Về Tiền Giang thăm khu di tích Lăng mộ Hoàng gia
Lăng mộ Hoàng gia được xây dựng từ năm 1826, do ông Phạm Đăng Tá - con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng, xây dựng trên phần đất 3.000 m2, ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng.
Phần mộ được xây dựng từ năm 1826, táng trên gò cao, mang dáng dấp của một chiếc nón quan trong triều, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen, khác với những mộ ở Nam bộ.
Ngoài ra, bình phong được xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm được các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình.
Năm 1849, vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công, cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình.
Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. “Ngũ đại thành xương - Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp - Điềm lành kỳ lân hiện ra).
Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long… lại mang phong cách điêu khắc phương Tây.
Tấm bia vua Tự Đức ban cho ông ngoại trở về sau 140 năm
Đến thăm mộ ông Phạm Đăng Hưng, từ ngoài bước vào, du khách sẽ bắt gặp bên trái có một nhà bia. Bên dưới là tấm bia bằng đá trắng Quảng Nam, đã mòn theo thời gian, nhưng thật kỳ lạ: phía trên có hình cây thánh giá màu đen, bên dưới là dòng chữ Pháp ghi tên Barbé. Nhìn sâu vào trong là một bài văn bia chi chít chữ Hán?
Bia đá này do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vô Gò Công. Nhưng cái bia đá mất tích một cách bí hiểm. Đến lúc trùng tu Lăng Hoàng gia, năm 1899, vua Thành Thái cho dựng nhà bia bên phải (từ ngoài nhìn vào) bằng đá hoa cương. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia Tự Đức ban cho ông ngoại.
Chuyện kể rằng, lúc giải tỏa nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để xây dựng Công viên Lê Văn Tám (khoảng 1983 - 1986), người ta thấy còn sót lại một tấm bia đá bỏ chỏng chơ. Có người phát hiện hàng chữ Nho sau hàng chữ Pháp mới báo với Bảo tàng Thành phố. Khi các nhà nghiên cứu giám định mới phát hiện là tấm bia ấy là của vua Tự Đức ban tặng cho ông ngoại Phạm Đăng Hưng.
Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh mới tặng lại Khu di tích Lăng Hoàng gia. Đúng 140 năm sau tấm bia mới được đặt đúng vị trí của nó.
Huyền diệu giếng nước ngọt giữa vùng đất phèn mặn
Giếng nước ngọt ngay giữa khuôn viên Lăng Hoàng gia, vùng đất bị nhiễm phèn mặn của TX Gò Công. Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.
Tìm hiểu kỹ hơn về giếng nước đặc biệt này, chúng tôi được ông Phan Văn Dũng, người đang trông nom khu lăng mộ kể lại, tục truyền giếng được đào vào đời ông Phạm Đăng Dinh, khi đào nước giếng rất ngọt, gọi là long mạch. Có lẽ giếng nước được đào để lấy nước sinh hoạt cho gia đình Phạm Đăng.
Có điều lạ là đến mùa khô, các giếng khác kể cả ao làng sâu 10m đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng ngay mạch nước nên nước lúc nào cũng có. Ngày xưa, người dân ở xã Long Hưng đều sử dụng nhờ giếng nước này.
Ngày nay, hầu hết người dân xung quanh khu Lăng Hoàng gia đều có nước sinh hoạt. Giếng này vẫn nằm trong phạm vi di tích, được sử dụng để tưới cây hoặc dùng cho sinh hoạt cá nhân. Hiện nay nước giếng cũng rất ngọt. Giếng không sâu, chỉ khoảng 5m nhưng mạch nước có liên tục, lại không bị phèn. Điều này trái với đặc điểm đất nhiễm mặn, phèn của vùng Gò Công.
Về Gò Công thăm Lăng Hoàng gia, khám phá ra nhiều điều thú vị. Dĩ nhiên chúng ta cũng chưa thể nào hiểu hết những bí ẩn lịch sử, và chắc còn nhiều điều bí ẩn trên vùng đất nơi đây.
NHƯ LAM