Thứ Hai, 21/04/2014, 02:25 (GMT+7)
.

Về Xóm Dinh nghe kể về thành tích kháng chiến của cụ Trần Thị Ngọc

Ấp Xóm Dinh trước đây thuộc xã Bình Ân, quận 3, tỉnh Gò Công (đến năm 1950 thuộc xã Long Thuận, TX. Gò Công và hiện nay thuộc xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Nơi đây có 1 địa chỉ đỏ từng là cơ sở hoạt động của Tỉnh ủy Gò Công, Huyện ủy Gò Công Đông, Thị ủy Gò Công… từ những thập niên 1940 - 1950 gắn với ngôi nhà Từ đường của dòng họ Trương và thành tích kháng chiến của cụ Trần Thị Ngọc (thân sinh ông Trương Văn Đẩu, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư quận 3, tỉnh Gò Công và là bà nội của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa).

Lãnh đạo các cấp trong tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng bà Nguyễn Ngọc Việt và gia đình nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Lãnh đạo các cấp trong tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng bà Nguyễn Ngọc Việt và gia đình nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Theo bà Nguyễn Ngọc Việt (Bảy Ngọc Việt), nguyên Ủy viên Khu Tây Nam bộ (T8), Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) giải phóng miền Nam, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công, ấp Xóm Dinh ngày trước là khu dân cư được bao bọc bằng nhiều lũy tre gai, tạo hàng rào bảo vệ cán bộ cách mạng, ngăn chặn bước tiến của quân địch và hạn chế sự lùng sục của bọn mật thám, biệt kích.

Do vậy, thế cách mạng là dựa vào lòng dân. Các hộ dân ở đây đa số thuộc thành phần bần cố nông được cách mạng cấp đất và hầu như nhà nào cũng tham gia kháng chiến hoặc nuôi giấu, che chở bộ đội và cán bộ cách mạng. Đây cũng là trạm liên lạc, đường dây giao liên từ huyện về tỉnh, thị xã, vào nội ô…; là cơ sở hoạt động của Ủy ban Hành chính kháng chiến TX. Gò Công (do đồng chí Nguyễn Văn Mót, còn gọi là Mười Mót làm Chủ tịch), của Mặt trận Việt Minh thị xã (do ông Nguyễn Văn Ngàn làm Chủ tịch). Cũng tại nơi đây, chi bộ đầu tiên của TX. Gò Công được thành lập (năm 1948), do đồng chí Trần Quang Núi (Năm Ai) làm Bí thư.

Về cụ Trần Thị Ngọc, thời điểm năm 1947 - 1948, mặc dù cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhưng bà vẫn bí mật tham gia xây dựng cơ sở nhân tâm, cất giấu tài liệu mật tại nhà. Không chỉ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, bà còn trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp tế giấy in cho Nhà in Ty Thông tin - Văn hóa, tiếp tế thuốc men cho Quân y viện 305 bên Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh hiện nay).

Để qua mắt bọn mật thám, bà mở quán bán tạp hóa tại nhà, thông qua đó khi đi bổ hàng về bán sẽ hợp thức việc mua giấy và thuốc men tiếp tế cho cách mạng (vì thế bà có thêm biệt danh là bà Ba Tiệm). Ngôi nhà của bà trước đây (hiện đã được phục dựng thành ngôi nhà Từ đường dòng họ Trương) là căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công, Xã ủy Long Thuận, nơi hội họp của tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh Gò Công để bàn bạc kế sách tổ chức lực lượng đánh địch.

Đến năm 1949, địch tổ chức đánh phá và lập bót dày đặc ở Gò Công, trong đó Xóm Dinh bị địch càn quét từ nhiều hướng như: Từ bót cầu xóm Sọc, địch càn quét theo Lộ Đá (từ thị xã) qua đường lăng Ông xuống; từ đồn bót bảo an (đóng ở chợ Bình Ân, cầu Sắt), địch tổ chức đánh theo hướng xóm Thích, xóm Bờ Kinh… làm nhiều nhà cửa bị đốt phá, đồng bào bị ly tán, cán bộ cách mạng số hy sinh, số bị bắt tù, đày…

Khi đó, lực lượng ta lui vào hoạt động bí mật. Xung quanh nhà bà Ngọc có gần 20 căn hầm bí mật, là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, kho chứa vũ khí, được ngụy trang dưới dạng bồ lúa, vách đôi, chuồng gà, dưới gốc tre, ngoài bờ ao… Bà và cháu nội trai Trương Minh Nhựt không quản ngày đêm, không sợ nguy hiểm, vừa lo cơm nước cho cán bộ, vừa canh gác, báo động địch đi càn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Trương Văn Đẩu đi tập kết miền Bắc, đồng chí Nguyễn Thị Hòa (vợ đồng chí Đẩu) được Đảng điều động về phụ trách công tác phụ nữ xã Long Thuận và rước cháu Nhựt về ở chung với bà Ngọc. Khi đó, bà Bảy Ngọc Việt thường xuyên lui tới làm việc ở đây và được bà Ngọc bảo vệ, tạo mọi điều kiện để bà hoàn thành nhiệm vụ.

Từ năm 1956, phong trào chống địch tố cộng, chống Luật 10/59 diễn ra quyết liệt, địch tổ chức đánh vào các gia đình cách mạng và quần chúng Xóm Dinh. Chúng truy tìm gắt gao hầm bí mật, các đồng chí phải chuyển địa bàn hoạt động sang các xã Bình Nghị, Tăng Hòa… Năm 1967, bà Ngọc đã già yếu, được đưa về ở với người con gái thứ ba là Trương Thị Bồi, đến tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1969) thì bà mất. 

Trưởng thành từ chiếc nôi cách mạng nên hầu hết con cháu của cụ  Trần Thị Ngọc đều sớm giác ngộ và thoát ly tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nếu như trong đấu tranh là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, không ngại gian khổ, hy sinh thì trong thời bình con cháu bà Ngọc là những người thành đạt, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước, đó là:

Ông Trương Văn Đẩu - người con trai thứ bảy của bà Ngọc, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương và địa phương (nguyên Giám đốc Công ty Than Hòn Gai, Ủy viên Khu ủy Hồng Quảng, Viện trưởng Viện Cơ khí chế tạo máy Hà Nội, Chánh Văn phòng Bộ Điện và Than, Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh…);

Vợ ông là Nguyễn Thị Tư (bí danh Sáu Hòa) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ( xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông hiện có 3 ngôi trường mang tên Nguyễn Thị Tư).

Các con ông gồm: Bà Trương Mỹ Lệ, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên và Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Trương Công Minh, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh; TS. Trương Minh Nhựt, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Nhật Quang, Tổng Giám đốc Công ty Hồng Quang; PGS-TS-Nhà giáo ưu tú Trương Thị Hiền, hiện là Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.  Hồ Chí Minh…

Điều đặc biệt ở gia đình họ Trương qua lời kể của bà Trương Mỹ Hoa là có 3 thế hệ cùng ở chung một nhà lao (Nhà lao Thủ Đức) với tổng thời gian bị bắt, bị giam trong nhà lao là 48 năm.

Bà Bảy Ngọc Việt (bên phải) kể về thành tích kháng chiến của bà Trần Thị Ngọc.
Bà Bảy Ngọc Việt (bên phải) kể về thành tích kháng chiến của cụ Trần Thị Ngọc.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày cụ Trần Thị Ngọc mất và mừng ngôi nhà Từ đường (nhà Tổ) của dòng họ Trương được phục dựng vào ngày 18-3-2014, gia đình bà Trương Mỹ Hoa đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa bà Nguyễn Ngọc Việt với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo 4 huyện, thị phía Đông và xã Tân Đông cùng một số đồng chí lão thành cách mạng.

Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu đã nghe bà Bảy Ngọc Việt kể về những đóng góp của gia đình họ Trương nói chung, bà Trần Thị Ngọc (bà nội của bà Trương Mỹ Hoa) nói riêng trong quá trình đấu tranh cách mạng thời kháng chiến, đã góp phần tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của quê hương Long Thuận anh hùng.

Qua câu chuyện, bà Bảy Ngọc Việt bày tỏ sự trân trọng, tri ân đối với người dân Xóm Dinh cũng như gia đình họ Trương, đặc biệt là cụ Trần Thị Ngọc. Nhân đây bà Bảy đề nghị các ngành chức năng căn cứ vào sự đóng góp to lớn của cụ bà và gia đình họ Trương để đề xuất cấp có thẩm quyền truy tặng danh hiệu, khen thưởng cho cụ theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Trương Minh Nhựt hứa sẽ hỗ trợ, cung cấp tài liệu liên quan và đề nghị xã Long Thuận cùng phối hợp, giúp xã Tân Đông hoàn thành quyển Lịch sử Đảng bộ xã; đồng thời đề nghị chính quyền xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông hỗ trợ gia đình sớm hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Trung ương truy tặng thành tích cho cụ Trần Thị Ngọc và công nhận ngôi nhà Từ đường của dòng họ Trương là di tích lịch sử - văn hóa để gia đình tổ chức trưng bày những hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của cụ Trần Thị Ngọc.

Ông Nguyễn Văn Bon, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đông cho biết: “Thông qua gặp gỡ này, chúng tôi có thêm tư liệu quý báu về cụ Ngọc và gia đình cụ, làm cơ sở để hoàn chỉnh thủ tục đề nghị cấp trên khen thưởng cho cụ Trần Thị Ngọc và bổ sung vào quyển Lịch sử Đảng bộ xã Tân Đông…”.

Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ghi nhận những ý kiến đề xuất của bà Bảy Ngọc Việt cũng như kiến nghị của gia đình bà Trần Thị Ngọc và đề nghị địa phương, cơ sở tiếp tục gặp gỡ, thu thập thêm một số tư liệu, sự kiện liên quan đến cụ Trần Thị Ngọc và gia đình họ Trương thông qua các nhân chứng lịch sử còn sống tại Xóm Dinh, giúp Sở LĐ-TB&XH hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu xứng đáng với những công lao mà cụ Trần Thị Ngọc đã đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.