Thứ Hai, 15/09/2014, 16:03 (GMT+7)
.

Làm rõ hơn đóng góp của 3 nhân vật lịch sử ở TX. Gò Công

Một hội thảo khoa học về các nhân vật lịch sử Gò Công do UBND TX. Gò Công phối hợp với các ban, ngành vừa được tổ chức nhằm làm rõ hơn, khẳng định thêm những đóng góp cho quê hương và đất nước của 3 nhân vật: Đỗ Trình Thoại, Trần Thị Sanh và Hồ Biểu Chánh.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà sử học, nhà nghiên cứu, hậu duệ của các nhân vật lịch sử với những tham luận công phu, sâu sắc, nhiều tìm tòi và phát hiện. Nhận định chung từ hội thảo lần này, các nhà chuyên môn đã ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cả 3 nhân vật lịch sử đối với vùng đất TX. Gò Công nói riêng và của quê hương đất nước nói chung, được dựa trên các cơ sở  khoa học và lĩnh vực khác nhau.

Khu mộ của bà Trần Thị Sanh ở xã Long Hòa, TX. Gò Công.
Khu mộ của bà Trần Thị Sanh ở xã Long Hòa, TX. Gò Công.

1. Khi đề đến Đỗ Trình Thoại, nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu đều ghi nhận ông là một quan huyện tham gia kháng chiến cùng Trương Định tại Gò Công. Tên ông cũng được đặt cho tên một con đường ở TP. Mỹ Tho, đó là đường huyện Toại (thay vì Huyện Thoại).

Đỗ Trình Thoại người thôn Yên Luông, tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là ấp Kim Liên, xã Long Hòa, TX. Gò Công) đỗ cử nhân tại Gia Định vào năm 1843, được bổ làm Tri Huyện Tân Hòa, nên được gọi là Huyện Thoại. Do người Pháp viết là Toại nên nhiều người gọi nhầm.

Năm 1859, Pháp đánh thành Gia Định, ông tham gia chiến đấu dũng cảm dưới quyền của Nguyễn Tri Phương tại mặt trận đại đồn Chí Hòa. Khi thành Gia Định thất thủ, ông cho quân lui về Bà Rịa. Nhưng tại Bà Rịa, do lực lượng ít, ông cũng bị quân Pháp đánh thua. Năm 1861, quân Pháp đánh thành Mỹ Tho.

Trước nguy cơ Gò Công thất thủ, ông tập hợp lực lượng có trên 600 quân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Trong lúc này, tại Gò Công cũng có một đội quân khác do Trương Định chỉ huy. Sau khi hạ thành Mỹ Tho, quân Pháp nhiều lần tiến đánh Gò Công và lập một số đồn bót. Đỗ Trình Thoại chỉ huy nghĩa quân nhiều lần tập kích vào các vị trí chiếm đóng của quân Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Đáng kể nhất là trận tập kích đồn Gò Công (gần chợ Gò Công) vào đêm 21 rạng sáng ngày 22-6-1861. Quân của Huyện Thoại cũng được vũ trang bằng giáo, độc, gươm, mã tấu… lao lên, dự kiến đốt trại lính và tàu Le Wéser.

Sau khi vượt qua được những vòng rào kiên cố, ông cùng nghĩa quân đột nhập vào đồn, mở trận giáp chiến với quân Pháp, buộc quân Pháp vừa chống cự vừa tháo lui. Khoảng 5 giờ sáng ngày 22-6-1861, quân Pháp thấy lực lượng ta, chúng bắn không tiếc đạn. Huyện Thoại với võ nghệ cao cường đã đâm 2 mũi giáo vào tên trung úy Vial - Trưởng đồn, kiêm Giám đốc bổn xứ sự vụ Gò Công, làm tên này trọng thương.

Tên thủy quân lục chiến Bodiez lao ra giải cứu liền bị Huyện Thoại đâm chết. Quân Pháp tập trung lực lượng phản kích. Do trời sáng, chúng thấy được ông và bắn xối xả về phía ông. Ông trúng đạn và hy sinh. Huyện Thoại mất đi, Gò Công mất một anh hùng kháng Pháp. Hiện nay, mộ của ông vẫn còn là mộ đất tại ấp Kim Liên, xã Long Hòa, TX. Gò Công.

2. Ở Gò Công, ngoài Thái hậu Từ Dụ, Hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng trong và ngoài nước, còn có một phụ nữ có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất (1858 - 1945), đó là người vợ thứ của Anh hùng Dân tộc Trương Định, bà Trần Thị Sanh.

Bà Trần Thị Sanh là em bà Từ Dụ, vai dì đối với vua Tự Đức. Bà giỏi kinh doanh và giàu có nổi tiếng. Vì lẽ đó, trong cuốn“Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong có câu: “Gò Công bốn tổng đông giàu/ Mà riêng có một bà Hầu giàu to” để chỉ bà Trần Thị Sanh.

Năm 1852, khi Trương Định làm Phó Quản cơ đồn điền, bà Sanh đã đưa tiền cho chồng khai phá đất hoang ở Gia Thuận, làm nguồn hậu cần cho nghĩa quân của Trương Định sau này. Cuộc khởi nghĩa Trương Định nổ ra và giành thắng lợi trên nhiều chiến trường, có công lớn của bà Trần Thị Sanh, khi bà xuất tiền của để mua lương thực, vũ khí để nghĩa quân đánh Pháp.

Ngày 20-8-1864, Trương Định hy sinh tại Gia Thuận, bà Trần Thị Sanh ứa lệ nhìn kẻ thù kéo xác chồng về phơi tại chợ Gò Công. 2 ngày sau, bà tìm cách nhận xác chồng đem về tổ chức lễ tang trọng thể trước mắt kẻ thù. Trong lúc bối rối, bà vẫn sử dụng uy thế để làm địch kiêng nể. Tên trung úy Guys chỉ huy bọn xâm lược ở Gò Công phải dẫn 1 tiểu đội danh dự đến dàn chào và phúng điếu 1.000 quan tiền.

Bà là người đàn bà đặc biệt của Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX. Từ khi thành thân với Trương Định, cuộc đời bà gắn chặt với sự nghiệp cứu nước của ông. Bà dành của cải của mình làm hậu phương lớn cho chồng dựng cờ, dấy binh khởi nghĩa. Nhờ thế, Trương Định trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào chống Pháp ở Việt Nam.

Phía sau người anh hùng này, có hình bóng của một người phụ nữ Gò Công luôn dốc lòng, dốc của cho sự nghiệp kháng chiến của chồng. Công lao to lớn của bà rất đáng cho hậu thế tôn vinh. Năm 1882, bà qua đời, thọ 62 tuổi. Mộ của bà được con gái Dương Thị Hương lập bằng đá hoa cương tại xã Long Hòa, TX. Gò Công.

3. Nhắc đến Hồ Biểu Chánh, mặc dù còn những tranh cãi khác nhau, nhưng gia tài về văn chương mà ông để lại là không phải bàn cãi. Ông sinh năm 1884 và mất năm 1958, là con thứ 5 trong 12 người con của một gia đình nghèo tại làng Bình Thành, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Thạnh Nhứt, xã Bình Xuân, TX. Gò Công).

Ông học giỏi, năm 1905 lấy bằng Thành Chung. Trong một khúc quanh của lịch sử nước nhà, ông đã để lại cho đời bộ gia tài văn chương đồ sộ, với 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 2 truyện dịch, 12 kịch bản và ca kịch, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu và phê bình, 5 tập thơ, 6 hồi ức, 8 bài diễn thuyết… 

Cho đến nay có ít nhất 10 tiểu thuyết của ông đã được dựng thành phim, đó là: Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Lòng dạ đàn bà, Ngọn cỏ gió đùa, Nợ đời, Tình án… Ông cũng là người có tác phẩm văn học được tái bản nhiều lần của Việt Nam.

Vào năm 1988, một hội thảo khoa học về nhà văn Hồ Biểu Chánh được tổ chức lần đầu tiên tại Tiền Giang, GS. Trần Văn Giàu đã phát biểu tổng kết: “Tôi thấy rằng, việc dạy văn Hồ Biểu Chánh - từ đại học, cấp 3, cấp 2, nhất là cấp 1.

Sách Hồ Biểu Chánh được nhân dân tán thưởng, có nhiều lý do - không những tại văn ông hay mà còn ở chỗ cái văn không phải là văn. Cái văn không văn đó mới hay. Hay ở chỗ, nói lại tiếng nói của dân, cái tấm lòng của dân, còn hay ở chỗ đạo đức, luân lý.

Ở trong sách Hồ Biểu Chánh có đạo đức luân lý Nho giáo, Phật giáo; mà đó là của dân tộc chúng ta”. Còn đánh giá về công lao của Hồ Biểu Chánh, TS. Hồ Sĩ Hiệp viết: “Cỗ xe tư tưởng là chữ quốc ngữ trước đó nặng nề, ì ạch; đến đây được đẩy đi một cách nhẹ nhàng, phăng phăng lướt đi trên những dặm đường văn học mới. Đó là công lao của anh phu xe tiền phong Hồ Biểu Chánh”.

Với những cống hiến văn học to lớn, tên ông được đặt cho các con đường ở một số thành phố, thị tứ nước ta như: thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), thị trấn Khánh Hải (tỉnh Ninh Thuận), quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) và ở TX. Gò Công.

Như vậy, Hội thảo khoa học lần này do UBND TX. Gò Công phối hợp với các ban, ngành tổ chức đề cập đến 3 nhân vật lịch sử và đều gắn với những địa điểm tại Gò Công một lần nữa nhằm làm rõ hơn về các nhân vật và làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học xin công nhận di tích cấp tỉnh tại các địa điểm gắn liền với các danh nhân. Đó cũng là mong mỏi của nhân dân Gò Công.

PHƯƠNG ANH

.
.
.