Thứ Sáu, 09/01/2015, 11:00 (GMT+7)
.
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút: Khúc tráng ca lừng lẫy

Bài cuối: Rạch Gầm-Xoài Mút là trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử

Bài 1: Phác họa về Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ
Bài 2: Rạch Gầm-Xoài Mút là địa điểm lý tưởng để phục kích quân Xiêm

Bị tước mất quyền lợi, tầng lớp phong kiến phản động ở Đàng Trong, đứng đầu là Nguyễn Ánh đã phản bội quyền lợi dân tộc, cầu cứu quân xâm lược Xiêm. Lợi dụng cơ hội Nguyễn Ánh cầu viện, vua Xiêm là Rama I của Vương triều Chakri lập tức phái 5 vạn quân (gồm 3 vạn bộ binh, 2 vạn thủy binh) và 300 chiến thuyền chia thành 2 đường thủy và bộ, do tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy, được quân Nguyễn Ánh dẫn đường, đồng loạt tiến đánh Gia Định, xâm lược Đại Việt.

Tháng 7-1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Phẫn nộ trước hành động cầu viện ngoại bang của tập đoàn Nguyễn Ánh và hành động xâm lược của quân Xiêm, nhân dân Gia Định cùng với quân Tây Sơn đồn trú, lúc đó chỉ có khoảng mấy ngàn người, do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, đã anh dũng kháng chiến.

Đến cuối năm 1784, sau 5 tháng xâm lược, hơn 5 vạn quân thủy - bộ của địch chỉ chiếm được quá nửa miền đất phía Tây Gia Định, còn thành Mỹ Tho, thành Gia Định và nửa phần phía Đông Gia Định vẫn được giữ vững.

Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Với lợi thế ban đầu, quân Xiêm giành được nhiều thắng lợi, tỏ ra rất chủ quan, kiêu căng. Trong mỗi vùng chiếm đóng, quân địch có nhiều hành động tàn bạo, cướp của, giết người, vơ vét của cải và bắt phụ nữ đưa về nước Xiêm. Bao cảnh tủi nhục và đau thương đã diễn ra. Nhân dân Gia Định căm phẫn quân xâm lược đã hướng về lá cờ cứu nước của phong trào Tây Sơn và sẵn sàng ứng nghĩa.

Lúc đó liên quân Xiêm - Nguyễn đã kiểm soát vùng Hậu Giang, chiếm đóng miền Tây sông Tiền Giang. Đại quân của địch đóng tại Trà Tân (nay thuộc 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy). Nguyễn Ánh và quân bản bộ đóng đồn ở trên bờ sông, còn quân Xiêm vừa đóng ở trên bờ, vừa đỗ chiến thuyền dọc theo bờ sông để hỗ trợ lẫn nhau.

Nhận được tin báo, các thủ lĩnh quân Tây Sơn quyết định cử Nguyễn Huệ vào Gia Định phản công tiêu diệt quân xâm lược. Khoảng đầu tháng 1-1785, Nguyễn Huệ theo đường biển, đem quân tiến vào Gia Định, hợp binh với đội quân đồn trú của Trương Văn Đa, đóng quân và đặt bản doanh tại Mỹ Tho.

Quân Tây Sơn ước khoảng vài vạn nhưng đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu qua 13 năm chiến tranh và được trang bị vũ khí cũng không kém quân Xiêm với nhiều đại bác cướp được của quân Nguyễn, trong đó có những đại bác của phương Tây.

Nguyễn Huệ không đánh thẳng vào căn cứ Trà Tân, nơi địch có nhiều thế mạnh, mà bằng nhiều động thái ngoại giao và quân sự tìm cách “điệu hổ ly sơn”, kéo quân địch ra khỏi nơi đóng quân, dẫn dắt đến địa hình có lợi nhất để tiêu diệt bằng lối đánh mai phục, vận động. Nguyễn Huệ chỉ cho những đội binh thuyền nhỏ tập kích vào doanh trại ngoại vi ở Trà Tân rồi rút lui và cho sứ giả đem nhiều châu báu đến điều đình xin giảng hòa với chủ tướng quân Xiêm.

Chiêu Tăng bàn với Nguyễn Ánh: “Giặc rất tin tôi, không lo phòng bị, ta nên thừa thế mà đánh phá ngay. Xin hẹn đến đêm mồng 9 tháng này (tháng Chạp năm Giáp Thìn), quốc vương đem ngự binh đi trước xông vào thuyền giặc, tôi cùng các tướng bản bộ đem tất cả chiến thuyền lớn, nhỏ tiến lên phá các thuyền chắn ngang sông của giặc thì thế nào cũng toàn thắng”. Chiêu Tăng “cậy mình thắng luôn, bèn dẫn quân tiến thẳng đến Mỹ Tho”, bị lọt vào cạm bẫy của Nguyễn Huệ.

Sau khi xem xét địa hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7 km, rộng chừng vài km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, 2 bên bờ sông cây cỏ rậm rạp và có nhiều kinh rạch để bố trí trận địa mai phục. Thủy binh được giấu kín trong những dòng sông nhỏ như Rạch Gầm, Xoài Mút và những nhánh sông giữa các cù lao.

Bộ binh và pháo binh mai phục 2 bên bờ và trên các cù lao. Mọi việc bố trí chuẩn bị đã sẵn sàng. Nghĩa quân Tây Sơn giấu mình giữa rừng cây, trong sông nước, xen giữa nhiều thôn xóm sẵn sàng xông lên tiêu diệt quân thù.

Đêm 19 rạng sáng ngày 20-1-1785, quân Xiêm - Nguyễn huy động toàn bộ lực lượng thủy binh và bộ binh từ Trà Tân theo dòng sông Mỹ Tho tiến công căn cứ quân Tây Sơn tại Mỹ Tho. Chiến thuyền Tây Sơn xuất kích, nhử địch lọt vào trận địa mai phục.

Từ các cù lao và 2 bên bờ sông pháo binh Tây Sơn bất ngờ phát hỏa, nhả đạn vào giữa đoàn chiến thuyền địch đang bị ùn lại trong khi chiến thuyền Tây Sơn chặn kín 2 đầu sông. Hàng ngũ quân địch hốt hoảng, đội hình rối loạn.

Ngay lúc đó, toàn bộ quân thủy, quân bộ của ta từ các vị trí mai phục nhất tề xông ra chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Toàn bộ chiến thuyền địch bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác hoặc vì quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Hầu hết quân địch bị giết chết tại trận, những kẻ cố bơi vào bờ thì bị bộ binh Tây Sơn tiêu diệt. Quân Xiêm bị thiệt hại gần 4 vạn trong số 5 vạn quân sang nước ta. Đội quân “cần vương” của Nguyễn Ánh cũng bị đánh cho tan tác.

Tàn quân Xiêm - Nguyễn phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp, sau đó lần mò tìm đường về Xiêm. Tập đoàn Nguyễn Ánh bị đánh tơi tả, buộc phải lưu vong sang Xiêm.

Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời của lịch sử dân tộc. Với Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã có công được viết nên khúc tráng ca đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân Gia Định, làm phong phú thêm kho tàng khoa học quân sự của tổ tiên ta. Cũng từ đây, phong trào Tây Sơn chuyển hẳn sang một giai đoạn hoàn toàn mới - giai đoạn đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau là: Vừa không ngừng mở rộng quy mô và phạm vi của cuộc đấu tranh chống giai cấp thống trị tàn bạo trong cả nước, vừa dũng cảm vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc.

Nói cách khác, với Rạch Gầm - Xoài Mút và cũng từ Rạch Gầm - Xoài Mút, giai đoạn hào quang rực rỡ nhất của Tây Sơn bắt đầu.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút thắng lợi giòn giã. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ đã đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm và trừng trị đích đáng hành động phản bội quyền lợi dân tộc của tập đoàn Nguyễn Ánh.

Theo Sách Mạc thị gia phả ghi: Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định khoảng 10 ngày sau thì đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ trong khoảng 10 ngày mà một đạo quân từ xa (Quy Nhơn) kéo đến, đã chọn được ngay khu vực địa hình thích hợp và chuẩn bị chu đáo trận địa mai phục, để chỉ trong một ngày tiêu diệt hoàn toàn khoảng 4 vạn quân Xiêm thiện chiến cùng hơn 300 chiến thuyền.

Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự giúp đỡ đắc lực của nhân dân địa phương, những người thuộc từng cánh rừng, từng nhánh sông, từng con đường thủy - bộ cụ thể.

Chính nhân dân trong những thôn ấp ven sông Mỹ Tho là những cố vấn quan trọng, chỉ cho nghĩa quân từng cánh rừng giấu quân, những nhánh sông có thể giấu thuyền, những vị trí đặt pháo thuận lợi... và cả khúc sông rộng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút để có thể dồn lại hơn 300 chiến thuyền địch mà tiêu diệt.

Mặt khác, khúc sông dài 6 km giữa Rạch Gầm và Xoài Mút chỉ cách thành Mỹ Tho khoảng 7 km, cách Trà Tân - nơi địch tập trung quân chưa đầy 15 km, 2 bên bờ sông có nhiều thôn xóm.

Chỉ với sự ủng hộ tích cực của người dân trong các thôn xóm này, Nguyễn Huệ mới có thể điều quân, hành quân, chiếm lĩnh trận địa và bố trí mai phục chu tất mà đại quân của địch cách đó không xa không hề hay biết, vẫn lầm tưởng mà nghênh ngang tiến vào trận địa mai phục để quân Tây Sơn đánh cho một trận tan tành.

Nhân dân Gia Định, đặc biệt là người dân trong các làng xóm ven sông Mỹ Tho đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, khiến từ đó “người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp’’. Thật là:

“Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm -  Xoài Mút muôn đời oai linh”.
(Ca dao)

HỒNG LÊ

.
.
.