Thứ Hai, 15/12/2014, 05:42 (GMT+7)
.

Chuyện về "Bảy dũng sĩ xóm Ao"

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhơn (Tư Vũ), nguyên Tỉnh đội trưởng Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), người trực tiếp chỉ huy 6 chiến sĩ chiến đấu với hơn 3 đại đội bảo an, có máy bay và pháo binh yểm trợ, diễn ra ngày 14-11-1965 tại xóm Ao (ấp Thanh Đăng, xã Thanh Bình, quận Chợ Gạo), đã ghi chiến công thành địa danh lịch sử “Bảy dũng sĩ xóm Ao” - kể lại:

...Cuối tháng 9-1965, tôi được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu điều động về bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và đảm nhận nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng.

Mới đặt chân về đất Mỹ Tho, sau 10 ngày dự hội nghị Tỉnh ủy, tôi được phân công thay mặt Tỉnh ủy triển khai nghị quyết cho Huyện ủy Chợ Gạo. Văn phòng Tỉnh đội bố trí 2 đồng chí Sáu Khéo và Hai Hồ cùng đi; đồng thời chỉ đạo cho Đại đội 207 của TP. Mỹ Tho cử 1 tổ 5 đồng chí đưa tôi đi.

Nửa đêm 13-11, về đến xã Mỹ Tịnh An không gặp người của Huyện ủy, nên chúng tôi tạm trú tại nhà cơ sở của trạm ở xã Thanh Bình. Sáng ra có báo động, cơ sở đưa chúng tôi xuống hầm. Gần trưa báo yên, chúng tôi lên tắm giặt thì nghe súng nổ.

Anh em bộ phận 207 đưa chúng tôi rút về hướng xóm Chùa. Vừa tiếp cận bìa xóm thì bị giặc (1 đại đội lính bảo an Chợ Gạo) phục sẵn nổ súng, đồng chí Sáu Khéo hy sinh. Khi lui khuất tầm quan sát của giặc, anh em góp ý: 2 hướng Mỹ Tịnh An và lộ Thanh Bình đều đã có giặc (hơn 1 đại đội bảo an và lính đồn của quận Bến Tranh) nên rút về hướng Mỹ Tho, gần thành phố có thể giặc sơ hở.

Nhưng khi vừa ra khỏi mé vườn nhà đồng chí Tư Liêm ở xóm Ao thì đụng 1 đại đội bảo an của Tiểu khu Định Tường phục sẵn, buộc chúng tôi phải trụ lại khu vườn mới lập của đồng chí Tư Liêm, rộng chừng hơn 5 công đất. Khi đó chúng tôi còn 7 anh em. Đồng chí Hai Hồ mang súng carbine liên thanh, đồng chí Được (bộ phận 207) xạ thủ trung liên, còn lại các đồng chí của bộ phận 207 chỉ có súng AK và carbine.

Trước tình thế 3 phía đều có giặc, còn lại 1 phía bị khóa bởi lộ Ngang Thanh Bình, địa hình vừa hẹp vừa trống trải, 4 phía ngoài đều là ruộng, lúa còn thấp và thưa, điều kiện chiến đấu hết sức ngặt nghèo. Do anh em bộ phận 207 quen tác chiến phân tán, bất ngờ đánh nhanh và thoát ly trận địa nhanh nên đề nghị phân tán lực lượng.

Tôi không đồng ý, đã phân tích: Giặc đã phát hiện ta. Địa hình như thế này nếu chúng dàn hàng ngang sục sạo thì sẽ gặp ta. Như vậy ta sẽ hy sinh, nhưng bị thằng địch khinh bỉ, nhục lắm! Thay vì chúng ta kiên quyết chiến đấu đến cùng, có thể một ít đồng chí hy sinh, nhưng được nhân dân yêu mến, tiếc nuối, ngợi khen; số đông còn lại sẽ chiến đấu và thắng địch, kẻ thù sẽ phải nể phục.

Điều hết sức quý giá là sau khi nghe tôi phân tích, toàn thể anh em đều tỏ thái độ quyết tâm chiến đấu và chờ đợi sự phân công của tôi. Dù trước đó anh em chưa một lần gặp tôi (trừ đồng chí Hai Hồ), chỉ biết tôi qua nghe đơn vị sinh hoạt nhiệm vụ công tác, nhưng thái độ của chiến sĩ giải phóng quân là chấp hành mệnh lệnh một cách tuyệt đối, đây lại là mệnh lệnh trước sự sống và cái chết, tôi cảm thấy trong lòng mình lúc ấy như dậy lên một niềm sung sướng, niềm tự hào đang đứng trong hàng ngũ Quân Giải phóng miền Nam, đang đứng trước những chiến sĩ tỏ rõ sự kiên cường như sắt thép trước quân thù.

Lúc chuẩn bị cho chiến đấu lại xảy ra tình huống: Thấy một chị sao cứ đi tới đi lui xung quanh căn nhà, gần nơi cột 2 con bò, tôi thầm nghĩ chị còn tiếc rẻ, sợ mất của. Tôi động viên chị: Người còn thì của còn. Chúng tôi sắp chiến đấu, giữa 2 làn đạn, làm sao giữ an toàn cho chị. Mãi một lúc, giặc tới càng gần hơn, chị mới chịu sang nhà hàng xóm. Sau tôi mới biết đó là chị Tư Liêm, chủ nhà và anh Tư Liêm đang ở dưới cái hầm bí mật trong nhà.

Tôi nhanh chóng bố trí 2 đồng chí của bộ phận 207 sử dụng 1 trung liên tại đầu mương bên trái sau nhà đồng chí Tư Liêm, 2 đồng chí phục tại đầu mương bên phải. Còn tôi, đồng chí Hai Hồ và 1 đồng chí của bộ phận 207 ở phía sau trảng xê trong nhà đồng chí Tư Liêm. 3 tổ hình thành tam giác, mở rộng tầm quan sát thấy đội hình của nhau, chi viện cho nhau. Với phương châm đánh thật tiết kiệm đạn, giặc tiến lẻ tẻ ta bắn tỉa, giặc xung phong ta đánh lựu đạn, trung liên chỉ được bắn từng loạt 3 viên, 5 viên.

Sau một hồi nghe ngóng, 2 tên đi đầu vào sân nhà đồng chí Tư Liêm, đi thẳng lại lu nước định múc uống liền bị tổ 1 bắn chết cả 2 tên. Đồng chí Hai Hồ lao ra thu 1 súng garan, đạn, 2 quả lựu đạn và 1 cái búa. Giặc bắt đầu đánh vào căn nhà, đạn bay như mưa, tấm vách tre nhà anh Tư Liêm bể vụn, mái nhà bị sụp trống lổ chổ từng mảng.

Anh em lợi dụng giặc vây vòng tròn, rất gần, có lúc ta và địch chỉ cách nhau 20 m, thường là 40 - 50 m đã bắn nhử để cho giặc tập trung hỏa lực phản kích xối xả, như vậy làn đạn của địch mé bên này sẽ lùa qua đầu bọn địch mé bên kia. Điều thú vị là địch ở mé nào cũng tưởng rằng súng của ta đang nổ vào chúng, không phía bên nào dám tổ chức xung phong.

Giằng co đến khoảng nửa buổi chiều thì 1 chiến sĩ của bộ phận 207 bị đạn đum đum nổ làm bị thương 1 mắt. Tổ 1 trong trảng xê nhà đồng chí Tư Liêm phải nhường chỗ cho đồng chí bị thương vào, tôi lo băng bó.

Đồng chí Hai Hồ bám bờ mương cạnh tôi, cùng phối hợp 2 tổ phía phải, phía trái bắn lướt sườn vào toán địch đang tổ chức xung phong vào sân nhà. Đã có xác địch, súng địch nằm phơi trước sân nhà nhưng địa hình trống trải, quân số lại ít, anh em không tiện lên lấy súng giặc.

Về nguồn tại “Bia chiến thắng “Bảy dũng sĩ xóm Ao”.
Về nguồn tại “Bia chiến thắng “Bảy dũng sĩ xóm Ao”.

Trời sụp tối, cánh quân của bảo an Định Tường ào ạt tổ chức xung phong đợt chót. Đồng chí Được xách trung liên nhảy lên nóc trảng xê đánh trả, chặn được đợt xung phong thì cũng là lúc đồng chí Được bị đạn trúng vào đầu hy sinh.

Xác địch quan sát thấy nằm trên sân nhà đồng chí Tư Liêm và trong trận địa xung quanh khoảng hơn 1 trung đội (thực tế sau trận đánh, địch bắt dân khiêng xác lính chết ra lộ Ngang, bà con đếm được số lính chết trên 100 tên, số lính bị thương không biết được).

Suốt ngày chiến đấu, địch chỉ tập trung vào khu vực xóm Ao. Chi bộ xã Thanh Bình có điều kiện tổ chức quần chúng bên ngoài lo cơm nước, chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và chi viện cho anh em trong vòng vây xóm Ao khi có thuận lợi.

Đến khi hai bên không còn thấy nhau, tôi cử 1 đồng chí bí mật tiếp cận con kinh phía sau trận địa, hướng của bảo an Chợ Gạo; 1 đồng chí tiếp cận mé trái, khu vực chốt của bảo an Bến Tranh và đặt ra tình huống chiến đấu chi viện cho nhau giữa 2 đồng chí nếu địch còn chốt đóng.

Hai cánh quân của địch đều đã rút ra xa. 6 anh em còn lại của chúng tôi chuẩn bị đưa xác đồng chí Được trở ra căn cứ thì liên lạc được với cơ sở xã Thanh Bình. Đường rút lui an toàn. Một bộ phận lo an táng đồng chí Được chu đáo.

Về đến căn cứ thì đồng chí Tư Liêm cũng từ dưới hầm bí mật thoát ra và hội tụ về. Bất kể pháo giặc còn bắn trên đầu, bà con ùn ùn mang cơm nước tới. Bà con xung quanh trận địa là những người tường tận nhất mức độ ác liệt của trận đánh suốt ngày, thấy tận mắt thiệt hại của giặc.

Bà con nhìn anh em không nói nên lời. Không ai có thể hình dung anh em còn sống được như vầy. Nước mắt vui mừng của các mẹ, các chị lăn dài trên má. Từ chiến thắng đó, bà con đặt cho cái tên “Bảy dũng sĩ xóm Ao” và đã trở thành một địa danh lịch sử của xã Thanh Bình.

NGUYỄN HỮU CHÍ  (lược ghi)

.
.
.