Thứ Bảy, 21/06/2014, 11:19 (GMT+7)
.

Bài 2: Côn Đảo - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Côn Đảo được biết đến như một “Địa ngục trần gian”, nơi thực Pháp, đế quốc Mỹ xây dựng hệ thống nhà tù như thời trung cổ giam cầm những người yêu nước, biến hòn đảo này thành địa ngục trong suốt 113 năm trời. Khám phá Côn Đảo, mọi người càng ngỡ ngàng hơn bởi những sự tích, những địa danh nơi đây đều gắn với những truyền thuyết giàu chất sử thi như những huyền thoại. Và đây còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn.

Trại giam Phú Tường hay còn gọi là chuồng cọp Pháp, nơi giam giữ hàng ngàn tù cách mạng yêu nước
Trại giam Phú Tường hay còn gọi là chuồng cọp Pháp, nơi giam giữ hàng ngàn tù nhân yêu nước.

Như một tình cảm thiêng liêng, ngay sau khi đặt chân đến Côn Đảo, điểm đầu tiên đoàn đến Côn Đảo là đi tham quan trại giam Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn Đảo), nơi có truyền thuyết về hầm xay lúa, Cầu tàu 914, nơi ghi dấu chân lưu đày đầu tiên của hàng chục vạn người tù lên đảo.

Chị Trần Bích Ngọc, Phó Bí thư đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho bồi hồi: “Lần đầu tiên ra thăm Côn Đảo, được tận mắt chứng kiến và sống lại những năm tháng khốc liệt, hiểu biết hơn về những gì mà thế hệ cha ông ta trải qua, thêm biết ơn và tự hào về những con người đã hy sinh vì nền độc lập hôm nay.”

Sau đó, đoàn đến thăm trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò... Trong đoàn đi ai cũng xúc động và lặng người đi khi tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng bằng một hệ thống các nhà tù hết sức dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong số những tù chính trị bị giam cầm có những tên tuổi mãi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Tôn Đức Thắng, Võ Thị Sáu... cùng biết bao đồng chí cộng sản, những cái tên đã đi vào lịch sử.

Thầy Phạm Văn Huýt, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Tân Phước chia sẻ: “Những hình ảnh từ trước đến nay chúng tôi chỉ được nghe, thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế. Tận mắt chứng kiến hệ thống nhà tù, mới cảm nhận hết được ý chí kiên cường của người tù cách mạng”.

Tận mắt chứng kiến và qua lời kể của những cựu tù chính trị Côn Đảo, chúng tôi lặng người trước những câu chuyện kể về tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hy sinh… với niềm cảm phục, tự hào. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ chúng ta hôm nay.

Hôm sau, đoàn đến dâng hoa, thắp hương tại nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, hy sinh dưới sự tàn ác của thực dân và đế quốc.

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 19ha, được chia làm bốn khu liên thông với nhau. Hiện nay khoảng gần 2.000 ngôi mộ, trong đó chỉ có khoảng trên 700 ngôi mộ có tên, còn lại rất nhiều ngôi mộ khuyết danh. Trên bia mộ khuyết danh chỉ duy nhất một ngôi sao đỏ. Các ngôi mộ quay về các hướng khác nhau theo như vị trí khi bị vùi lấp. Mỗi nấm mộ như một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bi tráng đã qua. 

Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những anh hùng liệt sĩ, trong không khí tôn nghiêm, những nén hương được thắp lên trên ngàn ngôi mộ như một lời tri ân của tuổi trẻ Tiền Giang với các anh hùng liệt sĩ. Ai cũng cảm thấy mình như được lớn lên thêm, được ấm lòng hơn, khi được đến thắp một nén hương trước mộ các anh hùng liệt sĩ.

Và thật khó có thể quên khi chúng tôi được đến thắp hương cho những con người mà tuổi tên của họ đã hòa vào tên đất nước, dù thời gian có mãi trôi qua như: Anh Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, chị Võ Thị Sáu, người con của quê hương Cái Bè Phạm Thành Trung.

Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: “Đến Côn Đảo lòng ai cũng trào dâng cảm xúc. Một lần đến với Côn Đảo, ai cũng hiểu thêm rất nhiều về giá trị của độc lập tự do được đổi bằng máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, của bao lớp cha anh đi trước. Chuyến hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu để thế hệ trẻ Tiền Giang hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước”.

Côn Đảo chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở. Những cán bộ Đoàn, Hội, Đội tiêu biểu tham gia trong cuộc hành trình lần này sẽ là những hạt nhân truyền ngọn lửa cách mạng đến với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

MINH THÙY

.
.
.