Nhà sư cách mạng và ngôi chùa cổ
Hằng năm cứ mỗi độ Thu về, là người ta liên tưởng về cái ngày trọng đại lịch sử thời Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, thời Cộng sản nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Trong đó có ngôi chùa và nhà sư yêu nước tham gia hoạt động cách mạng đã để lại một dấu ấn lịch sử cho đời sau ngưỡng mộ.
Chùa Phước Lâm được trùng tu khang trang. |
Thuở xưa, Thân Cửu Nghĩa là vùng đất rộng, có 3 đơn vị hành chính (tức 3 làng). Làng Thân Nhơn có 4 ấp: Thân Đạo, Thân Đức, Thân Hoà và Thân Bình (đặt theo chữ: Đạo Đức, Hoà Bình). Còn lại 4 ấp: Cửu Hoà, Cửu Viễn (1 làng) Ngãi Lợi, Ngãi Thuận (1 làng). Sau này sát nhập thành tên xã Thân Cửu Nghĩa.
Chùa Phước Lâm toạ lạc ấp Thân Đạo (Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành). Chùa đã có lâu đời, từ năm 1933 đến năm 1940 hệ phái đề cử Thầy Vảng (không rõ họ) làm trụ trì. Nơi đây đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, thầy Vảng là vị Hoà thượng và là người đảng viên cộng sản hoạt động rất tích cực thời ấy.
Theo lịch sử của chùa ghi lại: Vào năm 1929, Hoà thượng “Thành Đạo” ở chùa Sắc Tứ Xoài hột (Thạnh Phú) cùng đồng chí Dân Tôn Tử đến chùa Phước Lâm chủ trì cuộc họp với các ông: Nguyễn Văn Chương (Bổn Chương), Kế Chi, Tạc, Túc, Ký, Xưa và thầy trụ trì Vảng để bàn kế hoạch củng cố tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” (là tổ chức tiền thân của Đảng). Sau đó thành lập hội “Chấn hưng Phật giáo” hoạt động che mắt kẻ thù. Hội đã cử đồng chí Tạc làm Hội trưởng, đồng chí Túc làm Phó Hội trưởng.
Cùng lúc đó, tu bổ lại chùa, tạc 3 pho tượng Phật lớn và thành lập Hội “Trợ táng”. Đây là nơi tổ chức tuyên truyền, vận động kết nạp Hội viên, gây ý thức về Đảng. Chẳng bao lâu Hội đã thu hút được trên 100 người tham gia. Tiền hội phí được dùng vào xây dựng nhà giàn, để lo việc tống táng khi có người qua đời (trong đó có gia đình đảng viên). Nhà giàn do đồng chí Hai Chi làm mộc, đã trang trí hoa văn thật tinh xảo (trong đó có cả cờ búa liềm).
Chi bộ đã biến những ngày lễ vía lớn trong năm, ngày sóc vọng hàng tháng để hội họp tuyên truyền. Nơi đây cũng là điểm xuất phát nhiều vụ đấu tranh với bọn đế quốc và cường hào ác bá. Mà nổi bật phải kể đến là cuộc kéo biểu tình ban ngày (tháng 6-1937) từ chùa đến Chợ Bưng (Tam Hiệp), đòi giảm thuế - giảm tô đạt thắng lợi.
Chính vì hoạt động khá mạnh, khiến cho bọn đế quốc và tay sai luôn rình rập. Một hôm chùa đang mở cuộc họp bàn việc chuẩn bị lực lượng đấu tranh, tham gia khởi nghĩa thì bị địch bao vây bất thình lình, đồng chí Ký trốn không kịp nên tự sát để không sa vào tay giặc. Còn Thầy trụ trì Vảng bị chúng bắt đưa về công sở (tại đình ấp Cửu Viễn bây giờ), tại đây bọn chúng tra tấn, đánh đập dã man thầy đến chết rồi vùi xác, cho đến nay chưa tìm được.
Sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa, Chi bộ bám nơi đây để củng cố về tổ chức, bàn kế hoạch hoạt động tiếp theo. Song do địch bố ráp bao vây, các đồng chí tứ tán, cuối cùng bị địch bắt bớ tù đày và tất cả đều hy sinh.
Bà Nguyễn Thị Thập, ông Nguyễn Văn Trọng (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho) và ông Dân Tôn Tử xác nhận chùa Phước Lâm là nơi tu hành lâu đời, khi có Đảng, các đồng chí tranh thủ tập hợp quần chúng đấu tranh cách mạng và là nơi hội họp của ta ở vùng này từ năm 1930 đến 1939. Đến năm 1940 cũng tại ngôi chùa này, các đồng chí lãnh đạo chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Trên đây cho thấy hào khí Nam kỳ khởi nghĩa, nhà sư và ngôi chùa cổ đã có một thời oanh liệt, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Chùa Phước Lâm giờ đây được trùng tu lại khang trang; được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa.
ANH TUẤN