản biện xã hội… trong khi đó, người dân là thành viên của các tổ chức này. Vì vậy, thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, công dân thực hiện việc quản lý Nhà nước và xã hội.

Chế độ báo cáo

Để tham gia có hiệu quả vào việc quản lý Nhà nước và xã hội, Hiến pháp quy định các cơ quan công quyền có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Đối với cơ quan hành pháp, khoản 6, Điều 98 quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ  trưởng cơ quan ngang bộ, ngoài việc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn phải thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thể báo cáo nhân dân theo nhiều hình thức khác nhau.

Đối với chính quyền địa phương, Điều 110, khoản 2, việc giải thể, nhập, chia, thành lập đơn vị hành chính từ cấp tỉnh xuống huyện xã, phải lấy ý kiến nhân dân địa phương theo trình tự luật định.

Điều 116 thể hiện mối quan hệ giữa UBND, HĐND với các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. HĐND, UBND có trách nhiệm thông báo thường xuyên tình hình của địa phương cho các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. Qua đó, công dân biết và nắm được thông tin và tham gia vào quản lý Nhà nước. Đây là hình thức đề cao vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên mà người dân là thành viên của các tổ chức đó; là sự ràng buộc, cam kết chính trị, trách nhiệm pháp lý của cơ quan công quyền.

Để người dân thực hiện được các quyền trên, Hiến pháp đã hiến định việc Nhà nước tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện quản lý Nhà nước.

Muốn để người dân tham gia thì  mọi ý kiến góp ý của công dân phải  được công khai, minh bạch.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.