Bước chân dặm trường

Cập nhật: 08:54, 20/03/2015 (GMT+7)

Suốt cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng, mẹ Nguyễn Thị Sa (1890 - 1976), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã tô đậm những nét son trong trang lịch sử Đảng bộ xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo.

ss
Mẹ Nguyễn Thị Sa.

Rong ruổi dưới nắng trưa tháng ba oi bức, tôi về xã Trung Hòa gặp được bà Bảy - Huỳnh Thị Dần, người còn nhớ nhiều câu chuyện cảm động và đáng kính về mẹ Hai - Nguyễn Thị Sa thời sau Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.

Bà Bảy cho biết, quê mẹ Hai ở tỉnh Long An. Khoảng năm 1928 - 1929 mẹ có chồng, về quê chồng ở xã Trung Hòa. 6 năm chung sống với chồng mà không có con. Rồi ông mất, mẹ ở vậy và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Bà Bảy nhớ có lần mẹ Hai kể: “Trên ngọn cây dương cao chót vót ở đình Trung Hòa, anh em treo cờ đỏ sao vàng bay phấp phới ngày đêm. Dưới sân đình, Khánh (đồng chí Bùi Văn Khánh, Bí thư đầu tiên của Chi bộ xã Trung Hòa) bắt bọn ác ôn ngồi sắp lớp kể tội, đòi chặt đầu. Chúng nó lạy lục năn nỉ xin cách mạng tha… Khoái lắm!”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mẹ Hai là cán bộ Hội Phụ nữ Cứu quốc xã Trung Hòa. Ngoài việc đi vận động phong trào đóng góp cho kháng chiến, nuôi dưỡng, bảo bọc anh em ở quân y Chợ Gạo, mẹ còn mở quán cóc bán khô mắm, rau cải, lời được 70 - 100 đồng là mẹ đóng cửa quán, gói bánh trái quảy lên Đồng Tháp Mười cho bộ đội ăn và cho mỗi đứa vài cắc, 5 - 7 ngày lại quay về quán cóc. Có đồng lời, lại đi.

Năm 1949, tại đồn Tịnh Hà, xã Mỹ Tịnh An có tên lính Pháp man rợ, dân gọi nó là “thằng Pháp điên”. Một lần nó lấy dây chì xỏ xâu bàn tay rồi bắn chết 11 người dân xô xuống sông Bảo Định. Tối mẹ mò vớt xác từng người đem giấu ở mé sông, mò tới sáng mới hết. Mẹ về thay áo quần rồi ra chợ Tịnh Hà nhắn nhỏ với bà con: “Ai có người thân bị bắn chết thì lên đó lấy xác về chôn”.

Từ những năm 1948 - 1949 cho đến năm 1954 nhà mẹ là cơ quan công an huyện. Có lần, đồng chí Chín Tồn, Trưởng Công an  huyện đang ở trong buồng, mẹ ngồi trước sân xắt chuối cho heo ăn thì lính lù lù tới ngay trước cổng.

Quá bất ngờ nhưng kịp bình tĩnh, mẹ bật đứng dậy xách dao chạy ra chửi bới, đánh lính. Lính chưa kịp biết ất giáp gì, trong khi bọn tề làng đi đàng sau đám lính vượt lên trước, ào vào xét nhà thì đồng chí Chín Tồn đã kịp ra cửa sau chạy thoát. Chúng bắt tra tấn mẹ chết đi sống lại.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, mẹ Hai nói lời tạm biệt xóm làng để lên đường tập kết. Bà Bảy nói, lúc đó mẹ có nuôi con heo bự lắm, bán được 150 đồng và trong túi còn 2 chỉ vàng. Mấy tháng sau thấy mẹ quay về, mẹ nói: “Gần xuống tàu, anh em kiểm tra sức khỏe, cho rằng mẹ không đủ sức đi nổi nên giữ lại”.

Tiền bạc, vòng vàng mẹ chia hết cho anh em, về tới nhà không còn đồng xu dính túi. Mẹ qua bà Bảy bảo: “Con còn tiền cho cô mượn, qua bà Hai Điền bên chợ Tân An bổ đồ về bán nữa”.

Bà Huỳnh Thị Dần
Bà Huỳnh Thị Dần

Giữa tháng 9-1960, lúc mẹ tròn tuổi 70, phong trào Đồng khởi ở Chợ Gạo nổi lên đều khắp. Tại ngã tư Tịnh Hà, địch đưa 1 trung đội lính tổng đoàn dân vệ về chốt đóng, hoạt động yểm trợ đồn Sư Nghĩa của xã Trung Hòa.

Mẹ Hai tới lui móc nối với anh em lính quen biết, có cảm tình với cách mạng để nắm quy luật hoạt động của đồn. Khi ấy du kích xã chưa có súng, mẹ đề nghị huyện cho 1 tiểu đội địa phương quân về cùng du kích đánh cường tập lúc địch vừa ngủ dậy.

Sáng ngày 12, do chúng nó đi “ba trui” về ngủ dậy trễ, đánh không được. Ngày ấy mẹ đeo bám đám lính, lựa lúc động viên ổn định tinh thần lực lương cảm tình và tiếp tục hợp đồng tác chiến.

Sáng ngày 13, tình huống đúng như dự kiến, bộ đội đồng loạt nổ súng, địch tháo chạy tán loạn, anh em xung phong thu được 14 khẩu súng. Huyện đội điều động chiến lợi phẩm mà quên chia cho du kích khẩu súng nào.

Mẹ Hai đi quan sát trận địa mà lòng rộn niềm vui chiến thắng và nghe nội tuyến trong đồn Sư Nghĩa báo tin là lính đồn đang hết sức hoang mang nên nghĩ tới chuyện chớp thời cơ giải phóng đồn. Mẹ quay về bàn với chi bộ và khẳng khái bảo: “Tụi bây cứ mượn cho tao 2 cây súng, nhất định tao tổ chức đánh lấy được đồn”.

Tối 15, mẹ đốt đuốc đi trước lên đồn, 2 du kích bí mật xách súng đi sau. Đứng trước cửa đồn, mẹ kêu: “Bớ Năm Kiếm ơi! Bà Ba dưới xóm bị rắn hổ cắn, trong đó có thuốc rắn hôn?”. Thằng Hai Học trưởng đồn ác ôn sợ sệt trả lời: “Không có thằng Kiếm. Tối rồi. Về đi”.

Mẹ lại hỏi: “Vậy có thằng Bé Tư, Chín Chồn đó không?”. Mẹ gọi đúng tên anh em nội tuyến, thấy như là ám hiệu, thằng Học sinh nghi thì tức khắc nội tuyến nổ súng, thằng Học bị thương tung rào tháo chạy, du kích nổ súng phối hợp.

Không đầy 5 phút đồn Sư Nghĩa đứt liên lạc với chi khu quận, được giải phóng, ta thu 11 khẩu súng. Chi bộ xã Trung Hòa huy động hơn 100 dân công ban sạch đồn trong đêm. Chỉ có 3 ngày, mẹ Hai chỉ huy 2 trận chiến đấu thắng lợi, ngày 15-9-1960 xã Trung Hòa hoàn toàn giải phóng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Hai từ tuổi 70 cho tới tuổi 85, vậy mà trong phong trào cách mạng nào cũng thấy có mặt mẹ, từ đấu tranh chính trị, binh vận, làm chông, rào xã - ấp chiến đấu, nuôi dưỡng thương binh… nơi nào cũng có mẹ.

Như đã hoàn thành nhiệm vụ với non sông đất nước, năm 1976 mẹ qua đời sau cơn đau đột ngột, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau niềm tiếc thương và bài học quý giá về ý chí cách mạng kiên cường.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.