Tờ Tương phân và gốc tích ngôi nhà trăm tuổi
Bao năm nay nhiều người cho rằng ngôi nhà cổ với nhiều nét độc đáo đang tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng, TX. Gò Công (nhà Đốc Phủ Hải) do bà Trần Thị Sanh xây cất đầu tiên. Theo lịch sử ghi lại, cuối thế kỷ 18, khu đất mà ngôi nhà tọa lạc nằm trong địa giới khẩn hoang lập ấp của dòng họ Trần. Đến giữa thập niên 1860, bà Trần Thị Sanh cho đắp nền, cất một ngôi nhà chữ đinh ba gian, lợp lá. Ít năm sau, nhà được sửa sang, lợp ngói âm dương, cơ ngơi khang trang để chuẩn bị làm đám cưới con gái bà (bà Dương Thị Hương) với cậu cử Huỳnh Đình Ngươn.
Toàn cảnh nhà Đốc Phủ Hải. |
Sau này, bà Trần Thị Sanh đã thọ giới quy y và giao quyền trông nom ngôi nhà cho con gái và rể (bấy giờ Huỳnh Đình Ngươn đã làm Tri huyện Trường Bình). Vào khoảng năm 1880-1885, Huyện Ngươn cho tôn tạo lại ngôi nhà khang trang, rộng đẹp, nguy nga có tiếng để dưỡng già. Khi ông qua đời, bà Dương Thị Hương ở với con gái út là Huỳnh Thị Điệu, cho nên người ta gọi là nhà Bà Huyện.
Vào những năm 1895-1900, phong trào xây dựng dinh cơ nổi lên ở Gò Công, các đại gia tranh nhau khoe khoang nhà cửa. Bấy giờ ông Huyện Hải (chồng bà Huỳnh Thị Điệu) có chút tân học lại có tài sản lớn nên đã xây dựng thêm tiền sảnh ngôi nhà theo kiểu “Roman”, xây hai bên thêm hai nhà vuông đông tây du, tô điểm sang trọng nhất hạt Gò Công. Ông lại đi du lịch nhiều nên mua sắm nhiều đồ đạc, bàn ghế toàn các loại quí và có tính thời thượng bấy giờ.
Đến những năm 1909 – 1917, ngôi nhà được tu bổ thêm xây tường, làm hàng rào sắt Tây 3 mặt và phần sau xây thêm lẫm lúa to lớn. Trong đợt tu sửa này đã tốn hết 10.000 giạ lúa. Toàn cục ngôi nhà thành thể cách nội công ngoại quốc rất đặc biệt. Địa cuộc bên ngoài chính phương triều đẩu (triều về hướng chính Bắc) còn trong “trung đường sinh bối điện nam cô” (Giữa nhà mở cửa sau lưng quay về phương Nam một cõi giang sơn).
Giai đoạn 1926-1928, ngôi nhà có tu sửa lại chút ít sơn phết nhưng không đáng kể. Như vậy, nhiều lý thuyết cho rằng, ngôi nhà này khởi đầu từ bà Trần Thị Sanh, là vợ chánh thứ nhì của Trương Định, truyền cho con gái là Dương Thị Hương và Huỳnh Đình Ngươn.
Rất nhiều vật dụng trong nhà vẫn được giữ nguyên cho đến nay. |
Thế nhưng, khi tìm tư liệu về TX. Gò Công, chúng tôi tìm được Tờ Tương phân của bà Dương Thị Hương được lập vào ngày 13-2-1897, nhằm phân chia tài sản cho các con của bà. Trong Tờ Tương phân này đã chỉ ra gốc tích ngôi nhà độc đáo này.
Trong Tờ Tương phân, bà Dương Thị Hương đã ghi:“Về phần thực của Huỳnh Thị Điệu, trong miếng đất thổ trạch 0 ha, 35 a, 00 ca tại làng Thành phố, tôi có cất một căn nhà ngói 3 căn 2 chái cây căm xe có đủ nhà bếp, nhà lẫm và trong nhà đều có đủ đồ từ khí và vật dụng, thì tôi cũng cho Huỳnh Thị Điệu luôn theo miếng đất”.
Tờ Tương phân của bà Dương Thị Hương |
Liên quan đến chi tiết này, Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, người nhiều năm nghiên cứu về lịch sử TX. Gò Công, trong cuốn sách vừa xuất bản có tựa đề Gò Công Vọng tiếng đất lành cũng ghi:
“Trong Tờ Tương phân gia sản của bà Dương Thị Hương, là con riêng của bà Trần Thị Sanh, tức bà Huyện Đình Ngươn, mẹ của bà Phủ Nguyễn Văn Hải thì miếng đất nhà bà Phủ Hải nguyên là miếng đất có diện tích 35 sào do con Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng bán vào ngày 18-4-1889 cho bà Huyện Ngươn.
Bà Huyện Ngươn chia phần cho con gái út là Huỳnh Thị Điệu, tức bà phủ Nguyễn Văn Hải. Ông bà Phủ Hải cất ngôi nhà hiện tại vào năm 1909. Miếng đất này không dính dáng gì đến bà Trần Thị Sanh, là mẹ của bà Huyện Ngươn, vì bà Sanh chết năm 1882”.
Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc nói rằng, nhờ các chi tiết này cho ta biết nhà ông bà Phủ Hải cất trên đất bà Huyện Ngươn mua của Hai Miêng năm 1889, không phải cơ ngơi của bà Trần Thị Sanh để lại, vì bà đã chết từ năm 1882.
Như vậy, gốc tích của nhà Đốc Phủ Hải nổi tiếng hiện nay vẫn còn tranh cãi. Nhưng dẫu sao, ngôi nhà này hiện vẫn có một giá trị nhất định. Ở Việt Nam hiện nay khó tìm được ngôi nhà có lối kiến trúc theo “nền văn minh thảo mộc” kết hợp hài hòa với kiến trúc “Roman”, cũng như sự bảo tồn hoàn chỉnh như ngôi nhà này.
Giờ đây, nhà Đốc Phủ Hải là công trình kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 921 ngày 20-7-1994.
Ông Phan Văn Minh, người đang trông nom Nhà Đốc Phủ Hải cho biết, từ khi vào làm nơi đây, ông không nhớ nỗi đã đón bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, du khảo. Tất cả người tham quan sau khi đến đều có chung cảm nhận: Đây là di tích kiến trúc đặc biệt, độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Bên cạnh đó, Nhà Đốc Phủ Hải còn tiếp nhiều đoàn làm phim đến để dựng cảnh đóng phim…
Kiến trúc độc đáo Ngôi nhà là một công trình chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khuôn, đủ đề tài, thể loại của thế kỷ XIX và một số ở đầu thế kỷ XX. Vào trong nhà tiền đường nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu. Bên cạnh các bao lam là liễn đại tự để thờ, liễn treo trên cột được khảm xà cừ óng ánh, độc đáo với các tích truyện Tàu ngày xưa: Nhị thập tứ hiếu, Văn Vương cầu hiền… hoặc các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam: đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc được các nghệ nhân thể hiện rất công phu. Trên các khánh thờ chạm lưỡng long chầu nguyệt và thếp vàng. Ngoài các khuôn biển, các liễn đại tự, các đôi liễn trên các vách cột, phải kể đến các đồ dùng quí hiếm hiện nay còn để lại như: Tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Giường Tàu (giường Thất Bảo) mặt loát 6 tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ. Hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen… |
THẾ ANH