Đình Phú Kiết với bề dày lịch sử văn hóa
Nằm bên tỉnh lộ 879 và kinh Bảo Định, đình Phú Kiết bật lên như một công trình kiến trúc nghệ thuật - một trong những địa chỉ văn hóa tiêu biểu của huyện Chợ Gạo nói chung và của xã nói riêng.
Với khuôn viên 2.135 m2, đình được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm: Võ ca, Võ quy, Chánh điện... Mái lợp bằng ngói âm dương, bó nền bằng đá ong, nền móng kè cao 80 cm. Ngôi đình tọa lạc tại ấp Phú Lợi A (Phú Kiết, Chợ Gạo).
Trước năm 1819, đình tọa lạc tại ấp Phú Lợi B, sau năm 1819, khi kinh Bảo Định được đào xong, Ban Hội hương đã dời đình về vị trí hiện nay (thuộc ấp Phú Lợi A) để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, tổ chức lễ hội hàng năm và duy trì các sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Đến năm 1841, đình Phú Kiết được 2 Hương chức trong làng hiến đất và đứng ra tổ chức vận động nhân dân trong làng cùng nhau đóng góp nhân lực, tài lực để kiến tạo lại đình.
Đình được xây dựng tương đối quy mô: cột gỗ, kèo khắc chạm, vách ván cây, mái lợp ngói âm dương… Đình Phú Kiết được xây dựng ngoài việc thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, còn là nơi để nhà vua và các quan của triều đình đi kinh lý dừng chân tại địa phương lo việc an dân, cũng như các quan chức địa phương dùng làm nơi hội họp trước khi về kinh chầu vua.
Bên cạnh đó, đình Phú Kiết vào những năm 20 của thế kỷ XX còn được tổ chức Hội Liên Gia trợ táng tại đình. Cũng từ đây, cơ sở cách mạng của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được gầy dựng.
Từ năm 1945-1954, đình là cơ sở hội họp của Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã. Ngày 12-7-1954, sau khi đánh trận bàu Ông Bình, lực lượng du kích địa phương đã về đình họp rút kinh nghiệm.
Từ 1954-1960, đình Phú Kiết là trụ sở và tổ chức hội họp của Hội Nông dân xã. Đến năm 1968, đình là nơi quần chúng nhân dân tổ chức giấu hơn 20 thi thể các chiến sĩ cách mạng hy sinh không để địch lấy xác làm nhục.
Đình Phú Kiết là ngôi đình có giá trị văn hóa, còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử quan trọng đối với nhân dân Chợ Gạo và xã Phú Kiết. Đình là cơ sở cách mạng vững chắc của xã, huyện và còn là vật chứng của sự hình thành và phát triển vùng đất Chợ Gạo và Phú Kiết.
Mặc dù đã trải qua gần 200 năm tồn tại với nhiều lần tu bổ và thay đổi địa điểm nhưng di tích vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu và còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị, đặc biệt là các nghi thức cúng bái từ trước đến nay và nhiều hiện vật quý giá.
Đình hiện còn 6 sắc phong được bảo quản và lưu giữ cẩn thận cho đến ngày nay gồm: 4 sắc phong Thiệu Trị ngũ niên (1845) và 2 sắc phong Tự Đức tam niên (1850); trong đó có 3 sắc phong Đại càn Quốc gia Nam Hải và 3 sắc phong Bảo An Thành hoàng.
Hàng năm, đình có 2 lệ cúng: cúng hạ điền (16, 17-6 âl), cúng thượng điền ( 16, 17-12 âl). Mỗi dịp lệ đình, Ban Hội đình tổ chức nhiều hoạt động lễ - hội sôi nổi và được đông đảo người dân địa phương đến tham gia.
Nhân dịp lễ hạ điền năm nay, Ban Khánh tiết đình long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Trước đó, đình cũng đã được đón nhận danh hiệu cơ sở thờ tự văn hóa. Đây là niềm vinh dự lớn để nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng tâm, góp sức trong việc giữ gìn và trùng tu ngôi đình quý giá này.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, di dời nhưng ngôi đình vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa. nghệ thuật mà các nghệ nhân xưa thể hiện mang đậm bản sắc dân tộc. Qua các tấm hoành phi, câu đối trang trí và các đề tài chạm trổ độc đáo đã phản ánh một cách sâu sắc triết lý phương Đông, có tính giáo lý tâm linh, thể hiện ước vọng cầu mong an cư, lạc nghiệp, quê hương an lành, con cháu đời đời sung túc.
Ngoài những biểu đạt về mặt nghệ thuật còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục văn hóa, đời sống tinh thần mà thế hệ trước để lại; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp đã có từ ngàn xưa của dân tộc ta.
Chính vì lẽ đó, đình Phú Kiết có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân Tiền Giang, góp phần làm phong phú hơn những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mặc dù đã trải qua 3 thế kỷ, nhưng ngôi đình vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống độc đáo cần được chính quyền và người dân địa phương ra sức giữ gìn.
VĂN NGHỆ