Đậm đà lẩu mắm
Sau thời gian “tung hoành”, bây giờ mắm kho chỉ “quẩn quanh” trong bữa cơm một số ít gia đình vì sự “cạnh tranh” của cái lẩu mắm. Bởi lẩu mắm đã làm một cuộc cách tân ẩm thực nhằm phục vụ những bậc sành ăn.
Thật vậy, lẩu mắm là một thực phẩm được pha chế từ thịt con vật sống trên bờ (thịt heo ba rọi), dưới nước (ốc, lươn, tép, các loại cá: ba sa, ngát, bông lau, chạch, kèo...), cả loài sống ở biển khơi (mực) nữa, cùng với mắm cá sặc hoặc mắm cá linh và sả bằm.
Nhưng, ăn thuần những món này dù ngon cũng chỉ mới ngon có một nửa, vì lẩu mắm đòi hỏi phải có sự đa dạng của những cọng rau quê nhà.
Đặc biệt, ở Cần Thơ có một lẩu mắm với “thập cẩm” rau phong phú lên đến hơn 20 “vị”, đầy vun một đĩa lớn với nào là càng cua, rau dừa, cải xanh, hẹ, rau đắng, rau mác, mướp, rau muống, rau ngổ, tần ô, ngò gai, ngò om, ngó sen, cần ta, cải bắc thảo, cà phổi, bông súng, đậu rồng, bắp chuối, đọt chiếc, khổ qua,...
Tất cả loại rau trên làm nổi bật cái màu trắng đục sữa của những cọng giá mập mạp, cái màu trắng mịn màng của những cánh bông so đũa “khép nép” nằm ở một góc dĩa, tràn lên trên hết là cái màu vàng ngọt mắt như nắng phương Nam của những cánh bông bí rợ, bông điên điển mùa nước nổi.
Để thưởng thức, rau được gắp hoặc bứt bằng tay từng khúc cho vào nồi lẩu đang sôi sùng sục trên bếp lửa, tỏa hơi mờ mịt cùng mùi thơm “nức mũi” của mắm cá lan xa. Dùng đũa khuấy đều các loại rau trong lẩu, liệu chừng chúng hơi héo thì gắp ra ngay, cho vào miệng. Nóng. Nhưng vừa ăn vừa lắng nghe vị ngọt của rau này hòa vị đắng của rau nọ, giòn giòn, lại điểm xuyết thêm vị cay nồng thơm của ớt hiểm xanh và vị cay ấm của sả bằm. Phải nói ăn tươm mồ hôi, chảy nước mũi mới “đã” cái thần hồn, dù là ăn trong một chiều đông lạnh giá hay trong một ngày hè oi bức nóng.
(Theo nld.vn)