Nghe dân Lý Sơn kể chuyện can trường bám biển
Buổi sáng đầu tháng 3, tại thôn Tây, xã An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lão ngư Trần Mười, 77 tuổi, người thôn Tây kể cho chúng tôi nghe về sự can trường của ngư dân Lý Sơn trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông kể, ngư trường quần đảo Hoàng Sa có rất nhiều cá, chuyến biển nào cũng thu được hàng chục tấn. Cả đảo Lý Sơn có hơn 400 tàu thì đã có 120 tàu chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa,Trường Sa, nhưng phía Trung Quốc gây khó cho ta rất nhiều.
Ông Trần Mười kể, con ông là Trần Hiền, bị Trung Quốc bắt 6 lần rồi, bị đánh thâm tím cả người, khi thoát về được phải phục thuốc cả tuần mới đi làm được. Dù vậy, ngư dân đảo Lý Sơn vẫn sống chết với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trần Hiền và các bạn của nó vẫn đang đánh cá cách đảo Hoàng Sa chừng 500m.
Ông Võ Văn Nhuận làm vệ sinh cảng Lý Sơn. |
Hai ngày sau, chúng tôi đến cảng cá khi trời chưa sáng. Một chiếc tàu cặp bến bật đèn sáng choang, ngư dân đang chuyển cá lên bờ và giũ lưới.
Trong làng vẫn còn tối mịt nhưng một ông già đội khăn và mũ trùm đầu, vai vác chiếc cào đã lò dò ra bến cảng. Đó là ông Võ Văn Nhuận, 75 tuổi, người làng An Vĩnh. Ông mới nghỉ đi biển 2 năm nay nhưng chiếc tàu của nhà ông và 2 người con trai vẫn đi biển.
Từ ngày xây dựng lại cảng này, ông hợp đồng với bến cảng mỗi buổi sáng ra làm vệ sinh ngoài cảng. Ông dùng cào vun những con cá cơm vụn cho những người phụ nữ gom lại làm mắm và rác thì vun lại cho gọn. Ông phụ những ngư dân giũ tấm bạt, khiêng cá, quét dọn cho sạch bến cảng… công việc chừng hai giờ là xong. Con cháu muốn ông nghỉ ngơi nhưng ông nhớ biển, nhớ tàu, nhớ việc…
Nhìn những cần xé cá cơm từ tàu mang lên, ông nói với tôi, tàu này chỉ ra ngoài 10 hải lý, đánh cá cơm thôi… mà chỉ chừng này thôi thì lỗ tiền dầu. Muốn lời thì phải ra ngoài xa nữa, phải đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa…
Ông cho biết, mỗi con tàu trang bị đủ cả ngư cụ cũng phải trên trăm triệu đồng, chủ tàu và bạn cùng nhau góp vốn rồi mỗi chuyến đánh bắt chia nhau theo tỷ lệ… Con ông cũng đang đánh bắt ngoài ngư trường Hoàng Sa…
Nhìn những chiếc tàu neo quanh bến cảng, tàu nào cũng cắm 3 - 4 lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió lạnh buổi sáng sớm, lòng tôi dâng trào. Như hiểu ý, ông Hai Nhuận dừng tay cào, nhìn lên những ngọn cờ, nói như giảng giải: “Biển của mình thì phải cắm cờ của mình. Đi trên biển mình, treo cờ nước mình thì ngư dân tin rằng mình có thêm sức mạnh của tổ tiên ông bà phù hộ mình làm ăn…”.
Từ lời của một lão ngư trên bến cảng, tôi nhìn những lá cờ mà cảm thấy bình minh trên đảo Lý Sơn thật đẹp…
Ngày 22-3-2012, nhiều tờ báo đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay những ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có tờ báo còn đăng hình thuyền trưởng tàu cá QNg-66074 TS do ngư dân Trần Hiền (32 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh) cùng các bạn trên tàu…
Có báo còn nêu cụ thể thời gian, ngày 1-3, tàu của Trần Hiền rời đảo Lý Sơn ra quần đảo Hoàng Sa hành nghề; sau khi bắt được 3 tấn cá thì ngày 3-3, bị Trung Quốc bắt và đưa về đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) giam giữ; ngày 12-3 thì được gọi điện thoại, nhắn tin về gia đình… Từ thông tin báo chí, tôi nhớ lại hôm nghe lão ngư Trần Mười kể chuyện con ông, thuyền trưởng Trần Hiền. Đây là lần thứ 7 Trần Hiền bị phía Trung Quốc bắt giữ, lần này có thêm 11 ngư dân trên tàu.
Tôi như lại nghe văng vẳng lời lão ngư Trần Mười: “Dù bị bắt, bị cướp phá ngư cụ nhưng ngư dân chúng tôi cương quyết không rời ngư trường Hoàng Sa. Giữ ngư trường là giữ chủ quyền của đất nước mình”.
Tôi cũng nhớ tới lời lão ngư Võ Văn Nhuận trên bến cảng: “Đi trên biển mình, treo cờ nước mình thì ngư dân tin rằng mình có thêm sức mạnh của tổ tiên ông bà phù hộ mình làm ăn…”.
NGUYỄN TRI NHA