Có một tuần phủ Định Tường khi bị kỷ luật thì “dân khóc như mưa”
Danh sĩ Đỗ Quang (1807 – 1866). |
Chức Tuần phủ có từ thời Nguyễn, Tuần phủ là người đứng đầu một tỉnh nhỏ, khác với Tổng đốc là quan kiêm quản vài tỉnh hoặc đứng đầu một tỉnh lớn. Vào giữa thế kỷ XIX, tỉnh Định Tường (nay thuộc Tiền Giang) do dân số còn ít, chưa được xem là một tỉnh lớn. Vị Tuần phủ Định Tường được đề cập trong bài viết này chính là Tiến sĩ Đỗ Quang – một danh sĩ thời Nguyễn.
Đỗ Quang sinh năm 1807 tại làng Phương Điếm (nay là thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông nội Đỗ Quang đỗ Sinh đồ (tú tài) là người đỗ đạt đầu tiên của họ Đỗ tại địa phương. Đỗ Quang đi học khá sớm và học giỏi: 19 tuổi đỗ tú tài (năm 1825), 22 tuổi đỗ cử nhân (năm 1828), 25 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội, tiếp đó vào thi Đình đỗ tiến sĩ năm 1832, cũng chỉ mới 25 tuổi.
Năm 1829, sau khi thi đỗ cử nhân, ông được bổ làm một chức quan nhỏ tại Bộ Binh. Sau khi đỗ tiến sĩ được bổ chức Biên tu ở Viện Hàn Lâm, rồi ở Sở Thực lục, năm 1841 được sung làm Toản tu Quốc sử quán, năm 1845 sung chức Toản tu Ngọc Điệp. Xen kẽ trong những năm 1829 – 1846, do có uy tín lớn về cả học vấn và đạo đức nên được triều đình nhiều lần cử đảm nhiệm các chức vụ chấm thi.
Năm 1856 ông còn được sung chức Kinh Diên Nhật giảng quan, phụ trách việc giảng kinh sách cho vua và các quan. Ông đã hoàn thành xuất sắc công việc khó khăn này, khiến vua Tự Đức ban khen: “Từ khi làm quan Kinh Diên đến nay, giảng bàn nghĩa sách, lời gọn, lý sáng” (1).
Năm 1848 ông được bổ làm Tuần phủ Định Tường. Được tiếp xúc nhiều với nhân dân, ông hiểu và tôn trọng đồng bào Định Tường – vốn là những người từng khai phá mở mang miền đất này với biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Ông nhận ra đồng đất màu mỡ cùng thiên nhiên phóng khoáng và quá trình vật lộn với cuộc sống đã hun đúc nên tính khí người Định Tường nói riêng, người Nam bộ nói chung: cần cù, hào hiệp, xả thân vì nghĩa lớn. Ông đã làm hết sức mình để chăm lo cuộc sống của nhân dân.
Ông năng xuống tận thôn ấp để thị sát tình hình, thông cảm tình cảnh nghèo khổ của dân chúng ở các vùng quê nghèo, chú ý tra xét công việc của quan lại, nghiêm trị bọn cường hào ức hiếp dân chúng. Ông sức cho các huyện phải “rút bớt phiền hà, răn điều hư, làm điều thực, giảm dân công, nhẹ thuế khóa, bớt thu tài lực của dân, lấy việc cố kết lòng người làm gốc”.
Tiếc thay, năm 1850, một sự việc đáng buồn xảy với ông, ông bị kết án là quản lý không chặt, để bọn lái buôn người Thanh trốn thuế. Ông bị kỷ luật, cách chức Tuần phủ và bị triệu về triều để xét tội. Cảm động là ngày ông lên đường về kinh chịu tội, nhân dân chờ sẵn hai bên đường kéo dài cả dặm, níu áo ông mà khóc như mưa. Nhân dân trong tỉnh lo lắng cho ông nhiều người đã rơi nước mắt.
Năm 1851, sau khi điều tra vụ án, vua Tự Đức có sắc chỉ khẳng định nhân cách cao quý của Đỗ Quang như sau: “Nếu không phải là người thường được lòng dân thì làm sao được như thế”(2). Năm 1852, ông được xóa tội và được đưa về Viện Hàn Lâm, ít lâu sau lại thăng chức Viên ngoại, lãnh chức Án sát Nghệ An (năm 1853), rồi lại thăng chức Hồng lô tự khanh, lãnh chức Bố chính ngay ở tỉnh đó (năm 1854).
Tháng 2-1855, nhân việc bồi thường thuế thất thu của vụ án Định Tường năm 1850 được đặt ra,chính Tổng đốc Nghệ An là Tôn Thất Hiệp được triều đình cử vào phúc tra tại chỗ đã dâng sớ xác nhận người bạn đồng liêu của mình như sau: “Đỗ Quang giữ lòng ngay thẳng, liêm khiết trước tiền tài, cảnh nhà thanh bần, xin miễn cho việc bồi thường để giúp giữ tiết thanh liêm” (3).
Sau đó, vua Tự Đức có chỉ dụ xác nhận: “Đỗ Quang làm quan thanh liêm, được mọi người khen ngợi mà phải phạm án, phải bồi thường chỉ vì không khéo biện lý. Hãy miễn cho tất cả để khuyến khích người liêm khiết”(4). Vụ án này, các quan ở Định Tường phải chia nhau bồi thường 300 quan tiền và hơn 100 lạng bạc, riêng Đỗ Quang được miễn.
Về sự kiện Định Tường năm 1850, Giáo sư Vũ Khiêu viết trong văn tế Đỗ Quang tướng công rằng:
“Hiểu dân từ kẽ tóc chân tơ
Thăm dân tận thôn cùng ngõ hẻm
Thương dân nghèo khi vợ đói con đau
Giúp dân khổ khi thóc cao gạo kém
Đường nghĩa nhân vẹn tấm trung can
Việc xét xử lừng danh thiết diện
Trị bọn gian tham
Bênh người lương thiện
….
Ngày về chịu tội, quan lên yên, oan ức ngậm ngùi
Phút tiễn lên đường, dân níu áo khóc than quyến luyến
Công và tội đảo điên đen trắng, hoàn cảnh này vua chúa có hay
Quan với dân thắm thiết cha con, tình nghĩa ấy xưa nay cũng hiếm”
Năm 1860, Đỗ Quang được bổ nhiệm làm Tuần phủ Gia Định khi thành Gia Định đã bị thất thủ vào tay giặc Pháp từ tháng 2 năm 1859. Lúc ông nhậm chức cũng là lúc Nguyễn Tri Phương được cử làm Thống tướng quân vụ đại thần thay Tôn Thất Cáp. Trước đây, Tôn Thất Cáp là tổng chỉ huy mặt trận Gia Định đã án binh bất động, đối phó tiêu cực, bỏ lỡ thời cơ đuổi giặc. Nguyễn Tri Phương là người yêu nước, chống việc chủ hòa, được Đỗ Quang sát cánh trợ giúp.
Tuy nhiên, Nguyễn Tri Phương không nắm bắt được tình thế, không thấy hết sức mạnh của nhân dân, lại thực hành chiến lược “công thủ” đã cũ nên không xoay chuyển được cục diện kháng chiến. Tháng 2 năm 1861 đại đồn thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, phải rút về đồn Thuận Kiều, nhưng chẳng bao lâu đồn Thuận Kiều cũng thất thủ. Được thế, quân Pháp tiến đánh và lấy luôn 3 tỉnh: Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long.
Quân triều đình phải rút về miền Trung. Đỗ Quang không chấp nhận rút lui như thế, ông bí mật ở lại Gia Định, về vùng Tân Hòa (Gò Công) cùng nhân dân đánh giặc. Tại đây, ông hợp cùng Đỗ Trình Thoại (Huyện Thoại), Cử nhân Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tri huyện Âu Dương Lân, Cử nhân Phan Văn Trị… mưu tính việc đánh đuổi thực dân Pháp.
Khi Đỗ Trình Thoại hy sinh trong trận tấn công cứ điểm Sơn Quy – nay thuộc thị xã Gò Công (21-6-1861), Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng bị giặc bắt giết, ông kịp thời báo về triều đình, nhờ vậy mà 3 ông được chép vào sử sách(5). Khi nghĩa quân suy tôn Trương Định làm “Bình Tây Đại Nguyên Soái” để giương cao ngọn cờ chống Pháp, ông được giao chức Đốc biện quân lương, phụ trách công việc mộ tuyển quân, quyên góp lương thảo. Ông thực hiện xuất sắc công việc này. Nghĩa quân có lúc lên tới 6.000 người, địa bàn đánh địch được mở rộng từ Gò Công, Tân An, Mỹ Tho đến Chợ Lớn, Gia Định, có lúc kéo đến tận biên giới Campuchia, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Những chiến công của nghĩa quân Trương Định đều có sự đóng góp tích cực của Đỗ Quang.
Giữa lúc phong trào kháng chiến lên cao thì triều đình Huế tỏ ra bạc nhược, nhường hẳn cho Pháp 3 tỉnh (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn bằng Hiệp ước 5-6-1862, chấm dứt các cuộc khởi nghĩa. Triều đình ra lệnh triệu ông về kinh làm Tham tri Bộ Hộ sung chức Tuần Phủ tỉnh Nam Định. Không chấp nhận lệnh này, ông dâng sớ từ quan. Bài sớ có đoạn:
“Ngày tôi ra về, kẻ sĩ và nhân dân đón chật đường mà nói rằng: Từ nay cha bỏ con, quan bỏ dân, quan về lại làm quan, còn dân thì không được làm dân của triều đình nữa. Tiếng khóc nghẽn đường. Tôi cũng phải gạt nước mắt mà ra đi. Trộm nghĩ, tôi tầm thường, kém cỏi, không có tài cán, nhưng lâu nay quanh quẩn với dân, vốn không dám nghĩ đến ngày được sống trở về. Nay tôi được gọi về, còn nghĩa sĩ nghĩa dân thì không được vì triều đình mà góp sức góp của nữa, không biết đặt mình vào đâu. Như thế là tôi, trên đã phụ triều đình, dưới phụ trăm họ, rõ ràng không thể chối cãi. Nếu lại nhậm chức ở địa phương Nam Định, thì đối với nhân dân Gia Định, biết nói sao đây? Đối với thiên hạ biết nói thế nào? Tôi có chút lòng người biết xấu hổ, nên cúi xin tha cho về vườn ruộng, để cho hả cái nỗi phẫn oán của nhân dân và để còn giữ được cái tiết liêm sĩ của thần hạ” (6) .
Nhận được sớ, vua Tự Đức cho Đỗ Quang vào bệ kiến ở điện Văn Minh và ân cần dụ rằng: “Trẫm đã biết tấm lòng của Đỗ Quang ngươi rồi. Đỗ Quang ngươi cũng phải biết lòng Trẫm mà không nên như thế”(7). Lời thỉnh cầu của Đỗ Quang không được phê chuẩn. Ông đành phải làm Tham tri Bộ Hộ, rồi chuyển sang Tham tri Bộ Hình.
Năm 1865 ông được cử làm Tuần phủ Lạng Sơn – Cao Bằng. Tháng 5-1866, công việc biên cương hoàn thành, ông dâng sớ xin về dưỡng bệnh và chăm sóc mẹ già, tháng 8-1866 đơn của ông mới được chấp nhận, cũng là lúc ông bị bệnh nặng, ngày 15-9-1866 thì ông mất tại quê nhà, thọ 60 tuổi.
Khi ông từ trần, vua Tự Đức có sắc dụ, trong đó có đoạn:
“Cố Tuần phủ Đỗ Quang, nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều ngoài trấn, thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng. Từ Nam ra Bắc, mấy bận bôn ba, vất vả, tiều tụy, khổ ải, gian nan. Người người đều ca ngợi, Trẫm đang chờ sử dụng. Nào ngờ tuổi qua hoa giáp, liền theo sao Vỹ, sao Cơ. Thực đáng có bậc, có ngôi, để cho núi sông an ủi”.
Đỗ Quang làm Tuần phủ Định Tường không lâu, nhưng để lại dấu ấn thật sâu đậm, một vị quan mà khi bị kỷ luật thì dân Định Tường “đã khóc như mưa”.
LÊ ÁI SIÊM
1. Theo “Đỗ tộc gia phả” số VH – 1843, thư viện Hán Nôm. 2,3,4. Theo “Đỗ tộc gia phả” số VH – 1843 – thư viện Hán Nôm. 5. Trong bài “Nghệ Tĩnh nghĩa dũng di văn” kêu gọi nhân dân Nghệ Tĩnh chống Pháp có nhắc gương sáng của 2 người như sau: “Thịt Văn Đạt mà xương Cao Dõng/ Thác nào ai hổ mặt với giang sơn” 6. Dẫn theo “Văn thơ yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858 – 1900), NXB Văn học, H.1970, tr 126 – 127. 7. Theo “Đỗ tộc gia phả” số VH – 1843 – thư viện Hán Nôm. |