Chiến dịch Rạch Gầm-Xoài Mút trong sự đối sánh với Chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa
Mặc dù diễn ra ở những địa điểm và những thời điểm khác nhau, nhưng Chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút (RG-XM) và Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa (NH-ĐĐ) đều được thực hiện bởi nghĩa quân Tây Sơn và dưới sự chỉ huy tài giỏi của nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ - Quang Trung, nên có nhiều điểm tương đồng nhau.
VỀ NGUYÊN NHÂN XÂM LƯỢC CỦA GIẶC XIÊM VÀ GIẶC THANH
Giặc Xiêm trong Chiến dịch RG-XM và giặc Thanh trong Chiến dịch NH-ĐĐ đều có ý đồ chiếm lấy nước ta. Từ thế kỷ XVII, bọn phong kiến Xiêm đã có tham vọng “Đông tiến”, nhiều lần cho quân cướp phá Hà Tiên và một số nơi ven biển Tây Nam bộ của nước ta.
Còn bọn phong kiến Thanh luôn ấp ủ mưu đồ bành trướng xuống phía Nam. Việc nhà Thanh đem quân xâm lược nước ta là hệ quả tất yếu của chính sách bành trướng, bá quyền nước lớn đã được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Trung Quốc.
Thế nhưng, để che đậy bộ mặt xâm lược, phi nghĩa, cả giặc Xiêm và giặc Thanh đều vịn cớ do có sự cầu viện của Nguyễn Ánh và Lê Chiêu Thống nên mới đưa quân sang xâm lược nước ta.
VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA 2 CHIẾN DỊCH RG-XM VÀ NH-ĐĐ
Cả giặc Xiêm và giặc Thanh đều là những kẻ thù hùng mạnh và hung hãn của dân tộc ta. Vào thế kỷ XVIII, vương quốc Xiêm là một trong những nước có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh ở Đông Nam Á, từng chiếm đóng Chân Lạp, Lào, một phần Mã Lai; xâm lấn Miến Điện, Đàng Trong của đất nước ta và tranh chấp trên biển với Java (Indonesia).
Còn giặc Thanh, dưới thời Thanh Càn Long, đang ở vào giai đoạn cực thịnh: Kinh tế, quân sự có sự phát triển vượt bậc, lãnh thổ rộng lớn và dân số đông nhất thế giới.
Vào cuối thế kỷ XVIII, dân tộc ta phải đương đầu với 2 kẻ thù trên nên cuộc chiến đấu giữ nước của nhân dân ta diễn ra rất gay go và ác liệt.
Biểu diễn văn nghệ nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: Duy Nhựt |
VỀ VIỆC RÚT LUI CHIẾN THUẬT CỦA NGHĨA QUÂN TÂY SƠN KHI MỞ ĐẦU CHIẾN DỊCH
Tháng 7 năm Giáp Thìn 1784, giặc Xiêm đổ bộ lên Rạch Giá. Lực lượng của chúng lúc này còn rất sung mãn. Trong khi đó lực lượng nghĩa quân Tây Sơn đóng ở vùng đất Gia Định ít hơn so với quân địch. Do đó, dưới sự chỉ huy của Phò mã Trương Văn Đa và Đô đốc Nguyễn Trấn, nghĩa quân Tây Sơn vừa tiến hành một số trận đánh, vừa tổ chức lui binh chiến thuật. Rồi sau đó cấp báo về đại bản doanh của Bộ Chỉ huy nghĩa quân đóng ở Quy Nhơn để chờ đại quân vào tiến hành cuộc phản công chiến lược, đánh bại quân Xiêm.
Trong Chiến dịch NH-ĐĐ (năm 1789), trước thế mạnh ban đầu của giặc Thanh, sau một vài trận nhỏ có tính cách thăm dò, nghĩa quân Tây Sơn đồn trú tại Bắc Hà theo kế sách của Ngô Thời Nhiệm tạm rút lui về Tam Điệp (Ninh Bình). Từ đây, tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở cho người cấp tốc lên đường vào Phú Xuân báo tin giặc dữ cho Nguyễn Huệ biết để ông kịp thời lên kế hoạch tác chiến diệt địch.
Các cuộc rút lui chiến thuật của nghĩa quân Tây Sơn có các tác dụng:
- Thứ nhất, thăm dò lực lượng và khả năng tác chiến của đối phương;
- Thứ hai, tiêu diệt một phần sinh lực địch;
- Thứ ba, bảo toàn lực lượng nghĩa quân;
- Thứ tư, làm cho bọn địch sinh ra chủ quan, kiêu ngạo, đánh giá thấp nghĩa quân từ đó mất cảnh giác, không chu đáo trong phòng bị, tạo điều kiện cho nghĩa quân đánh bại bọn chúng;
- Thứ năm, từ chỗ chủ quan, kiêu ngạo, bọn địch đi đến hành động cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ, lộng hành, ngang ngược, làm cho nhân dân thấy rõ bộ mặt xấu xa của bọn cướp nước và bè lũ bán nước, từ đó hết lòng ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn trong việc đánh giặc giữ nước và bảo vệ cuộc sống an lành của nhân dân.
HÀNH QUÂN THẦN TỐC - NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA QUÂN TÂY SƠN
Từ Quy Nhơn, Nguyễn Huệ chỉ huy hạm thuyền, men theo bờ biển đi về hướng Nam đến đóng ở Mỹ Tho chỉ mất có 15 ngày trên một hải trình dài hơn 700 km.
Từ Phú Xuân, Quang Trung chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn hành quân ra Bắc Hà với độ dài khoảng 600 km chỉ mất có khoảng 20 ngày.
Lúc bấy giờ, hành quân như vậy được xem là thần tốc. Sở dĩ nghĩa quân đạt được điều ấy là do:
- Thứ nhất, nghĩa quân có tính kỷ luật cao;
- Thứ hai, sự tổ chức tài giỏi của các tướng lĩnh nghĩa quân mà người đứng đầu là Nguyễn Huệ - Quang Trung;
- Thứ ba, có nhiều thuyền với trọng tải lớn để vận chuyển quân;
- Thứ tư, sự thuận lợi của thời tiết…
BỔ SUNG QUÂN SỐ TRÊN ĐƯỜNG HÀNH TIẾN VÀ HẬU CẦN TẠI CHỖ
Trên đường hành quân tiến vào Mỹ Tho đánh giặc Xiêm hay ra Bắc Hà đánh giặc Thanh, Nguyễn Huệ đều tổ chức tuyển quân ở các địa phương để tăng cường quân số; đồng thời vận động nhân dân đóng góp hậu cần để nuôi quân đánh giặc. Việc Nguyễn Huệ thành công ở công tác này biểu hiện tính quần chúng nhân dân rất rộng rãi, đi vào chiều sâu của phong trào Tây Sơn và nó cũng phản ánh công tác quốc phòng của chính quyền Tây Sơn đã tổ chức tốt ở cấp cơ sở.
ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH - TƯ TƯỞNG CHIẾN LƯỢC CHỦ ĐỘNG CỦA NGUYỄN HUỆ
Trong Chiến dịch RG-XM, tính từ lúc nổ ra trận đánh cho đến khi kết thúc thắng lợi thuộc về phía nghĩa quân Tây Sơn, trận thủy chiến này chỉ diễn ra trong vòng có 1 ngày (ngày 9 tháng 12 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 19-1-1785). Kết quả là 300 chiến thuyền Xiêm bị đánh đắm và bị thiêu hủy hoàn toàn; số thủy quân của địch cũng bị tiêu diệt gần hết. Kể từ sau trận này “Người Xiêm tuy bề ngoài miệng nói khoác, nhưng trong lòng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp” (Đại Nam thực lục).
Còn Chiến dịch NH-ĐĐ mở đầu đêm 30-12 năm Mậu Thân (đêm 25-1-1789) và kết thúc thắng lợi bằng việc giải phóng thành Thăng Long vào ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789). Như vậy, Chiến dịch NH-ĐĐ chỉ diễn ra có 5 ngày đêm. Trong ngần ấy thời gian, nghĩa quân đã trải qua cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, tiêu diệt và làm tan rã 29 vạn quân Thanh xâm lược; còn bản thân tên chủ tướng Tôn Sĩ Nghị kinh hoàng đến mức ngựa không kịp đóng yên, giáp không kịp mặc, vứt bỏ cả ấn tín trốn chạy về nước.
SỬ DỤNG LỐI ĐÁNH HỎA CÔNG TIÊU DIỆT KẺ THÙ
Nghĩa quân Tây Sơn được trang bị pháo với số lượng rất nhiều và các loại vũ khí cận chiến rất lợi hại, như hỏa hổ (một loại khí cụ có phun lửa), hỏa cầu (một loại khí cụ na ná như lựu đạn ngày nay)… Đây là những loại vũ khí mang tính chiến lược của nghĩa quân, có tác dụng đánh phủ đầu, tạo nên sức mạnh hỏa lực tấn công vô cùng hùng hậu nhằm vừa sát thương, vừa làm cho đối phương hoảng sợ, không còn ý chí chiến đấu, tạo điều kiện để nghĩa quân xông lên dứt điểm trận đánh bằng bạch khí (gươm, dao, giáo, mác…).
Trong Chiến dịch RG-XM, sau khi 300 chiến thuyền Xiêm lọt vào trận địa mai phục, pháo từ trên bộ và từ các chiến thuyền Tây Sơn đã thi nhau nả đạn vào chiến thuyền địch. Tiếp theo, những chiến thuyền nhỏ có sức cơ động nhanh của nghĩa quân xông ra chia cắt đội hình địch, rồi dùng hỏa hổ, hỏa cầu tấn công, đốt cháy chiến thuyền của quân Xiêm. Cả một đoạn sông Tiền, từ rạch Xoài Mút đến Rạch Gầm vang tiếng hò reo xung phong dậy đất của nghĩa quân và ánh lửa cháy ngút trời. Quân Xiêm bị đại bại hoàn toàn.
Khi sang xâm lược nước ta, biết nghĩa quân Tây Sơn có hỏa hổ, hỏa cầu và lối đánh hỏa công rất dũng mãnh, Tôn Sĩ Nghị đã đề ra một số biện pháp nhằm vô hiệu hóa thế mạnh của nghĩa quân Tây Sơn. Thế nhưng, điều mà y lo ngại đã trở thành sự thực.
Trong Chiến dịch NH-ĐĐ, ở 2 trận đánh có tính quyết định cho toàn chiến dịch là trận Ngọc Hồi và trận Đống Đa, nghĩa quân Tây Sơn với những vũ khí cực kỳ lợi hại ấy và lối đánh hỏa công táo bạo, mưu trí đã đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, tên Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy đồn Ngọc Hồi phải bỏ chạy và tên Đề đốc Sầm Nghi Đống chỉ huy đồn Đống Đa phải thắt cổ tự vẫn chết.
KIÊN QUYẾT THỰC HIỆN THẾ BAO VÂY
Chiến dịch RG-XM mang tính chất phục kích và thủy chiến, trong khi đó Chiến dịch NH-ĐĐ lại là chiến dịch nổi rõ lên tính công kích và bộ chiến. Tuy vậy, cả 2 chiến dịch đều giống nhau ở chỗ là, Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã thực hiện thế bao vây chặt chẽ quân thù, khiến cho cơ may chạy thoát của bọn chúng còn rất ít.
Trong Chiến dịch RG-XM, thủy quân Tây Sơn thực hiện thế bao vây bằng cách chặn đầu ở rạch Xoài Mút, khóa đuôi ở Rạch Gầm và kiểm soát chặt các cù lao Thới Sơn, Phú Túc để ngăn địch tháo chạy qua ngã Bến Tre.
Trong Chiến dịch NH-ĐĐ, để thực hiện thế bao vây đối với quân Thanh, Nguyễn Huệ đã chia quân ra làm 5 đạo quân, trong đó 3 đạo quân tấn công trực tiếp vào thành Thăng Long, 1 đạo quân tiến ra Hải Dương và 1 đạo quân tiến lên Bắc Giang để chặn đuờng rút lui của địch. Kết quả, cả quân Xiêm và quân Thanh gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.
*
* *
2 Chiến dịch RG-XM (năm 1785) và NH-ĐĐ (năm 1789) giành được thắng lợi rực rỡ. Với RG-XM và NH-ĐĐ, nhân dân ta đã đập tan hành động cướp nước và bán nước của bọn giặc Xiêm - Nguyễn Ánh và của bọn giặc Thanh - Lê Chiêu Thống, củng cố thêm một bước sự nghiệp thống nhất Quốc gia, bảo vệ vững chắc nền độc lập và lãnh thổ của đất nước.
NGUYỄN PHÚC NGHIỆP