Thứ Bảy, 19/05/2012, 20:02 (GMT+7)
.

Một người mấy mươi năm sưu tầm và lưu giữ ảnh Bác

Năm 1958, chú Trần Văn Định (bí danh Sáu Tiến), quê quán xã Mỹ Lợi A (Cái Bè) thoát ly tham gia cách mạng.

Trong thời gian làm bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), người thanh niên này đôi lần được nghe giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiếc radio của các chú lãnh đạo và được nghe các chú đi tập kết ngoài Bắc về kể chuyện Bác Hồ, qua đó sự kính phục Bác cứ lớn dần lên trong trái tim người chiến sĩ cách mạng Trần Văn Định.

Yêu thương, tôn kính Bác, chú tâm niệm sẽ sống và chiến đấu hết mình để xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ.

Chú Trần Văn Định luôn trân trọng và bảo quản cẩn thận tập ảnh Bác.
Chú Trần Văn Định luôn trân trọng và bảo quản cẩn thận tập ảnh Bác.

Đầu năm 1961, chú Định được điều về Tiểu đoàn 261 (Tiểu đoàn GIRON) khi tiểu đoàn vừa mới thành lập. Đến năm 1962, chú được đưa đi học trường Quân sự - Chính trị ở Kiến Tường (nay là tỉnh Long An). Thầy giáo của trường có vài tấm ảnh của Bác đã giới thiệu cho học viên xem. Sau đó chú được người bạn chiến đấu đi tập kết về tặng cho 2 tấm ảnh Bác, cỡ nhỏ.

Đó là kỷ vật thiêng liêng được chú cất trong sắc cót, mang theo suốt bên mình trong những năm tháng chiến đấu. Trong những cuộc hành quân, chống càn khắp các tỉnh khu vực Trung Nam bộ, khi đối mặt với kẻ thù, kỷ vật là 2 tấm ảnh Bác nhắc nhở chú phải kiên trung.

Năm 1967, trong một trận chống càn ở kinh Bằng Lăng, đơn vị của chú bị trúng bom, nhiều người hy sinh và bị thương. Khi chú tỉnh dậy, chiếc ba lô không còn, kỷ vật là 2 tấm ảnh Bác cũng không thể giữ được. Đến bây giờ chú vẫn day dứt mãi vì để mất 2 tấm ảnh Bác trong lúc bị thương.

Sau ngày hòa bình, biết chú còn sống, người bạn chiến đấu trong Tiểu đoàn 261 đang công tác trong ngành Điện ảnh ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến thăm. Hiểu ước mơ của bạn mong một lần gặp Bác nhưng không thực hiện được nên người bạn tặng cho chú bộ ảnh Bác, 40 tấm, cỡ 20x30 cm.

Từ đó đến nay, chú cất kỹ bộ ảnh như là báu vật. Tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì của chú đã bị mối mọt gậm nhấm, nhưng 40 tấm ảnh Bác vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều người biết chú có bộ ảnh Bác nên đến hỏi mượn để xem và nhiều lần chú định đi Hà Nội để được vào Lăng viếng Bác, nhưng rồi cứ bận việc này, việc kia vẫn chưa ra viếng Bác được.

Tấm ảnh Bác cỡ lớn được chú đặt trang trọng trên chiếc bàn giữa nhà để nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải luôn rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.