Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và lần thứ III của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II
Sau 16 năm kể từ Đại hội lần thứ I của Đảng, tình hình nước ta có những chuyển biến căn bản. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân ta từ người mất nước lên làm chủ đất nước, nhưng do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta lại phải tiếp tục đứng lên đánh giặc để bảo vệ nền tự do, độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951). Ảnh: TL |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2-1951. Về dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên trong Đảng bộ toàn Đông Dương.
Đại hội đưa ra những văn kiện quan trọng: Diễn văn khai mạc Đại hội do đồng chí Tôn Đức Thắng đọc; Báo cáo hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (tức là bản Chính cương cách mạng Việt Nam) do đồng chí Trường Chinh trình bày; Chính cương Đảng Lao động Việt Nam; Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam; Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam là những văn kiện được xem như là Cương lĩnh thứ hai của Đảng.
Cương lĩnh cách mạng Việt Nam là bản Cương lĩnh chính trị mới của Đảng, phân tích tính chất xã hội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp: Dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và phần nửa phong kiến; mâu thuẫn chủ yếu giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược diễn ra quyết liệt dưới hình thức chiến tranh; đối tượng của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bè lũ Việt gian bù nhìn bán nước; xác định nhiệm vụ cơ bản hiện thời của cách mạng là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân; gây cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Điều đó có nghĩa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ phản đế giải phóng dân tộc là trọng tâm, nhiệm vụ chống phong kiến, giành quyền dân chủ tiến hành đồng thời nhưng phải có kế hoạch tiến hành từng bước, nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả 2 nhiệm vụ phản đế và phản phong; cách mạng dân tộc dân chủ do nhân dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội trải qua một thời gian dài gồm 3 giai đoạn, kế tục nhau và quan hệ mật thiết: Kháng chiến tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; cải cách ruộng đất triệt để, phát triển nông nghiệp, công nghiệp dưới hình thức hợp tác hóa, kỹ nghệ hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ II quyết định đưa Đảng ra công khai và lấy tên Đảng Lao động Việt Nam, là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng, thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1960. Có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội. Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế, đại biểu của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tới dự Đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Ảnh: TL |
Đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch Đảng đọc lời khai mạc Đại hội. Người nói, lịch sử 30 năm đấu tranh của Đảng đã dạy cho chúng ta rằng: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết, nhất trí giữa các Đảng cộng sản, giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là các bảo đảm chắc chắn nhất cho cách mạng thắng lợi”.
Người khẳng định: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Người nhắc lại ý chí sắt đá giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước ta: “Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên” và nhấn mạnh “Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn đọc; Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ đọc; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ I do đồng chí Nguyễn Duy Trinh đọc và nhiều tham luận khác.
Báo cáo chính trị đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ II. Báo cáo khẳng định “cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thắng lợi đó đã chứng tỏ rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính Đảng Mác-Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Thắng lợi đó chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập”.
Báo cáo xác định: “Nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
LÊ VĂN TÝ
(còn tiếp)