Thứ Năm, 18/10/2012, 10:57 (GMT+7)
.

Bánh khọt nhà quê

Nói nhà quê, vì nó khác hoàn toàn với bánh khọt bán trên phố. Từ những thành phố nhỏ đến Tây đô hoa lệ, rồi Sài Gòn hối hả… Bánh khọt mỗi nơi một một kiểu. Chung quy vẫn là bột đó, khuôn đó, lửa đó, chế biến kiểu đó… vậy mà ăn vẫn cứ thấy khác.

Lần về quê gần nhất, tôi tìm cái khuôn bánh khọt mà lâu rồi không dùng đến. Cái khuôn đã bị mẻ miệng, sứt quai, mất nắp, chỉ còn vẻn vẹn cái mình khuôn.

Bảo với mẹ là tôi thèm ăn bánh khọt. Rồi đi chợ mua bột (ngày xưa muốn ăn phải xay bột bằng cối), ra vuông chày tôm, ra vườn hái rau. Vẫn bàn tay mẹ tôi, như ngày xưa bên thau bột lọc vàng ươm, thơm ơ được điểm bởi những hạt đậu xanh, mẹ múc từ muỗng cho vào khuôn. Cái khuôn cũ, nhỏ, mỗi lần chỉ làm được tám bánh.

Lửa cháy từ từ. Cái thứ bánh này phải dùng lửa đốt từ củi mới thơm. Bánh khọt từ từ chín. Từng cái bánh nhỏ cho ra xửng, sắp đều như một bông hoa to.

Ở quê, cách ăn cũng khác bánh khọt phố. Ở đây, tính cộng đồng, tính gia đình còn nguyên như xưa. Cứ làm xong bánh cái đã, rồi cả nhà cùng ăn, chứ không ăn từng dĩa như hè phố.

Xửng bánh làm xong, nhìn mà phát thèm (mà chắc không riêng gì tôi). Bánh khọt nhà quê không nhiều dầu mỡ, mà nhiều đậu xanh trộn vào bột nên ăn ít ngán. Thêm nữa, tôm ở quê cũng nhiều, thứ tôm đất tôm bạc thịt mềm và ngọt, thêm phần hấp dẫn cho nhân bánh. Các loại rau sống dưa leo, cần nước, diếp cá, xàlách… với nước mắm chua loại ngon… cứ từ từ thưởng thức từng cái bánh trên xửng… hoa.

Vùng Nam Trung bộ bánh khọt (bánh căn) nhưn còn đượm thêm con tép, miếng mực trên bánh... đều là sản vật của biển khơi. Nước chan vào chứ không chấm, có đủ các hương sắc, vị riêng như nước cá cơm, cá ngừ, cá hố... hoặc nước mắm thấm, mắm đậu phộng, mắm nêm pha. Và nước chấm như là món chính để... lùa với bánh khọt.

Bánh khọt không biết xuất hiện từ khi nào, không thấy các tài liệu xưa ghi chép lại. Ngay cả trong nhiều quyển sách của nhà văn Sơn Nam viết về văn hóa sông nước miền Tây mà tôi thường đọc cũng không thấy ghi lại. Tôi chỉ nghe cha tôi kể là nó có lâu lắm rồi!

Ờ thì biết vậy. Có điều, bánh khọt nhà quê giờ đây hiếm. Thậm chí kẻ háu ăn như tôi, đi đâu cũng tìm hiểu những món ngon để biết thêm về con người nơi mình đến, không phải lúc nào cũng được thưởng thức bánh quê.

Tôi cất kỹ cái khuôn bánh khọt, xem như một cổ vật trong bộ sưu tập của mình, để sau này có dịp giới thiệu cho lớp trẻ về món bánh gắn với sông nước miền Tây đã góp phần làm nên cái hồn người dân miền châu thổ.

(Theo SGTT)

.
.
.