Chủ Nhật, 05/08/2012, 20:20 (GMT+7)
.

Khu lăng mộ Hoàng gia và giếng nước ngọt trổ điềm lành

Giếng nước ngọt ngay giữa khuôn viên Lăng Hoàng gia, vùng đất bị nhiễm phèn mặn của TX. Gò Công được cho là báo hiệu điềm lành, bắt đầu của dòng họ hoàng tộc.

Chúng tôi thăm Lăng Hoàng gia vào chiều cuối tháng 7. Lăng Hoàng gia vừa được chỉnh trang nên đã thoáng đãng, sạch sẽ hơn nhiều. Khách du lịch trong và ngoài nước đến đây ngày một đông hơn. Điều chúng tôi chú ý hơn cả, ngoài khu lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và khu nhà thờ, còn có một giếng nước nằm ngay bên trong khuôn viên.

Khu mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Khu mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng.

Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.

Tìm hiểu kỹ hơn về giếng nước đặc biệt này, chúng tôi được ông Phan Văn Dũng, người đang trông nom khu lăng mộ kể lại, tục truyền giếng được đào vào đời ông Phạm Đăng Dinh, khi đào nước giếng rất ngọt, gọi là mạch long. Có lẽ giếng nước được đào để lấy nước sinh hoạt cho gia đình Phạm Đăng.

Có điều lạ là đến mùa khô, các giếng khác kể cả ao làng sâu 10m đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng ngay mạch nước nên nước lúc nào cũng có. Ngày xưa, người dân ở xã Long Hưng đều xài nhờ giếng nước này. Điều lạ nữa là khi Hoàng Thái hậu Từ Dụ được sinh ra, nước ở giếng này càng ngọt hơn.

Giếng nước ngọt trong khuôn viên Lăng Hoàng gia.
Giếng nước ngọt trong khuôn viên Lăng Hoàng gia.

Cho nên cụ Nguyễn Liên Phong, trong cuốn sách cổ “Từ Dụ - Hoàng Thái hậu truyện” in năm 1913 có viết 2 câu thơ: Lệ thủy trình tường tội/ Quy khâu vun phước cơ (có người nói là Lệ thủy trình tường ngoại/ Quy khâu trúc phước cơ - NV) nghĩa là: Nước ngọt trổ điềm lành/ Gò rùa vun đất phước), cũng có nghĩa là đất địa linh sinh ra anh kiệt.

“Ngày nay, hầu hết người dân xung quanh khu Lăng Hoàng gia đều có nước sinh hoạt. Giếng này vẫn nằm trong phạm vi di tích, được sử dụng để tưới cây hoặc dùng cho sinh hoạt cá nhân. Hiện nay nước giếng cũng rất ngọt. Giếng không sâu, chỉ khoảng 5m nhưng mạch nước có liên tục, lại không bị phèn. Điều này trái với đặc điểm đất nhiễm mặn, phèn của vùng Gò Công”- ông Phan Văn Dũng cho biết thêm.

Ông Phan Văn Dũng nói với chúng tôi, ngày nay Lăng Hoàng gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng, một dòng họ nổi tiếng ở Nam bộ vào thế kỷ XVIII, XIX. Khu lăng mộ tọa lạc trên gò Sơn Quy (nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công).

Gò Sơn Quy là một giồng đất khá cao có hình dáng như một con rùa nằm. Khi đến Gò Công, Phạm Đăng Dinh đã chọn đất này để sống và các đời kế tiếp của dòng họ Phạm Đăng cũng sinh sống tại nơi đây, đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ XX.

Đặc biệt nhất trong khuôn viên này là lăng mộ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại của vua Tự Đức) có kiến trúc độc đáo. Phần mộ được xây dựng từ năm 1826, hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc nón quan trong triều, khác với những mộ ở Nam bộ. Trước mộ có 4 trụ cách điệu giữa búp sen và chiếc nón. Ngoài ra, bình phong được xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm.

Có thể nói khu Lăng Hoàng gia là một quần thể kiến trúc xưa và lạ, bởi đây là nơi yên nghỉ của dòng họ làm quan nhiều đời và là họ ngoại của các vua nhà Nguyễn.

THẾ ANH
 

.
.
.