Cá rô đồng nấu canh rau nút áo
Mùa này hạn, bọn cá rô mề trên nguồn bắt đầu đói dữ, chỉ chực mưa về là tí tửng xuôi dòng. Con nước rặc trơ đáy nơi đầu nguồn, phù sinh cũng trở nên khan hiếm, cá lớn rình rập cá bé. Oai nhất là lão cá chình rằn lúc nào cũng trực chiến ngoài cửa hang như chờ ai đó. Chẳng có gì để cho cái bụng nhào nặn, phùng mang trợn mắt cũng chỉ no hơi, lão ốm rạc người. Bọn lòng tong, rô, chép… cũng đói dài ngòng ra.
Minh họa: Lê Duy |
Trong lúc này hạt rau nút áo cũng đang đợi mưa. Gặp cơn mưa nào là họ hàng nhà nó tung mền đứng dậy, bật cúc áo cho chồi mầm giương mắt ếch ngó trời.
Chen chúc cùng lũ cỏ xanh sống nơi bờ lạch, dựa hơi mạch nước ngầm, họ hàng nhà nút áo nghênh nghênh sinh sôi phát triển quanh năm.
Người ta dễ nhận ra chúng bởi trái của nó nho nhỏ chùm chùm, khi chín có màu đen óng, to bằng đầu ngón tay út trẻ con, nhìn y chang nút áo the thâm của các cụ đồ Nho xưa. Rau nút áo mọc hoang từ mùa xuân qua hết mùa hạ. Trái nút áo ăn được, có vị chua chua ngòn ngọt. Người ta chọn rau nút áo sắp ra hoa để thu hái, cắt ngắn vừa ăn, rửa sạch để ráo nước trước khi đun nấu.
Người quê, ai mà chẳng biết con cá rô mề. Đó là nguyên liệu để chế biến thành những món ăn và đi vào câu ca dao, tục ngữ rất hay: Cá rô ẩn bóng chân trâu/ một trăm quân tử tới câu không màng. Cá rô ăn móng đường cày/ chuyện khôn chuyện dại xin bày cho em. Hay: Cá rô ăn móng trong lùm/ biết ai nhân ngãi chỉ giùm cho em…
Cá rô mề mùa nước dâng đen bóng mập ú, thịt trắng ngần béo ngậy. Lựa những con to mua về rửa sạch nhớt bằng tro bếp, mổ bụng bỏ ruột bỏ bao tử, chỉ để lại mỡ. Nấu nước cho sôi thả cá vào. Cá chưa chết hẳn gặp nước sôi giẫy đành đạch, co quắp lại, mắt trắng dã. Nêm tí muối, tí bột ngọt, ít mắm ngon cùng vài trái ớt chỉ thiên. Đợi nước sôi bùng lên trở lại, để lâu lâu một chút cho cá chín, bởi loại cá này già bà cố. Cá chín cho rau nút áo vào vá đè cho ngập nước, rau chín có màu xanh đậm là tắt bếp ngay.
Đến đây thì bạn biết phải làm gì rồi. Nếu nhà chỉ toàn đàn bà con nít thì xúm xít bên mâm cơm thỏa thích đánh chén. Món này ăn với bún cũng ngon nhưng phải có thêm chén mắm ớt cay xé màng tang mới khoái. Còn nam nhi chí khí thì chẳng lẽ như kỳ vô phong, cũng phải dăm ly cuốc lủi cho mặt mũi rạng rỡ anh hào.
Phụ nữ quê tôi gọi món này là canh “tiến vua” bởi ăn xong thì tha hồ vua quậy, chẳng cho ai ngủ ngon giấc. Nước canh này ngọt hết biết, cứ như là bồ đào tiên tửu nên người thưởng thức nó cũng phải có phong thái riêng. Cái phong thái dù nho nhã cấp mấy nhưng ăn không đúng cách thì cũng chẳng tân kỳ ý vị gì.
Trước hết phải gắp cá ra dĩa, nhìn xem... nó cong vòng ú nĩnh thịt trắng bong, mỡ rịn váng dầu, nước thèm chừng chực dâng trào. Nuốt ực cái thèm đi. Từ tốn gắp đũa rau nút áo bỏ vào chén mình, chan chút xíu nước. Ăn thong thả để cho cái hương đồng gió nội thấm vào cổ họng mát rượi. Chắp chắp lưỡi để nghe cái vị ngọt có hậu dữ lắm đang lan tỏa khắp ruột gan.
Tiếp đến là đưa cay bằng hớp rượu để cho âm dương trời đất giao hòa. Lắng nghe cái sướng chạy rần khắp thân thể. Gắp một đũa cá chấm nước mắm rồi cho vào miệng nhai ngấu nghiến với miếng ớt chỉ thiên để biết thế gian này còn có cái vị béo ngọt rất chi là đáng yêu mà đâu phải giàu sang mới có được. Thêm một gắp rau nút áo nữa là đủ một chu kỳ thưởng thức. Nó trao cho thực khách tất cả tinh túy của vũ trụ bằng hương vị quốc hồn, quốc túy mà món canh ngon mát trời ông địa này mang lại.
Sở dĩ phải thưởng thức tuần tự: rau - rượu - cá - rau là vì nếu làm ngược lại bạn sẽ cảm thấy chưng hửng ngay lập tức. Do cá đang nhai ngồm ngoàm mà hớp rượu vào thì tiếc cho cái mùi vị của nó lắm mà lại chẳng nho nhã tí nào.
Cứ rỉ rả mà ăn, mà uống cho tới khi chẳng còn tí gì trên chén, trên mâm mà không ngán mới là lạ, mới đạt tới thượng thừa của sự hảo hảo.
Mùa mưa sắp về, những món ăn dân dã đang chờ đợi những bữa cơm quê, đạm bạc nhưng ngon hết biết mà lại no lòng.
Có tiền đâu phải lúc nào cũng mua được tiên. Giàu quá nhưng chẳng biết thưởng thức hương vị độc đáo của những món ăn dân dã quê mùa vào loại bí kíp “cá rô đồng nấu canh rau nút áo” thì cũng tiếc cho cái giàu lắm lắm.
LÝ THỊ MINH CHÂU