Cồn Ngang mùa gió chướng
Ngày cuối năm, khi từng cơn gió chướng thổi tràn qua hàng lau sậy bông trắng và đẩy trôi từng đám lục bình dưới sông cửa Tiểu cũng trổ bông tím như cảm hứng của nhà thơ Ngọc Hiệp “Mùa gió chướng hoa lục bình nở rộ/ Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn…”, tôi có dịp ra Cồn Ngang (xã phú Tân, huyện Tân Phú Đông). Đây là một vùng đất bãi bồi với diện tích hơn 1.617 ha nằm cách bãi biển Tân Thành khoảng một giờ đi đò máy là địa danh hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Lực lượng BĐBP tuần tra, bảo vệ rừng phòng hộ trên cồn Ngang. Ảnh: N.Hữu |
Những cơn sóng mùa gió chướng làm anh Đẹp, Đội trưởng Đội bảo vệ HTX thủy sản Phú Tân (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) phải tập trung tinh thần cao độ mới điều khiển được chiếc ca nô vượt sóng thẳng tiến ra Cồn Ngang. Cặp theo sông cửa Tiểu, những hàng bần trổ đầy bông tím, những bụi thốt nốt, dừa nước… xanh tươi như 1 bức tranh thủy mặc. Thỉnh thoảng, vài cửa sông hiện ra với cơ man nào là rừng bần, vẹt mọc đan xen nhô lên trải dài ngút mắt.
Theo lời anh Đẹp, những cánh rừng ngập mặn ở đây là chỗ kiếm ăn lý tưởng của các loài cá, tôm, cua nên người dân ở vùng biển thường đi bắt cá bằng đóng đăng ở khu vực các cửa sông. Khi nước ròng, người ta cắm cọc, kéo lưới nằm sát góc cọc rồi phủ bùn lên ở những nơi có cá thường vào tìm thức ăn khi thủy triều lên; khi nước chuẩn bị đứng ròng thì tay lưới sẽ được kéo lên khỏi mặt nước, khép kín hai đầu.
Nước rút cạn, các bầy cá, tôm cũng vội vã lội ra sẽ bị lưới chặn lại đành nằm trên bùn chờ người đến bắt. Còn nhớ, cách đây vài năm, tôi có theo chú Ba Bờ (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) đi đóng đăng ở sông cửa Đại, một đêm bắt được vài chục kg cá, tôm và cua.
Nhìn từ xa, Cồn Ngang với màu xanh của rừng dương, rừng đước nổi lên giữa biển nước mênh mông giữa nơi giao hòa của 2 dòng sông cửa Tiểu, cửa Đại đổ ra biển Đông. Theo các bậc cao niên ở Gò Công, ngày xưa Cồn Ngang còn có tên là Cồn Gầm vì mỗi khi mùa gió chướng về, người dân ở các xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), Phú Tân... sẽ nghe tiếng sóng vỗ vào cồn lúc mới hình thành nghe như tiếng gầm rõ mồn một.
Còn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cồn Ngang là vùng đệm để lực lượng cách mạng cơ động từ địa bàn Gò Công sang Bến Tre. Đây cũng là địa bàn hoạt động của trạm trung chuyển vũ khí của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Trạm Bà Từ (bí số gọi là B8 - ở xã Phú Tân) là trạm trung chuyển vũ khí từ bến Bến Tre về mặt trận miền Đông Nam bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn và Trung ương Cục. Chính vì vậy, nơi đây đã từng diễn ra một số trận chiến ác liệt mà những cán bộ cách mạng lão thành vẫn còn bồi hồi mỗi khi nhắc đến địa danh Cồn Ngang.
Đến với Cồn Ngang hôm nay, khách tham quan sẽ ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy một vành đai xanh gồm rừng dương, rừng đước… sum sê bảo vệ cồn khỏi bị xói mòn bởi gió, bão. Vành đai xanh này là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB - CS) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhà trong công tác trồng, bảo vệ rừng ngay từ khi Cồn Ngang còn là bãi bồi. CB - CS BĐBP trên Cồn Ngang đã trồng, chăm sóc hàng trăm cây dừa đang phát triển tốt, góp phần tạo thêm màu xanh cho đất cồn ngoài biển.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên ra Cồn Ngang vào năm 2000, trên Cồn Ngang chỉ có một căn nhà sàn tạm bợ làm chỗ ở dã chiến cho lực lượng BĐBP làm nhiệm vụ ở đây. Hiện nay, trụ sở làm việc và sinh hoạt của CB - CS BĐBP trên cồn là tòa nhà một lầu khang trang, vững chắc. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với BĐBP Tiền Giang trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực bãi bồi trên biển Gò Công, cũng như kiểm soát tình hình khai thác thủy sản của ngư dân đánh bắt ven bờ.
Chiến sĩ Đặng Minh Thuận (Đồn Biên phòng Phú Tân) cho biết: “Chúng tôi rất thích khung cảnh ở đây với màu xanh của cây, không gian yên tĩnh, không khí trong lành, đặc biệt là hệ sinh thái ở đây còn phong phú lắm!” Được biết, anh em có thể dùng lưới bắt cá để cải thiện đời sống vì vào lúc thủy triều lên, từng đàn cá ngát, cá đối… theo dòng nước bơi vào các rãnh để ăn các phiêu sinh vật. Chỉ trong lần đi dỡ lú (dụng cụ để bắt tôm, cá), các chiến sĩ đã bắt được gần 1 thau cá, tôm, cua biển….
Điều lý thú hơn các chiến sĩ còn nuôi được bầy heo rừng theo mô hình nuôi “bán hoang dã” đạt hiệu quả rất cao. Ngoài ra, cồn Ngang còn có một loại rau đặc sản do thiên nhiên ưu đãi, mang tính đặc trưng cho đất cồn ở đây là “sam đất”. Rau mọc tự nhiên rất tốt trên đất cồn, đem luộc hoặc nấu canh ăn có mùi vị rất ngon!
Công trình làm việc, sinh hoạt của CB - CS BĐBP trên cồn Ngang (được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 18-1-2008) có kiến trúc 1 trệt, 1lầu cùng sân thượng với tổng diện tích 375m2 được xây dựng kiên cố với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng do UBND tỉnh đầu tư. Hệ thống pin sử dụng năng lượng mặt trời sẽ cung cấp đủ điện cho tòa nhà sử dụng được trong 3 ngày. Ngoài ra, ở đây còn một máy phát điện để dự phòng. Nền nhà được thiết kế là một hầm ngầm để trữ nước mưa sử dụng; đồng thời cũng đóng vai trò làm mát tòa nhà trong thời tiết nắng nóng. |
Theo ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Cồn Ngang rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện mới.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3441/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết quy hoạch Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang. Theo đó, Cồn Ngang sẽ được xây dựng thành khu dịch vụ đa dạng với khu vui chơi, giải trí, khu nhà nghỉ cao cấp, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dã ngoại vui chơi, khám phá thiên nhiên cho du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên miền Tây Nam bộ.
Việc phát triển du lịch sinh thái sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các hệ sinh thái đặc thù của vùng biển. UBND huyện đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, khai thác Cồn Ngang.
Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông là bước đầu khẳng định vị trí du lịch đã được mọi người biết đến từ lâu nhưng vẫn còn ngủ yên, chưa được đánh thức.
Trong tương lai, tiềm năng du lịch của cồn Ngang nếu được khai thác đúng mức sẽ trở thành một bộ phận lý tưởng trong hệ thống du lịch sinh thái biển Tân Thành của huyện Gò Công Đông và những di tích văn hóa, lịch sử ở TX. Gò Công (Lăng mộ Hoàng Gia, Lăng Trương Định) nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có của vùng Gò Công.
Đêm ở Cồn Ngang, nằm nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, gió thổi hàng dương…, nghĩ đến một tương lai tươi sáng của tiềm năng du lịch sinh thái ở Cồn Ngang khi được đánh thức.
PHÙNG LONG