Đánh chiếm lô cốt đầu cầu trận Ngã Sáu
Nhân kỷ niệm 40 ngày thành lập Sư đoàn bộ binh 8, tôi về ấp Bình Hòa A (Tam Bình, Cai Lậy) tìm gặp người từng vượt sông đánh chiếm lô cốt đầu cầu trong trận Ngã Sáu ngày 11-3-1975. Người tôi cần tìm là ông Lê Thanh Tân (sinh năm 1948, nguyên Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24).
Đại đội 6 được giao nhiệm vụ vượt sông đánh chiếm lô cốt đầu cầu, trận địa pháo binh và phát triển vào trung tâm bắt liên lạc với Đại đội 8, Tiểu đoàn 4 hợp lực tổ chức tấn công vào sở chỉ huy tiểu đoàn 450 bảo an ngụy.
Ông Lê Thanh Tân (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa (ảnh tư liệu). |
Ông Tân bồi hồi kể: “Sau khi đánh chiếm căn cứ Chà Là, hoàn thành cao điểm đợt 1 của Kế hoạch mùa khô năm 1974 -1975, chúng tôi bước vào củng cố để chuẩn bị vào đợt 2 của chiến dịch. Đơn vị được bổ sung quân số, hầu hết là chiến sĩ mới quê tỉnh Thanh Hóa, chưa quen với chiến trường đồng lầy sông nước. Trong khi đó, chi khu Ngã Sáu là căn cứ nằm trên sự hợp lưu của 6 dòng kinh thuộc xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè được chọn làm mục tiêu đầu tiên trong đợt 2 của chiến dịch.
Trung đoàn 24 được chọn làm đơn vị chủ công. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đánh trong đội hình cấp sư đoàn, có hiệp đồng tác chiến với hỏa lực của trên, có lực lượng Trung đoàn 320 đánh chặn viện, có Trung đoàn 207 làm lực lượng dự bị. Thắng là cái chắc và chúng tôi rất yên tâm vì tương quan lực lượng của ta hơn địch gấp nhiều lần, nhưng khó khăn cũng không phải ít.
Địch ở trong công sự vững chắc, hỏa lực mạnh. Ta phải vượt sông, dùng phân đội nhỏ đột phá, đánh thọc sâu, chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Xét về toàn bộ phương diện, ta đánh địch với quy mô cấp sư đoàn, nhưng thực tế lực lượng chủ công chỉ có 1 trung đoàn. Khi đột phá vào trong căn cứ thì ta chỉ có 2 đại đội chủ lực để tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch.
Chúng tôi ngày đêm tranh thủ luyện tập cách đánh hiệp đồng hỏa lực với trên; luyện tập cách đánh lô cốt đầu cầu; luyện tập phối hợp tác chiến giữa các phân đội nhỏ từ tổ 3 người, tiểu đội, trung đội và đại đội; luyện tập phối hợp tác chiến với phân đội bạn và cuối ngày thì tập bơi lội, tập vượt sông bằng bao nilon có trang bị vũ khí.
Chiến sĩ cũ kèm chiến sĩ mới. Cán bộ đại đội, trung đội bám sát cùng tập luyện với chiến sĩ. Một không khí luyện tập sôi nổi, khẩn trương, tập luyện cả trên sa bàn với nhiều tình huống được đưa ra để tìm biện pháp khắc phục, hóa giải.
Xúc động nhất là trước khi bước vào trận đánh, 100% cán bộ, chiến sĩ đều xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu, ai cũng giành những khó khăn, nguy hiểm nhất về mình. Là Chính trị viên của đại đội, nhận nhiệm vụ đưa lực lượng chủ công vượt sông, tôi không khỏi tự hào.
Đúng 4 giờ sáng ngày 11-3-1975, khi tiếng mìn ĐH 10 nổ mở cửa, mở màn cho trận đánh, hỏa lực của trên tập trung dội vào căn cứ địch. Đại đội của tôi chia thành 3 mũi bắt đầu vượt sông. Tôi phụ trách 1 mũi, Đại đội phó Toản phụ trách 1 mũi và Đại đội trưởng Bảy vượt sông bằng xuồng cùng với hỏa lực và thông tin.
Một tình huống bất ngờ xảy ra khi xuồng hỏa lực của mũi đồng chí Bảy chỉ huy bị địch bắn chìm, không vào được. Dù vậy, tôi vẫn động viên và phân công anh em chuẩn bị đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Khi làn đạn 12,8 ly chuyển làn bay cao, theo đúng hiệp đồng tác chiến, tôi bật dậy hô anh em xung phong. Không có hỏa lực của đại đội chi viện, phải mất đến 15 phút chúng tôi mới chiếm được lô cốt đầu cầu, chậm hơn so với dự kiến khoảng 5 phút.
Đại đội chia thành từng tổ nhỏ tiếp tục đánh phát triển sang 2 bên, còn tôi và đồng chí Bình cùng 2 liên lạc đánh vào trận địa pháo. Địch phản kích quyết liệt, phải đến 20 phút sau chúng tôi mới chiếm được trận địa pháo. Lúc này trời đã sáng rõ.
Nhận thấy chi khu Ngã Sáu có thể bị mất, địch bắn pháo chụp 105 ly vào trận địa nhằm hủy diệt. Đại đội tôi hy sinh và bị thương một số đồng chí. Pháo địch bắn trúng kho đạn làm nổ dữ dội, cả căn cứ rền vang, khói lửa mù mịt.
Mất liên lạc với trên, nhưng theo phương án tác chiến trên sa bàn, chúng tôi tiếp tục đánh thọc sâu vào trong căn cứ. Chủ động trong tiến công, nắm được tinh thần địch đang hoang mang, chúng tôi đột phá vào từng ngóc ngách, dùng lựu đạn tiêu diệt từng hầm.
Lúc này, chúng tôi thu được của địch 2 khẩu M79, 1 khẩu cối 60 và 1 hầm đạn. Nhờ số vũ khí này, chúng tôi tiếp tục đánh thọc sâu, phát triển và hợp nhất được với Đại đội 8, Tiểu đoàn 4 theo đúng kế hoạch.
Chi khu Ngã Sáu được giải phóng, Sư đoàn tiếp tục được lệnh thọc sâu xuống đường 4, đánh chiếm ngã ba Trung Lương, căn cứ Đồng Tâm, tiến vào giải phóng TP. Mỹ Tho, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
ANH ĐẬU