Thứ Hai, 19/05/2014, 16:11 (GMT+7)
.

Cảm nhận qua chuyến hành trình "xẻ dọc Trường Sơn"

Kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2014), Bộ VH-TT&DL tổ chức Liên hoan Tuyên truyền lưu động toàn quốc với chủ đề  “Huyền thoại một con đường”. Là một thành viên của đơn vị Tiền Giang tham gia liên hoan, xin chia sẻ đôi điều cảm nhận qua chuyến hành trình “xẻ dọc Trường Sơn”.

HÀNH TRÌNH “XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN”

“Trường Sơn đông nắng, tây mưa,
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.

Thật vậy, được tham gia chuyến hành trình này, mới thấy hết được những giá trị lịch sử của tuyến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước).

Đường Trường Sơn hôm nay.
Đường Trường Sơn hôm nay.

Địa điểm được Bộ VH-TT&DL chọn khai mạc liên hoan là tỉnh Bình Phước. Sở dĩ chọn tỉnh này là điểm khởi đầu liên hoan bởi đây là địa phương có đoạn cuối của tuyến Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. “…Ngày 19-5-1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở 1 con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân, tài, vật lực vào, cùng đồng bào miền Nam đấu tranh giải phóng…”.

Để bảo đảm tuyệt đối bí mật của công tác chi viện, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này của Đoàn 559 là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ngày 25-11-1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn Chiến dịch Vận tải, với quyết tâm: Cả Trường Sơn vào trận, khẩu hiệu thi đua “Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn”, “Hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là thắng lợi”. Sự quyết tâm trên đã thôi thúc cả nước vào trận, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vị trí đặc biệt của tuyến đường này, tháng 12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Toàn tuyến với hơn 20.000 km đã góp phần rất lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đang góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Toàn tuyến với 34 di tích lịch sử tại 11 tỉnh, trong đó tỉnh Bình Phước có 2 di tích: Một là, điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu (VK96) nối từ hậu phương miền Bắc, qua 2 tuyến ống Đông và Tây Trường Sơn đến tụ điểm cuối cùng ở Bù Gia Mập, với tổng chiều dài 4.990 km. Hạng mục thứ hai là Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh).

VK98 là mật danh của một trong những kho chứa nhiên liệu cuối cùng của tuyến ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc chuyển vào phục vụ chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây không chỉ là sự ghi nhận những giá trị vô giá của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, mà còn mở ra cơ hội mới để tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trong bút tích ghi Sổ vàng truyền thống bộ đội Trường Sơn xuân năm 1973, đồng chí Lê Duẩn đã viết “...Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... Vinh quang thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại...”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng chia sẻ “... Xa lộ Trường Sơn sẽ là kỳ tích hào hùng của thời kỳ công nghiệp hóa, là sự tiếp nối truyền thống những kỳ tích của Trường Sơn năm xưa và sẽ tạo ra dấu ấn bất diệt cho thế hệ sau này...”.

Lễ xuất quân Hội thi Thông tin lưu động “Huyền thoại một con đường” được tổ chức tại Tượng đài Chiến Thắng Đồng Xoài. Sau lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, tất cả các đoàn chia thành nhiều tổ xuất phát về phục vụ nhân dân các địa phương dọc đường Trường Sơn.

HÁT GIỮA ĐẠI NGÀN

Sau đêm biểu diễn mở màn tại tỉnh Bình Phước, Đoàn lên đường biểu diễn phục vụ nhân dân huyện Cư’Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Từ Bình Phước về Đắk Lắk là một hành trình dài, với nhiều cung đường quanh co uốn khúc. Nhiều đoạn đường đã được thi công hoàn chỉnh, có đoạn đang thi công mở rộng. Hai bên đường nhiều vườn cao su thẳng tắp vươn mình.

Ở vài đoạn đường khác, cả đoàn được ngắm nhìn các vườn hồ tiêu sai trái hoặc ngây ngất trước vô vàn hoa cà phê nở trắng 2 bên đường làm nhiều người choáng ngợp. Đêm diễn tại Cư’Mgar, 6 đoàn của các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam bộ đã mang đến cho khán giả nơi đây một chương trình nghệ thuật với nhiều sắc màu nghệ thuật của các vùng, miền.

Rời Đắk Lắk, Đoàn tiếp tục hành trình đến tỉnh Quảng Nam phục vụ. Đây là đoạn khó khăn và hiểm trở nhất trong tuyến hành trình lần này. Các thành viên trong đoàn đã liên tưởng về tuyến đường này trong thời điểm chiến tranh cách đây hơn 40 năm với điều kiện khắc nghiệt, vậy mà quân và dân ta đã không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, đã ngày đêm mở đường cho từng chuyến xe qua.

Suy nghĩ ấy đã làm cho mỗi thành viên trong đoàn càng tự hào và nguyện với lòng sẽ phục vụ bà con hết mình trong chuyến hành trình này. Đêm đoàn phục vụ tại sân vận động Hà Lam, huyện Thăng Bình bà con đến xem chật kín người. Những tràng pháo tay rộn rã luôn vang lên sau mỗi tiết mục biểu diễn, làm cho mỗi người càng phấn chấn, xua tan mệt nhọc sau chuyến hành trình dài.

Sau đó Đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến tỉnh Nghệ An, nơi khởi đầu tuyến Đường Hồ Chí Minh huyền thoại - nơi có km số 0 của tuyến đường này. Được Ban tổ chức bố trí về thăm quê Bác, tất cả các thành viên trong đoàn vô cùng phấn khởi. Lễ hành hương về quê Bác được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh.

Quảng trường rộng, được thiết kế xây dựng gần giống với Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, nơi có Tượng đài “Bác về thăm quê” thật trang trọng, là tượng đài Bác lớn nhất Việt Nam. Đây là điểm kết thúc chuyến hành trình “xẻ dọc Trường Sơn” lần này. Chương trình của Đoàn Tiền Giang đã vinh dự được Ban tổ chức tặng Huy chương Vàng, tạo cảm xúc thật tuyệt vời trong mỗi thành viên của đoàn.

TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, non sông đã thu về một mối. Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử sau 16 năm viết nên bản hùng ca vĩ đại trên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Năm 1989, Ban Liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn khu vực Hà Nội ra đời với nhiều hoạt động truyền thống tốt đẹp, tập hợp hàng ngàn CCB tham gia. Từ đó, ban liên lạc CCB nhiều địa phương và đơn vị đã ra đời. Tháng 1-2007, Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được thành lập.

Qua 4 năm hoạt động, Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và các ban liên lạc địa phương, đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực: Xuất bản hàng chục đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc, họa ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường mang tên Bác...

Ngày 13-5-2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ngày 4 và 5-7-2011, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ I Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã được tổ chức trọng thể.

Đại hội đã thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động giai đoạn 2011 - 2016, bầu Ban Chấp hành Hội khóa I. Có thể nói, đây là một dấu ấn lịch sử, một mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước về lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ra đời còn có ý nghĩa để các CCB Trường Sơn có điều kiện giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

VĂN NGHỆ

.
.
.